Ngày 26/10/2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề “Ứng dụng của trị liệu ô xy cao áp trong lâm sàng” với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc trung tâm y học dưới nước và ô xy cao áp, Viện trưởng Viện y học biển Việt Nam, trưởng khoa Y học biển trường HHD Y dược Hải Phòng.
Phương pháp trị liệu bằng oxy cao áp ngày càng được phát triển ở các nước có nền khoa học tiên tiến và còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Trong thời gian gần đây, phương pháp này đã được ứng dụng thành công tại nhiều cơ sở y tế và điều trị tại các khoa cấp cứu nội khoa, điều trị nhiều loại bệnh lý ở lâm sàng, điều trị phục hồi chức năng, phục hồi sức khỏe và thẩm mỹ…
Ngày 26/10/2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề “Ứng dụng của trị liệu ô xy cao áp trong lâm sàng” với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm Y học dưới nước và ô xy cao áp, Viện trưởng Viện y học biển Việt Nam, trưởng khoa Y học biển trường HHD Y dược Hải Phòng, BSCKII. Nguyễn Văn Chung – Phó Giám đốc BV, BSCKII. Hoàng Hữu Trường – Phó Giám đốc BV và các bác sỹ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong buổi sinh hoạt chuyên đề, GS.TS Nguyễn Trường Sơn giải thích rằng: Đây là phương pháp sử dụng ô xy nguyên chất để cho bệnh nhân thở trong điều kiện áp lực cao. Dưới áp lực cao, một phần ô xy được hòa tan trong huyết tương, khuếch tán vào các mô cơ thể của người bệnh mà phát huy tác dụng sinh lý. Các tác dụng sinh lý học của ô xy cao áp có thể chữa khỏi rất nhiều bệnh nan y ở lâm sàng.
Chẳng hạn như bệnh nhân bị chướng hơi trong bụng khi được điều trị trong buồng cao áp sẽ làm giảm tức bụng và nhờ thở ô xy cao áp sẽ tạo ra chênh lệch áp suất lớn để đào thải khí ni tơ ra khỏi ruột. Đối với hoại thư sinh hơi, sức nén trong buồng cao áp sẽ làm giảm kích thước các bóng khí do vi khuẩn sinh ra trong các mô bị tổn thương, gây căng tức các mô, làm cho bệnh nhân đau đớn, mạch máu đến nuôi mô bị chèn ép làm cho máu không thể lưu thông đến vết thương, làm cho hoại tử rất nhanh. Do đó làm giảm căng tức ở mô bằng cách làm giảm kích thước các bóng khí sẽ làm tăng thoát dịch, tái lưu thông máu, giảm tính thấm thành mạch, qua đó có tác dụng làm giảm đau và vết thương phục hồi nhanh. Sự thay đổi áp suất cũng là nguyên nhân gây ra các tổn thương cho người thợ lặn và phải thực hiện trị liệu cao áp như: đau tai giữa, chảy máu xoang, xuất huyết phổi, vỡ phổi…
Trung tâm Y học dưới nước và ô xy cao áp của Viện Y học biển Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả phương phát trị liệu bằng ô xy cao áp (HBOT) để điều trị các bệnh như: ngộ độc carbon, giảm áp, nghẽn mạch do khí hoặc không khí cấp tính, hoại thư sinh hơi, thiếu máu do chấn thương cấp tính; các vết loét do viêm tắc tĩnh mạch, động mạch; các tổn thương do đái tháo đường; viêm tủy xương mãn tính; hoại tử do bức xạ; bỏng nhiệt…
Trong những năm trở lại đây, Viện Y học biển Việt Nam đã mở rộng chỉ định điều trị cho những trường hợp bệnh nhân mất ngủ (tiên phát và thứ phát), sau đợt điều trị, đa phần bệnh nhân đều cải thiện rất tốt giấc ngủ. Người bị mất ngủ có nguy cơ mắc chứng lo âu và trầm cảm cao hơn gấp 5 lần, nguy cơ phát triển suy tim sung huyết và bệnh tiểu đường cao gấp 2 lần và có nguy cơ tử vong cao hơn. Đến nay, Viện Y học biển Việt Nam đã điều trị thành công bệnh mất ngủ bằng phương pháp trị liệu ô xy cao áp.
Kết thúc buổi Hội thảo Bệnh viện đa khoa tỉnh đã cấp chứng nhận tham gia hội thảo cho các bác sỹ tham dự./.
Phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến