Bệnh Bạch hầu và những điều cần biết

  1. Tổng quan Bệnh Bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Những người chưa được tiêm chủng, nếu nhiễm bệnh Bạch hầu có thể tử vong tới 10-20%.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm.

Họ vi khuẩn Corynebacterium có gần trăm loài, chủ yếu sống trong đất. (Trong đó Corynebacterium glutamicum để sản xuất mì chính). Một số ít loài Corynebacterium gây bệnh ở người, quan trọng nhất là C. diphtheria gây bệnh bạch hầu, ngoài ra còn có C. jeikeum, C. ulcerans hay C. pseudotuberculosis gây viêm da và các nhiễm trùng cơ hội khác. Có 4 thứ type C. diphtheria gây bệnh Bạch hầu là mitis , intermedius , gravis và belfanti . Trong đó gravis là loại sinh trưởng nhanh và gây bệnh nặng hơn cả. Tại Việt Nam type chủ yếu là mitis.

C. diphtheria gây nhiễm ở vùng hầu họng, và phát tán, lây lan qua đường hô hấp thông qua các các giọt bắn. Khi nhân lên ở hầu họng bệnh nhân, chúng có thể tiết ra ngoại độc tố. Ngoại độc tố bạch hầu (DT) là protein có 2 thành phần A và B. Đoạn B gắn vào màng tế bào vật chủ giúp đưa đoạn A vào nội bào. Đoạn A ức chế quá trình tổng hợp protein trong tế bào dẫn đến chết tế bào. Do vậy khi vi khuẩn bạch hầu tiết độc tố sẽ gây chết tế bào, tạo ra các mảng hoại tử, lắng đọng fibrin tại hầu họng thành cách màng giả ở vùng hầu họng bệnh nhân. Nếu độc tố đi vào máu có thể xâm nhập và gây tổn thương tế bào cơ tim, ống thận theo cơ chế tương tự. Điều lý thú là bản thân vi khuẩn bạch hầu không có gen sinh độc tố (tox) mà gen này nằm trong 1 loại thực khuẩn thể (phage). Khi phage này ký sinh vào vi khuẩn, chúng kích hoạt gen tox sinh ra độc tố DT, đồng thời với gây ly giải vi khuẩn. Quá trình này bị kích hoạt mạnh nếu môi trường ngoại bào thiếu sắt. Điều đó lý giải tại sao có những khu vực khá nhiều người cấy tìm trong hầu họng tìm thấy C. diphtheria nhưng quần thể vi khuẩn đó không bị phage ký sinh nên không gây bùng phát dịch bạch hầu.

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do các chủng vi khuẩn có tên Corynebacteria diphtheriae gây ra.

Phổ bệnh lâm sàng của bệnh bạch hầu đa dạng từ bệnh nhân không triệu chứng, bạch hầu da đến tình trạng viêm họng giả mạc, bạch hầu hô hấp hoặc nhiễm độc toàn thân. Một trường hợp bệnh bạch hầu điển hình thường qua giai đoạn ủ bệnh từ 2-5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân có thể thấy vết loét có giả mạc màu trắng xám dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.

   2. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm:

Đau họng (85-90%), Sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to. Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân, khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau (26-40%). Ngoài ra bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau. Khó thở, thở rít, thở khò khè ở những bệnh nhân có giả mạc thanh quản. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản. Những diễn biến trầm trọng như viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần, là lúc các triệu chứng ở hầu họng có thể đã lui. Viêm cơ tim cấp tính biểu hiện bằng suy tim sung huyết, sốc, thay đổi song ST và T trên điện tim và loạn nhịp tim.

 

    3. Xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn bạch hầu
• Nhuộm Gram dịch phết họng soi thấy trực khuẩn hình dùi cui, không có vỏ bọc, không di động, mọc thành từng cụm có thể hường tới nhiễm Corynebacterium.
• Nhuộm miễn dịch huỳnh quang các mẫu nuôi cấy trong 4 giờ hoặc mẫu nhuộm xanh methylen đôi khi có thể giúp xác định nhanh chóng.
• Nuôi cấy vi khuẩn bằng môi trường Tellurite hoặc Loeffler từ tăm bông phết tổn thương. Định danh vi khuẩn nhờ quan sát hình thái khuẩn lạc, hình dạng hiển vi và phản ứng lên men.
• Xét nghiệm Elek phát hiện khả năng sinh độc tố của vi khuẩn từ môi trường nuôi cấy.
• Xét nghiệm PCR để phát hiện DNA mã hóa tiểu đơn vị A của chủng tox.
      4. Điều trị bệnh bạch hầu.
Khi tiếp nhận bệnh nhân bạch hầu, cần cách ly ngay và áp dụng các biện pháp phòng ngừa chung và phòng ngừa qua giọt bắn. Đánh giá ngay các tình trạng nặng bao gồm: Đánh giá nguy cơ tắc nghẽn đường thờ và suy hô hấp do giả mạc để kiểm soát đường thở bằng đặt ống nội khí quản hay mở khí quản kịp thời. Đánh giá về nhip tim và chức năng tim để phát hiện tình trạng viêm cơ tim kịp thời. Hồi sức các tạng suy nếu bệnh nân có tình trạng suy đa tạng và nhiễm độc toàn thân.
Kháng sinh cần được chỉ định sớm để tiêu diệt C. diphtheria, do đó hạn chế lượng độc tố sản sinh và ngăn ngừa bệnh lây lan sang những người khác. Có nhiều kháng sinh có tác dụng với C. diphtheria như: Erythromycin (40 mg/kg/ ngày x 14 ngày) hay azithromycin (trẻ em: 10-12mg/kg/ngày, người lớn: 500mg/ngày x 14 ngày). Penicillin G ( 50.000 – 100.000 đơn vị/kg/ngày chia 2 lần, tiêm 14 ngày). Ngoài ra metronidazol, rifampin hoặc clindamycin cũng có thể điều trị được vi khuẩn bạch hầu. Một số vụ dịch thời gian gần đây đã có ghi nhận tình trạng vi khuẩn C. diphtheria kháng với erythromin hoặc azithromycin.
Kháng độc tố bạch hầu có tác dụng trung hòa độc tố lưu thông trong máu trước khi chúng xâm nhập vào tế bào. Do vậy kháng độc tố bạch hầu cần được dùng sớm để ngăn ngừa các triệu chứng tiến triển. Liều lượng và đường tiêm truyền phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh: Bạch hầu hầu họng hoặc thanh quản trong 2 ngày đầu: 20.000 – 40.000 UI; bạch hầu mũi họng: 40.000 – 60.000 UI; bạch hầu ác tính: 80.000 – 100.000 UI.
     5. Dự phòng bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu có vắc xin phòng bệnh. Vắc xin DTaP đã sẵn có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tác dụng bảo vệ của vắc xin kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần và có thể tiêm nhắc lại với vắc xin bach hầu riêng DT.
Người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì cần cách ly bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh.
Người phải tiếp xúc gần với bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp phòng lây truyền qua đường hô hấp: Giữ khoảng cách với bệnh nhân, đeo khẩu trang, bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh bề mặt; người bệnh đeo khẩu trạng và che miệng khi ho, hắt hơi, vv… Người đã tiếp xúc không có phương tiện phòng hộ với người bệnh cần theo dõi và xét nghiệm vi khuẩn trong vòng 7 ngày, có thể dung kháng sinh dự phòng như penicillin, erythromycin, azithromycin.
Nguồn: Bs Nguyễn Trung Cấp – BV Nhiệt đới Trung ương
Liên hệ nhanh