Vảy nến là bệnh da mạn tính, tiến triển thất thường, bệnh không gây tử vong nhưng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chất lượng sống của người bệnh. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân, không chỉ trong sinh hoạt và đời sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng đến tâm lý. Bệnh vảy nến tuy không được chữa khỏi hẳn, nhưng có rất nhiều cách để kiểm soát căn bệnh này.
Vảy nến là bệnh mạn tính gây viêm trên da, không lây nhiễm. Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch sẽ hoạt động quá mức, tạo ra sự sưng viêm trên cơ thể. Các tế bào khoẻ mạnh được tạo ra nhiều hơn bình thường. Những tế bào thừa sẽ được đẩy lên bề mặt da một cách nhanh chóng. Thông thường, chu kỳ của các tế bào da là khoảng 1 tháng, nhưng ở bệnh nhân vảy nến thì chỉ vài ngày.
Người mắc bệnh sẽ bị tổn thương da điển hình là các mảng viêm, đỏ và có vảy trắng do hiện tượng tăng sinh sừng hóa, ngứa và đau. Bệnh có thể xảy ra bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng khu vực thường bị tổn thương nhất là các vùng da xung quanh đầu gối, khuỷu tay, da đầu và thân.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Ngọ, Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Hiện nay, bệnh vẩy nến chia làm các thể: thể thông thường, thể khớp và thể mủ. Nguyên nhân của bệnh hiện chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên chủ yếu là liên quan đến hệ miễn dịch và yếu tố di truyền. Bệnh nên được phát hiện sớm để hạn chế đợt bùng phát gây ảnh hưởng đến di chứng nặng nề về sau cho bệnh nhân“.
Tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, mỗi năm số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vảy nến chiếm khoảng 2% trong 365.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú tại bệnh viện. Đa số trường hợp đến khám trong tình trạng vảy nến thể mảng, vảy nến mủ và viêm khớp. Có những trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện để điều trị tích cực. Các phương pháp điều trị vảy nến hiện nay không giúp làm khỏi bệnh nhưng có thể hạn chế tổn thương, duy trì thời gian ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Minh Trang, Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: “Bệnh nhân bị bệnh thì chúng tôi sẽ hướng dẫn để điều trị thuốc nghiêm ngặt, phối hợp với các chế độ ăn hàng ngày ở nhà, thay đổi thói quen sinh hoạt để hạn chế bệnh nặng lên, hạn chế đợt phát bệnh cấp. Hiện tại các phương pháp điều trị vảy nến không thể điều trị khỏi hoàn toàn và phương pháp hiện đại nhất bây giờ là thuốc sinh học hiện có thể kiểm soát được bệnh vảy nến tốt nhất“.
Bệnh vẩy nến có những dấu hiệu đặc trưng nhưng vẫn có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh da liễu khác như viêm da dị ứng, vảy phấn hồng, nấm da… Theo các bác sỹ, điều cần nhất là bệnh nhân sau khi phát hiện ra bệnh phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để nhận được sự tư vấn và điều trị phù hợp.
Nguồn: Đài phát thanh và truyền hình Thanh Hóa