Phẫu thuật sọ não là một lĩnh vực khó với nhiều kỹ thuật rất phức tạp, thực hiện tại các cơ quan thần kinh trung ương quan trọng, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, có kinh nghiệm trong giải phẫu thần kinh, thao tác chính xác tuyệt đối và xử lý nhanh nhạy trong tình huống khẩn cấp. Thời gian qua, với sự đầu tư bài bản toàn diện từ hệ thống trang thiết bị đến đào tạo nguồn nhân lực, khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thường quy nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu về phẫu thuật thần kinh, sọ não giúp người dân được hưởng những dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh.
Ê kíp các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực và Gây mê hồi sức đang phẫu thuật lấy khối u màng não cho một bệnh nhân
Liên tiếp phẫu thuật thành công 5 ca u não, u màng não khó trong 1 tuần
Mới đây, chỉ trong vòng một tuần, các bác sĩ thuộc ê kip phẫu thuật sọ não và Gây mê hồi sức (Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Biển – Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Trưởng kíp phẫu thuật; BSCKI Nguyễn Văn Tần, bác sĩ nội trú Nguyễn Hữu Quý – Bác sĩ khoa PTTK-LN và BSCKI Hoàng Đức Thắng – Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã liên tiếp phẫu thuật thành công 5 ca u não, u màng não khó, kích thước lớn: U màng não nền sọ, u màng não xâm lấn xoang tĩnh mạch dọc, u não nhiều vị trí, u màng não dính vào hội lưu xoang, u não trên bệnh nhân thay van động mạch chủ…Cả 5 bệnh nhân sau phẫu thuật sức khỏe hồi phục rất tốt.
Ca bệnh thứ nhất là trường hợp bệnh nhân Trần Thị T. (51 tuổi, Thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân) bị u màng não phát hiện cách đây 1 năm và đã được các bác sĩ tư vấn cần sớm phẫu thuật vì khối u lớn sẽ chèn ép, gây nhiều tổn thương nghiêm trọng đến các bộ phận khác của não bộ. Tuy nhiên do chủ quan vì chưa thấy biểu hiện gì bất thường nên bệnh nhân đã không đến Bệnh viện để phẫu thuật. Gần đây, bệnh nhân thường xuyên xuất hiện các cơn loạn thần, không kiểm soát được hành vi, tiểu tiện không tự chủ.
Hình ảnh khối u màng não của bệnh nhân Trần Thị T. trên phim chụp MRI sọ não
Qua kết quả thăm khám lâm sàng và chụp cộng hưởng từ sọ não, các bác sĩ kết luận bệnh nhân có khối u màng não nền sọ, khối u nằm ở vị trí vùng trán, kích thước lớn 6,5×6.5cm, xâm lấn xoang tĩnh mạch dọc trên. Khối u gây nên chèn ép não, ảnh hưởng đến trí nhớ, nên dẫn đến trình trạng loạn thần, động kinh và không kiểm soát được hành vi của bệnh nhân.
“Đây là khối u màng não khó và phức tạp do khối u nằm ở vị trí nguy hiểm xoang tĩnh mạch dọc trên, thông trực tiếp với hội lưu các xoang dọc trên nên nguy cơ chảy máu cao và khó cầm, bệnh nhân có thể tử vong trong quá trình thực hiện phẫu thuật nên đòi hỏi phẫu thuật viên phải cẩn trọng, tỉ mỉ tách mở hộp sọ, bóc tách, lấy từng phần khối u, xử trí cầm máu tốt, tránh làm tổn thương xoang tĩnh mạch dọc trên. Dự tính ca phẫu thuật có thể kéo dài nhiều giờ đồng hồ nên bệnh nhân được gây mê ở tư thế ngửa, đầu cố định trên khung Mayfield để không làm tổn thương đến đường thở”. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Biển – Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết.
Cùng với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại như kính vi phẫu, bộ dụng cụ phẫu thuật vi phẫu…và sự nỗ lực hết sức của toàn bộ kíp phẫu thuật khoa Phẫu thuật thần kinh lồng ngực và Gây mê hồi sức, sau hơn 5 giờ căng thẳng, các bác sĩ đã bóc tách thành công toàn bộ khối u, bảo tồn nguyên vẹn chức năng các dây thần kinh, vùng não quan trọng và lấy mẫu tổ chức u để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Bệnh nhân T.T.T hoàn toàn tỉnh táo và hồi phục tốt sau phẫu thuật
Sau ba ngày phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, vết mổ khô, không sốt, bệnh nhân không có cơn co giật cục bộ, sinh hoạt gần như bình thường. Kết quả giải phẫu bệnh khối u lành tính.
Ca bệnh thứ 2 là một ca bệnh rất đặc biệt, để lại nhiều cảm xúc nhất cho các bác sĩ phẫu thuật, đó là bệnh nhân Đặng Thị H. (59 tuổi, Yên Nhân, Thường Xuân) nhập viện trong tình trạng: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi nhiều…Kết quả thăm khám và chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy bệnh nhân có khối u màng não đường giữa, kích thước 2,1 x 3,8cm, khối u của bệnh nhân có rất nhiều mạch máu tăng sinh xâm lấn vào xoang tĩnh mạch dọc.
Hình ảnh khối u màng não của bệnh nhân Đặng Thị H. trên phim chụp cộng hưởng từ sọ não
Nhận định đây là ca bệnh khó và rất phức tạp vì bệnh nhân có thể chảy máu ồ ạt do rách xoang tĩnh mạch dọc trong lúc bóc tách khối u nên các bác sĩ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, máu cũng được dự phòng để truyền cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết. Ngày 29/3, ca phẫu thuật của bệnh nhân được thực hiện xuyên trưa, kéo dài suốt 6 giờ đồng hồ bởi 1 bác sĩ mổ chính, 2 bác sĩ phụ mổ và 1 bác sĩ Gây mê hồi sức.
Nhớ lại cảm xúc trong lúc phẫu thuật cho bệnh nhân Đặng Thị H., Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Biển cho biết: “Trong quá trình phẫu thuật, xoang tĩnh mạch dọc bị rách, máu chảy rất nhiều, có những thời điểm tưởng chừng như ca phẫu thuật khó có thể thành công được. Lúc đó cả tôi và ê kíp phụ mổ, gây mê hồi sức đều mồ hôi túa ra như tắm. Nhưng thật may mắn, nhờ có sự phối hợp rất ăn ý, nhịp nhàng và tập trung cao độ giữa bác sĩ mổ chính, bác sĩ mổ phụ và gây mê hồi sức nên bệnh nhân được kiểm soát huyết động và cầm máu. Cả ê kip phẫu thuật vui sướng vỡ oà quên cả đói và mệt ca phẫu thuật được thực hiện thành công, khối u được bóc tách hoàn toàn. Sau mổ tình trạng bệnh nhân ổn định. Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, sức khỏe hồi phục đang hồi phục rất tốt.
Thạc sĩ Lê Ngọc Biển – Trưởng khoa PTTK-LN thăm khám cho bệnh nhân Đặng Thị H. sau 3 ngày phẫu thuật
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân Phạm Tiến L. (66 tuổi, Nga Liên, Nga Sơn) nhập viện trong tình trạng đau đầu, yếu hai chân, ăn uống kém, mệt nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán có khối u màng não đường giữa, khối u sát liềm não thùy trán phải, kích thước khối u là 3x2cm. Cũng giống như 2 trường hợp bệnh nhân nêu trên, vị trí khối u của bệnh nhân Phạm Tiến L. cũng dính vào xoang tĩnh mạch dọc, bệnh nhân rất dễ có biến chứng chảy máu ồ ạt và khó cầm máu trong mổ.
Hình ảnh khối u màng não của bệnh nhân Phạm Tiến L trên phim chụp MRI sọ não
Tiên đoán được mức độ khó và phức tạp của ca bệnh, các bác sĩ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho ca phẫu thuật. Ngày 20/3, sau 3 tiếng đồng hồ phẫu thuật căng thẳng, khối u đã được các bác sĩ bóc tách thành công, bệnh nhân được cầm máu tốt, sức khoẻ ổn định.
Thạc sĩ Lê Ngọc Biển – Trưởng khoa PTTK-LN thăm khám cho bệnh nhân P.T.L sau 4 ngày phẫu thuật
Ca bệnh thứ 4 trong tuần tiếp tục được phát hiện và phẫu thuật thành công là bệnh nhân là Đồng Thanh S. (71 tuổi, Tế Lợi, Nông Cống) có tiền sử đái tháo đường type 2, phì đại tuyến tiền liệt đã phẫu thuật. Cách nhập viện 1 giờ bệnh nhân đột ngột lên cơn đau đầu dữ dội, co giật, trợn mắt, sùi bọt mép, mất ý thức. Kết quả thăm khám và chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy bệnh nhân có khối u màng não đa ổ có kích thước 2,5 x 4cm.
Hình ảnh khối u màng não của bệnh nhân Đ.T.S trên phim chụp cộng hưởng từ sọ não
Thạc sĩ Lê Ngọc Biển – Trưởng khoa PTTK-LN thăm khám cho bệnh nhân Đ.T.S trước khi xuất viện
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật lấy khối u thành công, kết quả giải phẫu bệnh khối u lành tính. Sau phẫu thuật, ý thức của bệnh nhân trở về bình thường, không còn triệu chứng co giật và đau đầu.
Trường hợp thứ 5 được phát hiện và phẫu thuật trong tuần là bệnh nhân Nguyễn Thị H. (54 tuổi, Ngọc Trạo, Thạch Thành) có tiền sử đã thay van 2 lá động mạch chủ, đang dùng thuốc chống đông hàng tháng. Gần đây, bệnh nhân thấy có đau đầu nhiều, ý thức chậm chạp. Kết quả thăm khám và chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy bệnh nhân có khối u vùng tiểu não phải, nằm ở vị trí dính vào hội lưu xoang, kích thước 2,4 x 2,5 cm. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật.
Hình ảnh khối u tiểu não phải của bệnh nhân N.T.H trên phim chụp cộng hưởng từ
“Do khối u nằm sát các vùng chức năng quan trọng của não bộ và dính vào hội lưu xoang nên việc thực hiện phẫu thuật phải vô cùng cẩn trọng. Bên cạnh đó, bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông, nguy cơ chảy máu trong quá trình phẫu thuật rất cao nên các bác sĩ đã phải điều chỉnh phác đồ sử dụng thuốc, sau đó làm các xét nghiệm cần thiết để kiểm soát an toàn người bệnh trước khi thực hiện phẫu thuật. Sau 3 giờ phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã khéo léo bóc tách lấy trọn khối u mà không làm tổn thương tới các tổ chức thần kinh lân cận, kiểm soát chảy máu trong mổ được thực hiện rất tốt.” BSCKI Nguyễn Văn Tần – Bác sĩ tham gia kíp mổ cho bệnh nhân cho biết.
Sau hơn 1 tuần phẫu thuật, đến nay sức khỏe của cả 5 bệnh nhân đang hồi phục tốt nhanh chóng, có thể vận động, nói chuyện bình thường, không còn các triệu chứng đau đầu, co giật, không có biến chứng sau mổ như liệt, động kinh, chảy máu, nhiễm trùng vết mổ…và dự kiến cả 5 bệnh nhân sẽ được ra viện trong 1 vài ngày tới.
Điểm tựa hy vọng của người bệnh
Chia sẻ thêm về các ca bệnh đã được phẫu thuật thành công, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Biển cho biết: “Phẫu thuật u màng não, u não là một kỹ thuật khó, để ca phẫu thuật được thành công thì không những đòi hỏi kỹ năng, cùng kinh nghiệm chuyên sâu của phẫu thuật viên chuyên khoa Thần kinh sọ não, Gây mê hồi sức mà còn cần sự hỗ trợ từ các trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là chăm sóc sau mổ.”
Thạc sĩ Bác sĩ Lê Ngọc Biển – Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực, Trưởng kíp phẫu thuật cho 5 bệnh nhân
16 năm trong nghề, bác sĩ Biển cho biết, với anh mỗi ca bệnh đều mang đến cho mình một cảm xúc khác nhau. Có những ca mổ khó kéo dài suốt 7-10 tiếng đồng hồ, bệnh nhân diễn biến bất thường trên bàn mổ, anh cùng các bác sĩ phụ mổ, gây mê hồi sức phải tập trung cao độ, khi bệnh nhân ổn định, bước ra ngoài phòng mổ anh và các đồng nghiệp đều ướt sũng lớp áo tiện y bên trong do đổ mồ hôi, chân tê cứng vì đứng quá lâu. Tuy vất vả nhưng anh và đồng nghiệp trong khoa luôn dặn mình không được bỏ cuộc bởi đằng sau mỗi ca mổ là một sinh mạng, là niềm vui, hạnh phúc của cả một gia đình. Bên cạnh đó, cũng có những lúc anh và đồng nghiệp từng bất lực, rơi nước mắt trên bàn mổ khi không cứu được người bệnh. Sau những ca mổ như thế, anh cùng đồng nghiệp lại tự mình rút kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức từ thực tế để làm tốt hơn nhiệm vụ cứu người.
Đánh giá về hoạt động chuyên môn của khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực là một trong những khoa mũi nhọn của Bệnh viện, khoa triển khai được nhiều kĩ thuật cao, chuyên sâu tương đương với tuyến trung ương ở cả chuyên ngành Thần kinh, Sọ não, Cột sống và Tim mạch, lồng ngực .Trong nhiều năm qua, khoa không ngừng phát triển và trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.
Phẫu thuật u não là một trong những phẫu thuật hàng đầu tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực. Hàng năm, khoa đã phẫu thuật khoảng 200 -300 ca. Hiện nay, phẫu thuật u não dưới kính vi phẫu là một trong những phẫu thuật rất điển hình, đem lại hiệu quả cao. Với độ phóng đại trên 20 lần so với bình thường, nó giúp các bác sỹ phẫu thuật u não được ở các vị trí khó và sâu, lấy được toàn bộ khối u mà ít làm tổn thương tới các tổ chức não lành khác. Tiếp nối những thành công trong phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống định vị Navigation trong phẫu thuật sọ não và cột sống ít xâm lấn với các ưu điểm đường mổ nhỏ, can thiệp chính xác, rút ngắn thời gian phẫu thuật, cũng như ứng dụng hiệu quả trong sinh thiết não. BSCKII Lê Văn Sỹ thông tin thêm.
Với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, cùng với đội ngũ Y bác sỹ giàu kinh nghiệm chuyên môn… là một trong những yếu tố cốt lõi giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nói chung và Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực nói riêng ứng dụng thành công các kĩ thuật chuyên sâu, mang lại cơ hội, hy vọng sống cho những người không may mắc phải những bệnh lý về sọ não, lồng ngực trên địa bàn có thể được điều trị hiệu quả ngay tại tỉnh nhà.
Bài và ảnh: Phòng CTXH