BS . Nguyễn Thị Thanh Hương
Khoa Nội Tiêu Hóa
Trong những năm gần đây ung thư đại trực tràng ngày càng trẻ hoá và đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vậy ung thư đại trực tràng là gì? Nguyên nhân ? Phát hiện như thế nào?
I. UNG THƯ ĐẠI trỰC TRÀNG (UTĐTT) LÀ GÌ?
UTĐTT là ung thư xuất phát từ ruột già gây ra bởi sự phát triển bất thường của các tế bào, có khả năng xâm lấn hoặc lan rộng tới bộ phận khác của cơ thể.
UTĐTT thường bắt đầu từ polyp được hình thành trong lòng đại trực tràng. Qua thời gian, các polyp này có thể tiến triển thành ung thư. Do đó, phát hiện và loại bỏ polyp là một trong những phương pháp giúp bạn phòng ngừa UTĐTT hiệu quả.
UTĐTT được chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư mới chỉ xuất hiện ở trong thành niêm mạc đại trực tràng.
Giai đoạn 2: Tế bào ung thư lan qua vùng tổ chức thành đại tràng hoặc xâm lấn tới các vùng lân cận, nhưng chưa ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết và những cơ quan xa hơn.
Giai đoạn 3: Tiến vào hệ bạch huyết, cũng có thể lan xa hơn đến thành đường ruột.
Giai đoạn 4: Tế bào ung thư đã xâm nhập hệ thống bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác của cơ thể như: gan, phổi, xương…
II. UNG THƯ ĐẠI TRÀNG NGUY HIỂM KHÔNG?
– Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết: UTĐTT là loại ung thư phổ biến thứ hai trên thế giới, chỉ sau ung thư phổi.
– Theo ước tính của WHO, trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 11 triệu trường hợp mắc mới và gần 7 triệu người tử vong do UTĐTT
– Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018, Việt Nam có 14 nghìn người mắc UTĐTT và hơn 7 nghìn trường hợp tử vong vì bệnh này. Các dạng UTĐTT thường gặp bao gồm: ung thư ống hậu môn, ung thư trực tràng hoặc ung thư đại tràng sigma, ung thư đại tràng trái, ung thư đại tràng ngang, ung thư đại tràng phải, ung thư manh tràng. Tại Việt Nam, UTĐTT đứng thứ 3 ở phụ nữ và thứ 4 trong hệ thống bệnh ung thư ở nam giới. Tỷ lệ mắc đối với nữ là 13,7/100.000 dân và với nam là 17,1/100.000 dân. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ và gia tăng theo tuổi.
– Nghiên cứu tại Bệnh viện K cho thấy, UTĐTT thường xuất hiện ở độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh đang có xu hướng “trẻ hóa” với nhiều trường hợp nằm trong khoảng 18-20 tuổi.
III. NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ ĐẠI TRÀNG
Hiện nay, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh UTĐTT. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc UTĐTT.
1.Mắc một số bệnh về đường ruột
- Viêm loét đại trực tràng kéo dài: Có nguy cơ cao tùy thuộc vào mức độ loạn sản cao, được coi là dấu hiệu báo trước cho nguy cơ UTĐTT
- Polyp đại tràng: Polyp không cuống thì nguy cơ ác tính nhiều hơn Polyp có cuống, Polyp lớn có cấu trúc nhung mao và loạn sản nhiều thì nguy cơ ác tính cao hơn.
- Tiền sử gia đình mắc UTĐTT: Có đến 25% UTĐTT có liên quan đến yếu tố gia đình chia làm hai nhóm
+ Bệnh đa Polyp tuyến gia đình và hội chứng Gardner được di truyền theo gen trội với sự không hoạt đông của gen APC
+Bệnh UTĐTT di truyền không đa Polyp gọi là hội chứng Lynch, bệnh di truyền theo NST trội, xuất hiện từ u tuyến ở những vị trí đặc biệt. Bệnh chiếm 10% ung thư đại trực tràng.
2. Chế độ ăn uống
- Ăn quá nhiều thịt đỏ: Các loại thịt đỏ như: thịt bò, thịt trâu, thịt dê… có mối quan hệ mật thiết với bệnh UTĐTT. Nguyên nhân là do thịt đỏ khi được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra amin dị vòng HCAs và PAHs. Amin này phản ứng với protein, đường, creatine sẽ phát sinh ra các biểu mô bất thường, hình thành ung thư.
- Thường xuyên ăn thực phẩm muối, lên men
Thực phẩm muối lên men phổ biến như: dưa muối, cà muối, kim chi… chứa nhiều muối nitrit, khi kết hợp với amin bậc 2 có trong một số thực phẩm sẽ biến đổi thành nitrozamin. Chấ.t này có khả năng gây ung thư.
- Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn chế biến sẵn
Các loại thực phẩm ăn nhanh, chế biến sẵn như: xúc xích, lạp xưởng, thịt muối, thịt hun khói… có hàm lượng natri nitrit – thủ phạm gây ung thư. Nếu ăn thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tương tự như thực phẩm muối lên men.
3.Béo phì
– Tình trạng béo phì có nguy cơ dẫn tới UTĐTT ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn phụ nữ.
– Phần lớn, những người béo phì có nồng độ cholesterol và insulin trong máu tăng cao. Điều này khiến lượng cholesterol trong tế bào miễn dịch cũng tăng, từ đó, làm khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch suy giảm. Mặt khác, insulin cao có thể ức chế tế bào miễn dịch, đồng thời, thúc đẩy tăng sinh tế bào ung thư trong cơ thể.
4. Hút thuốc lá, uống rượu bia
-Thuốc lá chứa 7000 chất hóa học, trong đó có 69 chất hình thành tế bào ung thư. Không chỉ gây bệnh ung thư phổi và các bệnh lý tim mạch, hút thuốc lá còn là yếu tố gây ung thư đại tràng, nhất là khi kết hợp với rượu. Uống nhiều rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh UTĐTT
Ngoài những yếu tố kể trên, tuổi tác, vùng địa lý, mắc hội chứng di truyền… cũng là nguyên nhân dẫn tới UTĐTT.
IV.TRIỆU CHỨNG UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG
UTĐTT tiến triển âm thầm với thời gian dài không có triệu chứng. Khi có các triệu chứng sau cần nghĩ đến triệu chứng của bệnh UTĐTT và có phương án tầm soát UTĐTT. Tùy từng vị của khối u trong đại trực tràng ở vị trí nào mà có các triệu chứng cụ thể khác nhau (U ống hậu môn, trực tràng, đại tràng Sigma, đại tràng xuống, đại tràng ngang, đại tràng lên hay manh tràng) nhưng đa số các bệnh nhân thông thường có một hoặc các triệu chứng sau.
1.Đau bụng:
Đây là triệu chứng thường gặp ở những người mắc bệnh UTĐTT. Các cơn đau thường không rõ ràng, khi dữ dội, lúc lại âm ỉ mơ hồ bệnh nhân thường quan niệm là mình bị ‘viêm đại tràng mạn tính’.
2.Rối loạn tiêu hóa kéo dài:
Bệnh UTĐTT có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Các dấu hiệu thường gặp như: ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon miệng kéo dài, rối loạn đại tiện, sự phát triển của khối u làm cho bệnh nhân mệt mỏi, sụt cân.
3.Đại tiện ra máu:
Đại tiện phân máu là triệu chứng phổ biến của UTĐTT, tuy nhiên không ít người nhầm lẫn biểu hiện này với bệnh trĩ và để bệnh phát triển quá lâu đến khi phát hiện UTĐTT thường ở giai đoạn muộn.
4.Thay đổi thói quen đi đại tiện (Rối loạn đại tiện):
Biểu hiện ở triệu chứng thay đổi hình thái phân: phân nát, phân không thành khuôn, phân dẹt.
Và triệu chứng thay đổi số lần đại tiện, có thể bệnh nhân đại tiện nhiều lần trong ngày hoặc biểu hiện táo bón. Thậm chí có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình tràng tắc ruột do u đại trực tràng.
5. Giảm cân bất thường:
Bệnh nhân mệt mỏi, mệt kể cả khi nghỉ ngơi, cảm giác sốt nhẹ, ăn uống không ngon miệng, ậm ạch khó tiêu, hoa mắt chóng mặt, sút cân nhanh trong thời gian ngắn không rõ nguyên nhân.
V CÁC BIỆN PHÁP CHẨN ĐOÁN UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG
-Dựa vào triệu chứng lâm sàng, các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu bệnh để định hướng chẩn đoán bệnh UTĐTT. Để chẩn đoán xác định cần sử dụng các xét nghiệm cận lâm sàng và nội soi đại trực tràng toàn bộ.
– Xét nghiệm máu trong phân: UTĐTT ở giai đoạn sớm đã có xuất hiện máu trong phân nhưng lượng ít mắt thường không thấy được ( máu trên vi thể), xét nghiệm tìm máu trong phân để định hướng cho nội soi đại trực tràng phát hiện sớm tổn thương UTĐTT.
– Xét nghiệm các marker ung thư CEA, CA 19.9, CA 74….trong máu để định hướng cho nội soi đại trực tràng phát hiện hiện sớm tổn thương ung thư.
– Siêu âm ổ bụng: Siêu âm để phát hiện được khối u trong khung đại tràng rất khó, vì đường tiêu hóa nhiều hơi làm cản trở tia siêu âm. Tuy nhiên có thể thấy các dấu hiệu gián tiếp như lồng ruột, tắc ruột, thành đại tràng dày…nhưng ở giai đoạn muộn khi khối U đã lớn.
– Nội soi đại tràng trực ống toàn bộ ống mềm kết hợp sinh thiết: Đây là phương pháp chẩn đoán xác định, nội soi đại trực tràng phát hiện các bệnh lý tại đại tràng và trực tràng. Nếu phát hiện khối bất thường tiến hành lấy mô và sinh thiết để xác định u lành hay u ác tính. Nội soi đại trực tràng thường xuyên ở những người có nguy cơ cao giúp tầm soát và phát hiện sớm bệnh.
– Chụp CT scanner, chụp MRI để phát hiện di căn đến các cơ quan xung quanh.
VII. TẦM QUAN TRỌNG CỦA NỘI SOI ĐẠI TRÀNG
Nội soi đại trực tràng là phương pháp tin cậy nhất chẩn đoán bệnh lý đại trực tràng như: viêm, loét, chảy máu, polyp, ung thư đại tràng. Khi nội soi đại trực tràng, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi dây mềm đưa vào bên trong lòng đại trực tràng, ở đầu ống soi có gắn camera để quan sát rõ ràng bên trong niêm mạc đại trực tràng, phát hiện những tổn thương bất thường nếu có. Từ đó có định hướng chẩn đoán đúng đắn và có thể sơ bộ đưa ra phương án can thiệp khi bệnh nhân có tổn thương.
1.Vai trò của nội soi đại trực tràng
Nội soi đại tràng giúp bác sĩ phát hiện những bất thường như viêm loét đại trực tràng, các polyp, khối u lành tính hay ác tính, các tổn thương đại tràng bị chảy máu. Hiện nay với thế hệ máy nội soi hiện đại như nội soi phóng đại kết hợp với dải tần ánh sáng hẹp (Narrow Band Imaging – NBI), nội soi nhuộm màu (Chromoendoscopy), các bác sĩ có thể phát hiện vùng niêm mạc lành và ung thư rõ nét hơn và qua đó giúp cho sinh thiết hiệu quả, chính xác vào vùng có tế bào ung thư, cho phép phát hiện những tổn thương nhỏ kể cả các tổn thương nhỏ 2 mm … Khi phát hiện các bất thường, bác sĩ có thể tiến hành các can thiệp như: Sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán mức độ biến đổi tế bào, chẩn đoán chính xác ung thư. Qua nội soi các bác sĩ có thể can thiệp, cắt polyp ngăn chặn nguy cơ ung thư, cắt hớt niêm mạc điều trị ung thư sớm, cầm máu (nếu tổn thương đang chảy máu)
Nội soi đại trực tràng toàn bộ là phương pháp thăm dò chức năng có xâm nhập tiến hành trong thời gian 5-15 phút, bệnh nhân đã được chuẩn bị làm sach lòng đại trực tràng có thể được tiến hành nội soi với 2 phương pháp: nội soi tiền mê và nội soi thông thường.
-Nội soi tiền mê là nội soi được làm sau khi bệnh nhân đã tiêm thuốc tiền mê, bênh nhân không có cảm giác lo sợ và đau bụng khi nội soi, bệnh nhân được theo dõi tại phòng nội soi và có thể về sau 1 tiếng.
-Nội soi đại tràng không tiền mê tức là người bệnh tỉnh táo hoàn toàn trong quá trình nội soi, nhưng người bệnh có thể cảm giác tức nặng bụng dưới hoặc đau nhẹ tùy theo cảm giác đau của từng người.
– Bên cạnh đó, nội soi viên nang (Capsule endoscopy) có thể giúp chẩn đoán bệnh lý ở đại tràng tức là người bệnh nuốt một camera nhỏ. Trong quá trình tiêu hóa Camera sẽ quan sát toàn bộ ống tiêu hóa và ghi lại thông tin, thời gian để quan sát toàn bộ ống tiêu hóa (dạ dày – ruột non – đại tràng) mất từ 6 – 10 giờ. Ưu điểm là người bệnh chỉ phải nuốt một camera như nuốt một viên thuốc, quan sát toàn bộ ống tiêu hóa nhưng nhược điểm là không lấy mẫu bệnh phẩm sinh thiết khi có tổn thương. Đây cũng là nội soi thụ động phụ thuộc vào nhu động ống tiêu hóa nên đánh giá tổn thương ở dạ dày và đại tràng sẽ hạn chế vì có góc khuất mà camera không nhìn thấy được.
2.Những đối tượng nào cần thiết phải nội soi đại trực tràng
– Đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện, tiêu chảy, táo bón, kéo dài, sụt cân không rõ lý do.
– Bị thiếu máu thiếu sắt hồng cầu nhỏ mà không rõ nguyên nhân.
– Đại tiện có máu trong phân, test hồng cầu trong phân dương tính (FOBT+) mà không rõ lý do
– Có tiền sử polyp hay ung thư đại tràng trước đây
– Viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn.
– Trên 40 tuổi có nhu cầu nội soi tầm soát, người trong huyết thống (bố mẹ, anh chị em ruột…) bị ung thư đại tràng, polyp có tính chất gia đình.
3. Các kỹ thuật tầm soát UTĐTT đang được thực hiện tại khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Tỉnh Thanh Hóa
– Xét nghiệm: Xét nghiệm Marker ung thư: CEA; CA 72-4
– Siêu âm ổ bụng màu: Hệ thống máy siêu âm màu Aloka Anpha 7 có độ nhạy cao và độ phân giải sắc nét khi đánh giá tổn thương.
– Nội soi tiêu hóa theo phương pháp thông thường, phương pháp tiền mê tùy từng bệnh nhân cụ thể đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày, tá tràng), và đường tiêu hóa dưới (đại trực tràng) với hệ thông máy nội soi hiện đại Olympus CV170 có ánh sáng dải tần hẹp, chẩn đoán sớm ung thư ống tiêu hóa.
Can thiệp qua nội soi đang được thực hiện:
+Sinh thiết các tổn thương bất thường ở dạ dày và đại trực tràng
+Căt polyp qua nội soi.