Ths.Bs.Nguyễn Thị Mai Khuyên
Khoa Nội Tiêu Hóa
- I. Câu chuyện ở khoa Tiêu Hóa:
Bệnh nhân nữ 54 tuổi vào viện vì lý do: đau bụng dọc khung đại tràng, rối loạn đại tiện( khó đi ngoài, đại tiện táo lỏng thất thường, đôi khi có nhầy nhưng không có máu), đầy bụng khó tiêu,không sốt, không gầy sút cân, bệnh kéo dài khoảng 1 năm nay, tinh thần bệnh nhân khá hoang mang và lo lắng về bệnh tật, luôn than phiền rằng tôi đã soi đại tràng rất nhiều lần ở nhiều nơi và đều nhận được câu trả lời là bình thường mà tại sao bệnh của tôi vẫn dai dẳng???. Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm thường qui và nội soi đại tràng. Kết quả cận lâm sàng:
Xét nghiệm thường qui:bình thường
Nội soi đại tràng: bình thường
Bệnh nhân được chẩn đoán: Hội chứng ruột kích thích.
- II. Nội dung:
- Định nghĩa
Hội chứng ruột kích thích là một loại rối loạn chức năng ống tiêu hóa, đặc trưng bởi đau bụng và rối loạn nhu động ruột, không kèm theo bất kỳ một bất thường nào về giải phẫu, tổn thương viêm, nhiễm trùng và khối u ở đại tràng. Vì vậy, hội chứng ruột kích thích còn có tên gọi khác là bệnh rối loạn chức năng ruột.
- Lịch sử và dịch tễ của bệnh
Năm 1892, hội chứng ruột kích thích được Osler mô tả lần đầu với thuật ngữ là viêm đại tràng nhầy khi ông viết về một rối loạn có đại tiện phân nhầy, đau bụng từng cơn, kèm theo một tỷ lệ cao bệnh nhân có rối loạn tâm lý. Từ đó bệnh được đặt nhiều tên khác nhau gồm: đại tràng co thắt, đại tràng thần kinh và đại tràng dễ kích thích.
Hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến khoảng 5 – 20% dân số thế giới. Bệnh thường xảy ra ở nữ nhiều hơn nam và độ tuổi mắc bệnh dưới 50 tuổi. Ở Việt Nam nghiên cứu khảo sát bệnh tiêu hóa tại khoa khám bệnh bệnh viện Bạch Mai (2004), HCRKT chiếm tới 83,4% trong nhóm bệnh lý đại trực tràng và hậu môn. Tỷ lệ lưu hành của hội chứng ruột kích thích thay đổi rất nhiều tùy theo tiêu chuẩn chẩn đoán mà nghiên cứu ứng dụng để thiết lập chẩn đoán và đối tượng được khảo sát. Dựa trên những quan sát này, không có gì ngạc nhiên là hậu quả kinh tế hàng năm của hội chứng ruột kích thích là rất lớn.
- Sinh lý bệnh
HCRKT là biểu hiện rối loạn vận động ruột, tăng cảm nội tạng, tăng tính thấm ruột, kích hoạt hệ miễn dịch, thay đổi hệ vi sinh đường ruột, rối loạn trục não ruột.
- Chẩn đoán
4.1. Lâm sàng:
– Đau bụng hoặc khó chịu ở bụng
– Tiêu chảy: thường gặp
– Táo bón: đi cầu dưới 3 lần/tuần
– Chướng bụng
– Cảm giác đi cầu không hết
4.2.Cận lâm sàng
– Không có xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán bệnh.
– Các xét nghiệm thường qui: không có gì đặc biệt
– Các xét nghiệm loại trừ:
+ Ỉa lỏng là chính: cường giáp, viêm tụy mạn.
+ Táo bón là chính: suy giáp, đái tháo đường, tăng ure máu, tăng calci máu.
+ Đau là chính: siêu âm, soi dạ dày tá tràng.
– Soi đại tràng
+ Có giá trị phân biệt với các tổn thương thực thể ở đại tràng.
+ Hình ảnh nội soi hoàn toàn bình thường.
+ Cần lưu ý một số bệnh lý viêm đại tràng collagenose, viêm đại tràng tăng lympho…có hình ảnh nội soi bình thường à chỉ phân biệt được bằng mô bệnh học.
4.4. Tiêu chuẩn chẩn đoán
Tiêu chuẩn Rome I, có độ nhạy 65%, độ đặc hiệu 100% và giá trị tiên đoán 98% trong phân biệt giữa hội chứng ruột kích thích và các bệnh thực thể khác.
Tháng 05 năm 2006, Rome III chính thức được giới thiệu bởi hiệp hội tiêu hóa Hoa Kỳ như tiêu chuẩn cải tiến với Rome II.
Tiêu chuẩn Rome III (2005)
Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ít nhất ba ngày/tháng trong ba tháng, với khởi đầu trước đây ít nhất sáu tháng, liên quan với hai hoặc hơn các triệu chứng sau đây:
– Cải thiện sau khi đại tiện
– Khởi đầu liên quan với thay đổi tần số đại tiện
– Khởi đầu liên quan với thay đổi dạng phân.
Tiêu chuẩn Rome IV (2016)
Hội chứng ruột kích thích là rối loạn ruột mạn tính, đặc trưng bởi đau bụng tái phát, xảy ra ít nhất 1 ngày mỗi tuần trong ba tháng gần đây, liên quan với hai hoặc hơn các triệu chứng sau đây:
– Có liên quan đến đi đại tiện
– Liên quan với tần số đại tiện
– Liên quan đến thay đổi hình dạng phân
Các dấu hiệu báo động
– Bệnh nhân tuổi >50
– Đại tiện ra máu
– Sụt cân ngoài ý muốn
– Triệu chứng nhiều về đêm
– Ăn mất ngon
– Sờ thấy khối ở bụng
– Sốt
– Cổ trướng
Chẩn đoán xác định
- Nếu có đầy đủ cận lâm sàng:
– Triệu chứng lâm sàng
– Cận lâm sàng bình thường
- Nếu không có cận lâm sàng:
– Không có dấu hiệu báo động
– Thỏa mãn điều kiện tiêu chuẩn ROME IV
4.5. Các thể của hội chứng ruột kích thích
- HCRKT táo bón chiếm ưu thế (IBS – C)
- HCRKT phân lỏng chiếm ưu thế (IBS – D)
- HCRKT thể phân lỏng, táo bón xen kẽ (IBS – M)
- HCRKT không phân loại (IBS – U)
- 5. Điều trị
5.1. Nguyên tắc chung
Cho đến nay, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Khuyến cáo năm 2010 của châu Á nhấn mạnh mục tiêu của điều trị là tập trung làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Việc điều trị cần phải được chỉ định dựa trên các yếu tố làm nặng (thuốc, chế độ ăn), các mối quan tâm, lo lắng của bệnh nhân cũng như các rối loạn tâm thần hoặc tâm lý kèm theo.
5.2. Các điều trị không dùng thuốc
- Giải thích cho bệnh nhân hiểu về bệnh tránh lo lắng thái quá
- Tâm lý liệu pháp, thư giãn
- Chế độ ăn:
– Cần kiêng: Đồ béo, đồ sống, rau tươi, rượu
– Cần tránh các thức ăn gây khởi phát triệu chứng
– Gần đây, nhiều tác giả khuyến cáo chế độ ăn hạn chế FODMAPS (Fermentable Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides And Polyols) với cơ sở cho rằng các nhóm thức ăn thường gây đầy hơi, tiêu chảy và tăng cảm giác đau bụng. Tuy chưa có nhiều bằng chứng đầy đủ về lợi ích thực sự của tiết thực giảm FODMAPS nhưng do điều trị này khá an toàn và không tốn kém nên cũng thu hút được sự quan tâm áp dụng của nhiều thầy thuốc hiện nay.
5.3. Điều trị bằng thuốc
- Điều trị triệu chứng:
– Nhóm tác động lên nhu động ruột làm giảm đau
– Nhóm thuốc giảm tiêu chảy
– Nhóm nhuận tràng thẩm thấu
– Bảo vệ niêm mạc ruột và hấp phụ
- Giảm lo âu, an thần: Nhóm Benzodiazepin
- Chống trầm cảm: Nhóm TCA, nhóm SSRIs
- Kháng sinh trong điều trị IBS: Rifaximin
- I. Kết luận:
– Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một bệnh ruột viêm lành tính mạn tính, tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
– Vì vậy, khi bạn có các triệu chứng đau bụng hay rối loạn đại tiện hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn đúng về bệnh tránh những lo lắng không cần thiết.
Tài liệu tham khảo:
- Sallhy, Magdy El. (2012). Irritable bowel syndrome: Diagnosis and pathogenesis. World J Gastroenterol. 18 (37), 5151 – 5163.
- Các bộ môn nội (2004), Hội chứng ruột kích thích, Bệnh học nội khoa tập I – Bài giảng dành cho đối tượng sau đại học, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr.46 – 52.
- Thompson, Drossman, Talley, et al. (2006). Rome III diagnostic questionnaire for the adult functional GI disorders (including alarm questions) and scoring algorithm. Rome III: The functional Gastrointestinal disorders. 3, 917 – 951.
- R Spiller, Q Azir. (2007). Guidelines on the irritable bowel syndrome: mechanisms and practical management. Gut. 56, 1770 – 1798
- Các bộ môn nội (2003), Bệnh đại tràng chức năng hay hội chứng ruột kích thích, Bài giảng bệnh học nội khoa tập II, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr.250 – 253.
- Brian E. Lacy et al.Gastroenterology 2016, 150 : 1393 – 1407