TS. Trương Thanh Tùng, BsCKII. Tô Hoài Phương, BsCKII. Lê Đăng Khoa, BsCKII. Lê Đình Vũ, BsCKI. Nguyễn Bá Vinh
Từ đầu năm 2016 đến nay, Khoa ngoại Tiết niệu – BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành cắt bàng quang toàn bộ và tạo hình bàng quang mới bằng quai ruột cho 10 Bệnh nhân, kết quả ban đầu đã đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết: “nhân 2 trường hợp đầu tiên …” đã được đăng trên cuốn kỷ yếu Hội nghị Tiết niệu – Thận học toàn Quốc (VUNA) năm 2016 tới các quý đồng nghiệp và các bạn đọc giả.
NHÂN 2 TRƯỜNG HỢP ĐẦU TIÊN TẠO HÌNH BÀNG QUANG BẰNG RUỘT SAU CẮT BÀNG QUANG TOÀN BỘ TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH THANH HÓA
Mục tiêu: Đánh giá bước đầu những ưu điểm, nhược điểm và tính khả thi của phương pháp tạo hình bàng quang bằng ruột tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Đối tượng và phương pháp: Bao gồm 2 trường hợp ung thư bàng quang được cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch chậu bịt và tạo hình bàng quang bằng ruột tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa từ tháng 02/2016 đến tháng 05/2016. Nghiên cứu theo phương pháp mô tả trường hợp.
Kết quả: Thời gian phẫu thuật 180 – 200 phút (không tính thời gian cắt toàn bộ bàng quang và nạo vét hạch chậu bịt 2 bên). Lượng máu mất trung bình 45 – 50ml. Thời gian lập lại lưu thông tiêu hóa 4 ngày. Thời gian rút dẫn lưu penrose 7 – 8 ngày. Không có tai biến – biến chứng hay tử vong. Kiểm tra sau 1 đến 3 tháng thấy bệnh nhân đi tiểu tự chủ; dung tích bàng quang chức năng 150ml – 300ml; thời gian giữa 2 lần đi tiểu 1,5 – hơn 2 tiếng; thể tích nước tiểu tồn dư không đáng kể. Đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân ở mức tốt.
Kết luận: Phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột sau cắt toàn bộ bàng quang là một phẫu thuật đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân so với phẫu thuật chuyển lưu nước tiểu ra da. Phẫu thuật này có thể thực hiện được ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuy nhiên cần phải có đầy đủ trang thiết bị cũng như phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu.
Từ khóa: Cắt bàng quang toàn bộ; tạo hình bàng quang bằng ruột
ON THE FIRST 2 CASES OF ORTHOTOPIC ILEAL NEO BLADDER REPLACEMENT AFTER RADICAL CYSTECTOMY IN THANH HOA GENERAL HOSPITAL
Truong Thanh Tung, To Hoai Phuong, Le Dang Khoa, Le Dinh Vu, Nguyen Ba Vinh
Objective: Evaluate initial advantages, disadvantages and feasibility of orthotopic ileal neo bladder replacement in Thanh Hoa general hospital.
Subjects and Methods: Including 2 cases of bladder cancer undergone radical cystectomy and replaced by orthotopic ileal neo bladder in Thanh Hoa general hospital from Feb 2016 to May 2016. Research by the method described cases.
Results: The operative time 180-200 minutes (excluding the time for radical cystectomy). The average blood loss 45 – 50ml. The gastrointestinal circulation time 4 days. The Penrose drainage time 7-8 days. No complications or death. Check after 1 to 3 months: the patients continent urinating; the functional bladder capacity 150ml – 300ml; the time between 2 times urination from 1.5 hours to more than 2 hours; The residual urine volume is negligible. Assessment of satisfaction of the patients at a good level.
Conclusion: Orthotopic ileal neo bladder replacement after radical cystectomy bring a better quality of life for patients considering continuous urinary diversion. This surgery can be done at the provincial hospital, but should have full equipment as well as the surgeon must have experience and specialized training.
Keywords: radical cystectomy; orthotopic ileal neo bladder replacement.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ung thư bàng quang là bệnh lý thường gặp tại Việt Nam và trên Thế Giới. Điều trị chủ yếu vẫn là phẫu thuật phối hợp với hóa và xạ trị. Chỉ định cắt bàng quang toàn bộ thường được áp dụng cho những trường hợp u đã xâm lấn lớp cơ (T2 trở lên), với tỷ lệ sống thêm 5 năm sau mổ là 25% – 50% [2].
Sau cắt bàng quang toàn bộ, nước tiểu có thể được chuyển lưu bằng cách không kiểm soát hay có kiểm soát. Việc tạo một bàng quang mới (neo bladder) để thay thế và nối trực tiếp xuống niệu đạo đã nâng cao rõ chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Năm 1979, Camey là người đi tiên phong trong vấn đề này, ông dùng một đoạn hồi tràng nguyên ống dài 40cm để thay thế bàng quang với điểm giữa đoạn hồi tràng được nối với niệu đạo. Kể từ đó có nhiều phương pháp mới ra đời như: Studer, Melchior, Abob-Enein, Hautmann … [1, 3, 6, 7, 8].
Tại Việt Nam, phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột đã được một số bệnh viện tuyến TW thực hiện như: Bv Việt Đức, Bv Bình Dân … [1, 4, 5]. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh thì đây còn là vấn đề hạn chế. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa áp dụng kỹ thuật này vào điều trị từ tháng 02 năm 2016. Qua 2 trường hợp đã phẫu thuật, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá bước đầu những ưu điểm, nhược điểm và tính khả thi của phương pháp từ đó rút kinh nghiệm cho những trường hợp tiếp theo.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Bao gồm 2 trường hợp ung thư bàng quang có chỉ định và được cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch chậu bịt và tạo hình bàng quang bằng ruột tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa từ tháng 02 năm 2016 đến tháng 05 năm 2016.
Nghiên cứu theo phương pháp mô tả trường hợp. Các bệnh nhân được theo dõi ngắn sau xuất viện 1 đến 3 tháng.
Mô tả kỹ thuật:
Bệnh nhân được gây mê nội khí quản, tư thế nằm ngửa với 2 chân duổi thẳng. Sau khi tiến hành cắt bỏ toàn bộ bàng quang và nạo vét hạch chậu bịt 2 bên. Chúng tôi tiếp tục phẫu tích mở mạc treo ruột có cắt và buộc kỹ các cung mạch, lấy cô lập một đoạn hồi tràng dài 50cm – 60cm cách góc hồi manh tràng 20cm có đủ cung mạch nuôi. 2 đầu ruột còn lại được nối tận tận 2 lớp để lập lại lưu thông tiêu hóa.
Bơm rửa sạch đoạn ruột cô lập bằng dung dịch Betadine pha loãng, xẻ ống ruột phía bờ tự do và tạo dáng theo chữ W kiểu Hautmann (lưu ý phần đáy chữ W phải đủ dài để kéo đưa được xuống vùng hốc chậu dễ dàng).
Khâu gấp các mép ruột lần thứ nhất. Khâu đóng 2 đầu ruột và nối 2 niệu quản với bàng quang mới không tạo đường hầm. Khâu gấp tiếp các mép ruột lần thứ hai để tạo hình cầu cho bàng quang mới.
Đoạn ruột xếp theo hình chữ W kiểu Hautmann
Tạo cổ bàng quang mới đủ rộng để nối xuống niệu đạo. Nối cổ bàng quang mới với niệu đạo bằng 5 – 6 mũi rời chỉ tiêu (có đặt sonde foley niệu đạo làm nòng). Đặt dẫn lưu bàng quang trên mu và đưa đầu 2 catheter niệu quản ra da.
Kiểm tra độ kín của bàng quang mới. Đặt 2 dẫn lưu penrose vào hốc chậu (quanh cổ bàng quang mới). Đóng bụng 2 lớp.
Theo dõi và chăm sóc sau mổ:
Kháng sinh sau mổ dùng nhóm cephalosporin thế hệ 3 kết hợp với nhóm quinolon. Sau mổ 2 – 3 ngày bắt đầu bơm rửa sạch dịch ruột trong bàng quang mới. Sau 2 tuần rút dẫn lưu niệu quản ra da, sonde foley niệu đạo và xuất viện. Sau xuất viện 2 tuần hẹn tái khám và rút dẫn lưu bàng quang trên mu.
Đánh giá kết quả phẫu thuật và các tai biến – biến chứng. Đánh giá chức năng bàng quang mới sau mổ thông qua các chỉ số: dung tích bàng quang chức năng; thời gian giữa 2 lần đi tiểu; thể tích nước tiểu tồn lưu; dòng nước tiểu; và khả năng kiểm soát đi tiểu. Đánh giá khả năng chống trào ngược thông qua hình ảnh chụp UIV,siêu âm hay chụp CT. Đánh giá sự hài lòng của người bệnh một cách tương đối theo 4 mức độ.
KẾT QUẢ
Trường hợp thứ nhất:
– Bệnh nhân nam 61 tuổi. BMI 18kg/m2. Vào viện ngày 23/02/2016
– Tiền sử cắt nội soi điều trị ung thư bàng quang cách 3 tháng, khoảng 1 tháng trước vào viện đái máu lại, đau âm ỉ vùng hạ vị, gầy sút cân (4kg).
– Siêu âm và chụp CT scan thấy u bàng quang tái phát nằm ở vị trí thành trước bên trái với kích thước 3cm x 3cm, chưa thấy xâm lấn hay di căn hạch vùng.
– Xét nghiệm thiếu máu nhẹ, sinh hóa trong giới hạn bình thường. Xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu niệu (+++).
– Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư bàng quang tái phát, được mổ cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch chậu bịt 2 bên và tạo hình bàng quang bằng ruột ngày 29/02/2016.
– Thời gian phẫu thuật (không tính thời gian cắt toàn bộ bàng quang và nạo vét hạch chậu bịt 2 bên) là 180 phút. Lượng máu mất (ước lượng riêng trong tạo hình bàng quang bằng ruột) là 45ml. Truyền máu 2 đơn vị. Thời gian lập lại lưu thông tiêu hóa 4 ngày. Thời gian rút dẫn lưu penrose là 8 ngày. Thời gian rút dẫn lưu niệu quản ra da 15 ngày. Thời gian rút dẫn lưu bàng quang trên mu là 35 ngày. Các xét nghiệm điện giải sau mổ không biến động.
– Kiểm tra sau 3 tháng: bệnh nhân tăng cân; sinh hoạt lao động việc nhẹ được; đi tiểu tự chủ, tia tiểu bình thường; dung tích bàng quang chức năng 150ml – 200ml; thời gian giữa 2 lần đi tiểu 1,5 – 2 tiếng; thể tích nước tiểu tồn dư không đáng kể. Chụp MSCT lưu thông niệu quản tốt, không có hiện tượng trào ngược. Đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân ở mức tốt.
Trường hợp thứ hai:
– Bệnh nhân nam 56 tuổi. BMI 20kg/m2. Vào viện ngày 04/05/2016
– Bệnh nhân đái máu từ 1 tháng trước vào viện, kèm theo có đau âm ỉ vùng hạ vị và thắt lưng trái, gầy sút cân (2kg).
– Siêu âm và chụp MSCT thấy u bàng quang nằm rải rác ở vị trí thành sau lệch trái, thành bàng quang có chỗ dày đến 20cm. Chưa thấy xâm lấn hay di căn hạch vùng.
– Xét nghiệm thiếu máu nhẹ, sinh hóa trong giới hạn bình thường. Xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu niệu (+++).
– Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư bàng quang, được mổ cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch chậu bịt 2 bên và tạo hình bàng quang bằng ruột ngày 10/05/2016.
– Thời gian phẫu thuật (không tính thời gian cắt toàn bộ bàng quang và nạo vét hạch chậu bịt 2 bên) là 200 phút. Lượng máu mất (ước lượng riêng trong tạo hình bàng quang bằng ruột) là 50ml. Thời gian lập lại lưu thông tiêu hóa 4 ngày. Thời gian rút dẫn lưu penrose là 7 ngày. Thời gian rút dẫn lưu niệu quản ra da 14 ngày. Thời gian rút dẫn lưu bàng quang trên mu là 30 ngày. Các xét nghiệm điện giải sau mổ không biến động.
– Kiểm tra sau 1 tháng: bệnh nhân tăng cân; sinh hoạt lao động việc nhẹ được; đi tiểu tự chủ, tia tiểu bình thường; dung tích bàng quang chức năng 250ml – 300ml; thời gian giữa 2 lần đi tiểu hơn 2 tiếng; thể tích nước tiểu tồn dư không đáng kể. Chụp MSCT lưu thông niệu quản tốt, không có hiện tượng trào ngược.Đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân ở mức tốt.
BÀN LUẬN
Chuyển lưu nước tiểu (urinary diversion) sau cắt bàng quang toàn bộ là một việc hết sức quan trọng. Về mặt yêu cầu sau khi chuyển lưu, nước tiểu phải được lưu thông tốt, không gây ứ trệ tắc nghẽn, tránh được hiện tượng trào ngược. Về mặt tiện lợi và đem lại chất lượng cuộc sống cho người bệnh thì chuyển lưu có kiểm soát có nhiều ưu điểm hơn chuyển lưu không kiểm soát. Với chuyển lưu có kiểm soát, tạo hình bàng quang bằng ruột nối với niệu đạo hay bàng quang trực vị (orthotopic bladder) sẽ đem lại cảm giác phục hồi bình thường sau mổ tốt hơn, tránh gây mặc cảm tật nguyền về sau này.
- 1. Chỉ định:
Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa bắt đầu thực hiện tạo hình bàng quang bằng ruột nối với niệu đạo từ tháng 02 năm 2016, qua 2 trường hợp đã làm chúng tôi thấy đây đều là những bệnh nhân nam, lứa tuổi 56 – 61 năm, với chỉ số BMI 18 – 20kg/m2, các bệnh nhân đều bị ung thư bàng quang thể xâm lấn cơ, được cắt bàng quang toàn bộ, nạo vét hạch chậu bịt 2 bên và được tạo hình bàng quang từ đoạn hồi tràng theo kiểu Hautmann. Theo Đào Quang Oánh (2012), mặc dù tạo hình bàng quang bằng ruột nối với niệu đạo là một phẫu thuật tương đối lớn nhưng có tỷ lệ tai biến – biến chứng ở mức chấp nhận được [3]. Cho đến nay, tạo hình bàng quang bằng đoạn hồi tràng vẫn là một lựa chọn ưu tiên, chỉ định tái tạo bàng quang ngày càng được mở rộng hơn, kể cả trên những bệnh nhân già yếu hay những bệnh nhân đã chuyển lưu không kiểm soát [3, 8].
- 2. Bàng quang mới:
– Dung tích bàng quang:
Trong tạo hình bàng quang bằng ruột nói chung, dung tích bàng quang mới sẽ đáp ứng chức năng chứa đựng của bàng quang. Để tạo được bàng quang có đủ dung tích và áp lực thấp thì chúng ta phải áp dụng nguyên tắc mở ống (detubularization), (theo định luật Laplace, với cùng một sự thay đổi thể tích, cơ quan nào có đường kính lớn hơn sẽ thích nghi tốt hơn để giữ áp suất P ổn định) [3]. Trong 2 trường hợp đã làm, chúng tôi áp dụng nguyên tắc mở ống để tạo hình bàng quang theo kiểu Hautmann (hình W). Theo một số tác giả, đây là kiểu làm tạo được bàng quang có dung tích lớn nhất và tròn nhất (tính trên cùng một đoạn ruột) [3, 7]. Ở trường hợp thứ nhất, đoạn hồi tràng chúng tôi lấy cách góc hồi manh tràng chừng 20cm. Do độ dài của đoạn hồi tràng còn ngắn (khoảng 40cm), nên kích thước và dung tích bàng quang mới chỉ đạt được mức trung bình (kiểm tra sau 3 tháng đạt 150ml – 200ml). Rút kinh nghiệm, với trường hợp thứ hai chúng tôi lấy đoạn hồi tràng dài hơn nên dung tích bàng quang chức năng đã đạt mức tốt (sau 1 tháng đạt 300ml).
– Nối niệu quản với bàng quang mới:
Có nhiều phương pháp nối niệu quản vào bàng quang mới (it nhất có 5 kỹ thuật), nhưng nhìn chung các phương pháp đều phải đảm bảo vừa không gây trở ngại dòng nước tiểu từ thận xuống, vừa không có trào ngược. Đối với bàng quang mới làm từ hồi tràng thì thường được nối niệu quản theo: kỹ thuật khâu lộn tay áo; kỹ thuật nối tận bên với đoạn ruột nguyên ống; kỹ thuật LeDuc-Camey; hay kỹ thuật tạo van bằng đoạn ruột có lồng, các kỹ thuật đều ưu tiên chống tắc nghẽn chít hẹp miệng nối về sau hơn là chống trào ngược [3, 6, 7, 8]. 2 trường hợp của chúng tôi đều áp dụng kỹ thuật nối tận bên không tạo đường hầm dưới niêm mạc (kiểu nối đang thực hiện tại bệnh viện Bình Dân), kết quả kiểm tra sau 1 đến 3 tháng không có hiện tượng tắc nghẽn miệng nối hay trào ngược niệu quản.
– Nối bàng quang mới với niệu đạo:
Yêu cầu chung của nối bàng quang mới với niệu đạo là phải không gây hẹp cổ bàng quang và kiểm soát được nước tiểu. Niệu đạo phải được kiểm tra trước mổ khẳng định không có di căn hay xâm lấn thì mới có chỉ định nối. Bàng quang mới phải đủ độ dài mạc treo để đưa được xuống hốc chậu. Cả 2 trường hợp của chúng tôi đều đáp ứng đủ các tiêu chí trên, việc mở tạo cổ bàng quang mới chúng tôi làm theo kiểu rạch mở hình chữ thập và khâu nối với niệu đạo bằng 5-6 mối chỉ rời monocryl 3/0 trên nòng Foley 24ch. Theo Đào Quang Oánh (2012), do cấu trúc bàng quang mới được tạo từ hồi tràng vẫn còn những cơn co thắt tự động, nên đối với những trường hợp có cơ thắt vân yếu sẽ hay bị són tiểu, đặc biệt là đối với nữ giới có niệu đạo ngắn [3].
- 3. Một số kết quả:
Qua 2 trường hợp cắt toàn bộ bàng quang và tạo hình bàng quang bằng ruột, với kết quả thu được: thời gian phẫu thuật 180 – 200 phút (nếu tính cả thời gian cắt toàn bộ bàng quang và nạo vét hạch chậu bịt thì tổng thời gian là 360 – 420 phút). Lượng máu mất trung bình cho riêng phẫu thuật tạo hình bàng quang không đáng kể (45 – 50ml), có 1 trường hợp truyền 2 đơn vị máu do kế hoạch dự phòng từ trước. Thời gian lập lại lưu thông tiêu hóa 4 ngày. Thời gian rút dẫn lưu penrose 7 – 8 ngày. Thời gian rút dẫn lưu niệu quản ra da 14 ngày. Thời gian rút dẫn lưu bàng quang trên mu 30 – 35 ngày. Không có tai biến – biến chứng hay tử vong. Kiểm tra sau 1 đến 3 tháng thấy bệnh nhân tăng cân, sinh hoạt lao động việc nhẹ được, đi tiểu tự chủ, tia tiểu bình thường; dung tích bàng quang chức năng 150ml – 300ml; thời gian giữa 2 lần đi tiểu 1,5 – hơn 2 tiếng; thể tích nước tiểu tồn dư không đáng kể. Không có hiện tượng tắc nghẽn miệng nối hay trào ngược niệu quản. Đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân ở mức tốt.
Chúng tôi thấy, không có sự khác biệt đáng kể có ý nghĩa thống kê so với các nghiên cứu trong nước của Vũ Lê Chuyên, Đào Quang Oánh, Trần Chí Thanh, Nguyễn Đạo Thuấn [1, 3, 4, 5]. Mặc dù đây mới chỉ là nghiên cứu ở mức độ báo cáo trường hợp với số liệu ít, nhưng đây cũng là thành công bước đầu đối với bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và các bệnh viện tuyến tỉnh. Về mặt lâu dài, chúng tôi sẽ mạnh dạn chỉ định thực hiện kỹ thuật này thường qui hơn nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, song song sẽ có những nghiên cứu quy mô hơn để đánh giá một cách chính xác kết quả cũng như theo dõi những biến chứng xa hơn của người bệnh (như: dung tích bàng quang; thể tích nước tiểu tồn dư; hẹp miệng niệu quản, niệu đạo; nhiễm khuẩn ngược dòng …).
KẾT LUẬN
Qua 2 trường hợp báo cáo, chúng tôi thấy phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột sau cắt toàn bộ bàng quang là một phẫu thuật đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân so với phẫu thuật chuyển lưu nước tiểu ra da. Phẫu thuật này có thể thực hiện được ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuy nhiên cần phải có đầy đủ trang thiết bị cũng như phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1. Vũ Lê Chuyên (2012), “Phẫu thuật cắt bàng quang”, NXB Y học chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
- 2. Nguyễn Kỳ, Đỗ Trường Thành (2003), “U bàng quang”, Bệnh học tiết niệu, NXB Y học, tr.471-482.
- 3. Đào Quang Oánh (2012), “Phẫu thuật tạo hình bàng quang”, Phẫu thuật cắt bàng quang, NXB Y học, tr.131-229.
- 4. Trần Chí Thanh (2015), “Kết quả tạo hình bàng quang theo phương pháp Abol-Enein sau cắt bàng quang toàn bộ do ung thư bàng quang tại bệnh viện Việt Đức”, Kỷ yếu HNKH lần thứ II, VUNA-north, tháng 11, tr.28-33.
- 5. Nguyễn Đạo Thuấn và cộng sự (2005), “Kết quả ban đầu phẫu thuật chuyển lưu nước tiểu qua da có kiểm soát bằng túi Indiana”, Kỷ yếu HNKH tháng 8/2005, Hội tiết niệu thận học TP Hồ Chí Minh.
- 6. Abol-Enein H, et al (2006), “A continent cutaneous ileal neo bladder using the serous-lined extramural valves”, BJU Int (98), pp.1125-1137.
- 7. Hautmann RE, et al (2006), “Long-term results of standard proceduces in urology: the ileal neo bladder”, World J Urol (24), pp.305-314.
- 8. Mc Dougal WS, et al (2007), “Use of intestinal segments in urinary diversion”, Campbell-Walsh Urology, SE company, Chapter 80, pp.2534-2578.
————————————
*: Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa
– Người liên hệ: TS. Trương Thanh Tùng, khoa ngoại tiết niệu, BVĐK tỉnh Thanh Hóa. Email: tungtnqy@gmail.com. Điện thoại: 0915333838.