Làm thế nào để phát hiện sớm?
Theo GS.TS.Trần Hữu Bình (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) thì: Trầm cảm là bệnh lí rối loạn cảm xúc, biểu hiện đặc trưng là khí sắc trầm buồn, mất quan tâm thích thú, giảm sinh lực dẫn đến mệt mỏi, giảm hoạt động kéo dài khoảng hai tuần.
Hiện người ta gọi trầm cảm là bệnh thời hiện đại chính bởi nguyên nhân quan trọng của bệnh là do hệ lụy của đời sống công nghiệp, bận rộn. Áp lực đời sống dẫn tới các sang chấn tâm lý ngày càng nhiều khiến con người mệt mỏi, căng thẳng quá mức và ít tìm kiếm được sự chia sẻ.
Đó là những trắc trở trong cuộc sống tình cảm như chia tay, li dị, thất bại trong kinh doanh, công việc, hệ lụy của truyền thông… Một phần khác, trầm cảm là do những tổn thương thực thể (bệnh tật, chức năng não bộ thay đổi…).
Bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi nhưng tập trung ở nữ nhiều hơn nam. Trong số bệnh nhân thì có 5-10% thuộc dạng trầm cảm điển hình phản ánh những ức chế, căng thẳng quá mức về tư duy, hoạt động, trí nhớ có dấu hiệu loạn thần (đòi tự sát, hành hung người khác). Nguy hại nhất của bệnh này là dẫn đến tự sát. Những trường hợp tự sát như hai chị em diễn viên Choi Jin Sil thuộc dạng trầm cảm có loạn thần.
Khi bị trầm cảm thì các triệu chứng kéo dài trên khoảng hai tuần, lí do thường không phù hợp. Sau đây là một số triệu chứng, biểu hiện để nhận biết trầm cảm:
– Giảm khí sắc, khí sắc trầm buồn.
– Mất quan tâm hứng thú, mệt mỏi, mất năng lượng
– Thường có các triệu chứng kết hợp sau:
– Rối loạn giấc ngủ
– Giảm dục năng.
– Mất tự trọng, cảm giác tội lỗi.
– Kích động hay chậm chạp trong vận động, ngôn ngữ.
– Mất ngon miệng.
– Ý tưởng hay hành vi tự sát.
– Khó tập trung chú ý.
– Cũng thường có các triệu chứng của lo âu, sợ hãi.
Khi có nhiều hơn năm trong số các dấu hiệu trên, bạn nên đến chuyên khoa tâm thần khám bệnh hoặc tham vấn các nhà chuyên môn.
Theo TS.Tô Thanh Phương (Bệnh viện Tâm thần Trung Ương) thì trầm cảm đã có phương pháp điều trị hiệu quả. Nếu bệnh được phát hiện sớm hoàn toàn chữa khỏi không mất nhiều thời gian (4-6 tháng, hoặc chỉ vài tuần tùy theo mức nặng nhẹ). Nếu để lâu bệnh sẽ thành mạn tính và tỉ lệ tự sát cao.Chữa trị trầm cảm đúng cách
Đại học Oxford, ĐH Cambridge của Anh đã thực hiện nghiên cứu so sánh hiệu quả chữa trầm cảm bằng thiền định và dược phẩm. Công trình nghiên cứu này được công bố trong tạp chí Consulting and Clinical Psychology. Kết quả là tỷ lệ tái phát bệnh trong hai phương pháp là tương đương nhau nhưng chữa bằng thiền định giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh tốt hơn.
Biện pháp chữa trầm cảm bằng thiền định đang được phát triển song song với chữa bệnh bằng dược phẩm. Đây là phương pháp chữa trị bằng nhận thức dựa trên sự tỉnh thức. Các chuyên gia tâm lý sẽ tiếp cận, trò chuyện, giảng dạy để bệnh nhân thức tỉnh, lạc quan. Mục đích của việc dạy thiền định là giảng dạy các kỹ năng giúp cho bệnh nhân nhận thức và đối phó với khuynh hướng dẫn đến trạng thái trầm uất. Theo đó nhìn nhận cuộc sống lạc quan, vui tươi, theo hướng tích cực sẽ giúp con người tránh trầm cảm.
Theo SKGĐ