Triệu chứng đau được xem là dấu hiệu sinh tồn thứ 5 bên cạnh nhịp tim, nhịp thở, huyết áp và nhiệt độ của bệnh nhân, ngày nay, nó được xem là triệu chứng rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong thực hành lâm sàng; là dấu hiệu chỉ điểm giúp người thầy thuốc định hướng đến chẩn đoán bệnh. Triệu chứng này có thể không đe dọa đến sự sống nhưng nếu không được quan tâm chữa trị tận gốc thì nó là nguyên nhân dẫn đến sự tàn phế, mất khả năng lao động. Thời gian qua, với việc không ngừng cập nhật các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật chống đau mới giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Mô phỏng hình ảnh đám rối thần kinh thân tạng và can thiệp diệt đám rối thần kinh thân tạng
Ca bệnh giảm đau được thực hiện gần đây nhất mang lại hiệu quả điều trị tích cực cho người bệnh là trường hợp của bác Đỗ Văn D. (59 tuổi, thị trấn Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc) bị viêm tuỵ mạn tính, đã từng cắt u lách. Suốt mấy năm qua, bác D. thường xuyên bị những cơn đau bụng dai dẳng không dứt, lan ra sau lưng đặc biệt là phía bên trái. Cơn đau thường tăng lên rõ rệt vào mỗi bữa ăn. Ngoài ra, bác D. cũng thường xuyên gặp thêm một số triệu chứng về tiêu hóa như: Chán ăn, buồn, nôn, táo bón, đầy hơi, sụt cân… do các chức năng của tụy bị suy giảm.
Bác Nguyễn Thị V. vợ bác D. chia sẻ: “Chứng kiến những cơn đau hành hạ ông ấy mỗi ngày, tôi thương xót vô cùng nên tìm hiểu khắp nơi và đã đưa ông ấy đi điều trị tại nhiều Bệnh viện lớn tuyến Trung ương nhưng tình trạng bệnh không được cải thiện, ngày càng trở nên xấu hơn. Ông ấy đau nhiều hơn, mất ngủ triền miên, tâm trạng lo âu, buồn bực, chán nản. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì và động viên ông ấy suy nghĩ tích cực. Gần đây, sau khi được người thân giới thiệu về các kỹ thuật điều trị giảm đau tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa do các bác sĩ từng tu nghiệp về chống đau lâm sàng tại Nhật Bản thực hiện nên gia đình tôi đã quyết định đưa ông ấy đến đây để điều trị.”
Sau nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, bác D được Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Tiến Tùng – Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, Trưởng Đơn nguyên điều trị giảm đau trực tiếp thăm khám và thực hiện kỹ thuật can thiệp diệt đám rối thần kinh thân tạng dưới hướng dẫn của máy C-arm để điều trị giảm đau do viêm tuỵ mãn tính cho bệnh nhân.
Ngay sau 40 phút can thiệp, bác D. đã hết đau, sức khoẻ tiến triển tốt, giấc ngủ sâu hơn, ăn uống tốt, tiểu tiện bình thường và được xuất viện sau 1 tuần điều trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Lâm Tiến Tùng – Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, Trưởng Đơn nguyên điều trị giảm đau thăm khám cho bệnh nhân trước khi ra viện
Thạc sĩ, bác sĩ Lâm Tiến Tùng cho biết: “Đám rối thân tạng (hay đám rối dương) là một đám rối thần kinh lớn và quan trọng trong ổ bụng. Đám rối dương vây quanh nguyên ủy của động mạch thân tạng và động mạch mạc treo tràng trên. Đám rối này đóng vai trò là trung tâm chuyển tiếp đau của các tạng nằm tầng trên đại tràng ngang như tụy, dạ dày thực quản, gan, tuyến thượng thận..
Can thiệp diệt đám rối thần kinh thân tạng bằng cồn tuyệt đối dưới hướng dẫn của máy C-arm là kỹ thuật giảm đau ít xâm lấn được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và một số ít Bệnh viện tuyến Trung ương tại Việt Nam trong điều trị các bệnh lý: Viêm tuỵ mạn, đau do ung thư vùng tạng bụng (Dạ dày, gan, tụy, thực quản, túi mật, thận…). Phương pháp này có tác dụng giảm đau nhanh chóng và lâu dài hơn so với phương pháp điều trị bằng thuốc nội khoa thông thường. Đây cũng là phương pháp giảm đau nhân đạo, cải thiện chất lượng cuộc sống đối với người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối khi mọi liệu pháp điều trị không còn hiệu quả, thời gian sống ngày càng hạn hẹp.
Tuy nhiên, đây là kỹ thuật có độ khó cao, yêu cầu đường kim chọc vào đám rối thân tạng phải chính xác tuyệt đối, tránh làm tổn thương gan, tạng, chọc thủng tạng hoặc mạch máu trong quá trình can thiệp. Do đó đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, nắm vững cấu trúc giải phẫu và sử dụng thành thạo hệ thống máy C-arm hiện đại để có thể quan sát, kiểm soát đường chọc kim can thiệp, bơm cồn tuyệt đối 100% đốt cháy đám rối thần kinh thân tạng một cách chuẩn xác.” Ths.Bs Lâm Tiến Tùng chia sẻ thêm.
Đơn nguyên điều trị giảm đau tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá được thành lập từ năm 2017 nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và chống đau cho bệnh nhân. Sau thời gian triển khai, đến nay Đơn nguyên đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chống đau, đặc biệt là các kỹ thuật can thiệp chống đau ít xâm lấn, giảm đau theo mô hình Nhật Bản cho những mặt bệnh như: Đau do zona thần kinh, đau lưng do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đau do ung thư giai đoạn cuối, đau sau mổ dai dẳng, đau sau chấn thương, các loại đau mạn tính kéo dài khác, tư vấn và điều trị đau sau mổ…Sự ra đời của mô hình lâm sàng đơn vị chống đau tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là bước đi tiên phong, đúng hướng để vừa nghiên cứu chuyên sâu về đau cũng như triển khai nhiều phương pháp, kỹ thuật chống đau mới giúp điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bài và ảnh: Phòng CTXH