Vượt qua nỗi đau – Gieo mầm sự sống
Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp “hồi sinh” nhiều cuộc đời khác, bằng cách hiến một bộ phận cơ thể mình. Đối với thân nhân của họ, dù nỗi nhớ thương da diết, nỗi đau quặn thắt về sự mất mát, nhưng điều hạnh phúc và niềm tự hào, niềm động viên, an ủi lớn nhất là người thân của mình vẫn hiện hữu trong cơ thể của người khác bằng những bộ phận được cấy ghép. Sự hồi sinh của những cuộc đời từ nghĩa cử đầy nhân văn, cao đẹp đó thật đáng trân trọng, bởi “Cho đi là còn mãi”.
Đã hơn 4 năm, sau sự ra đi đột ngột của người con trai, sự mất mát, niềm thương, nỗi nhớ vẫn hiện hữu trên khuôn mặt bác Vũ Hải An, ở phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Mặc dù vậy, bác và người thân trong gia đình cảm thấy được động viên, an ủi phần nào bởi con trai mình vẫn hiện hữu trong cơ thể của người khác bằng những bộ phận được cấy ghép.
Bác Vũ Hải An xúc động phát biểu tại Lễ phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Thanh Hoá
Tại Lễ phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Thanh Hoá được tổ chức vào ngày 6/6 vừa qua, những dòng tâm sự xúc động của bác Vũ Hải An đã làm cho nhiều đại biểu dự buổi Lễ phải rơi nước mắt.
Bác An chia sẻ, trước đó, vào một ngày cuối năm 2019, con trai bác là Vũ Thành Linh nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch sau 1 vụ tai nạn giao thông. Mặc dù đã được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tận tình cứu chữa nhưng Linh đã không qua khỏi. Vượt qua nỗi đau, mất mát, gia đình bác An đã tình nguyện hiến tạng cho y học.
Trích một đoạn nội dung bài phát biểu của bác Vũ Hải An
“Lúc đó, khi ký vào văn bản hiến tạng của con, tôi đã khóc rất nhiều. Những hình ảnh về con trai cứ hiện ra trước mắt nhưng nghĩ rằng trái tim và các bộ phận cơ thể của con sẽ tiếp tục đập, tiếp tục được hồi sinh trong cơ thể người khác, tôi đã không chần chừ. Tôi hi vọng con có thể ở lại thế giới này theo một cách khác, để cái chết của con không còn là vô nghĩa.”
Trong giây phút gặp con lần cuối, bác An ghé gần vào tai con thủ thỉ: “Con đừng giật mình, tỉnh dậy là con sẽ đau. Hãy sống trên thân thể người khác con nhé. Kiếp sau hãy vẫn là con của bố để bố tiếp tục ôm con vào lòng”.
Trích một đoạn nội dung bài phát biểu của bác Vũ Hải An
Ngay trong đêm hôm đó, từ nguồn tạng hiến của Linh, đã có 3 ca ghép tạng được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. 3 cuộc đời đã được hồi sinh nhờ tấm lòng của người bố.
BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá và Linh mục Nguyễn Văn Thường tặng hoa cảm ơn gia đình bác Vũ Hải An
Anh Hoàng Văn Nhất, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, một bệnh nhân được ghép thận thành công từ người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Tôi rất may mắn khi được nhận thận hiến, ghép thận thành không, giờ tôi có cuộc sống khỏe mạnh như người khác. Tôi thấy mình như có sức sống mới, cảm ơn người hiến rất nhiều”.
Anh Hoàng Văn Nhất trở lại với cuộc sống bình thường sau khi được ghép thận thành công
Lan toả hành động đẹp “Cho đi là còn mãi”
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, sau 1 tuần phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng, đã có rất nhiều nhân viên y tế, người dân gọi điện đến số điện thoại Tổng đài hoặc nhắn tin về fanpage Bệnh viện để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục đăng ký hiến tặng mô, tạng. Cho đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 350 đơn tình nguyện đăng ký hiến tặng mô tạng. Trong số này, phần đông là cán bộ y tế đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá và cán bộ, nhân dân sinh sống trên địa bàn tỉnh. Con số này cho thấy phong trào đăng ký hiến mô, tạng tại Thanh Hoá đang ngày càng được lan tỏa và nhân rộng.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đăng ký hiến tặng mô, tạng ngay sau Lễ phát động
Trước đó, tại Lễ phát động được tổ chức vào sáng ngày 6/6, BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, Chi hội trưởng Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa kêu gọi tất cả cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nói riêng và ngành Y tế Thanh Hóa nói chung; người dân đủ điều kiện hãy tham gia đăng ký hiến mô, tạng trên tinh thần “Mở lòng nhân ái – Lan tỏa yêu thương – Thắp sáng niềm tin – Tiếp nối hy vọng – Gieo mầm sự sống” vì “Cho đi là còn mãi…”. Đây là sự kiện nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người.
Người dân và cán bộ sở, ban, ngành hưởng ứng đăng ký hiến mô, tạng ngay sau Lễ phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Thanh Hoá
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không phục hồi. Kỹ thuật ghép tạng được xem là một trong mười thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong 10 phát minh về khoa học kĩ thuật làm thay đổi cuộc sống nhân loại.
Một ca ghép thận thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá
Tại các nước phát triển, việc hiến mô, tạng sau khi chết, chết não rất phổ biến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này, vẫn còn những rào cản tâm lý.
Nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam vẫn chủ yếu từ người cho sống, chiếm hơn 94%. Hiện cả nước mới có gần 90.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, trong khi danh sách chờ ghép tạng luôn ở mức hàng chục nghìn người và mỗi ngày có hàng chục người chết vì không có tạng ghép.
Với thông điệp “Hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi”, Chính phủ, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để những cuộc đời khác được “hồi sinh”.Với thông điệp “Hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi”, Chính phủ, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để những cuộc đời khác được “hồi sinh”.
Toàn văn bài phát biểu của Bác Vũ Hải An và anh Hoàng Văn Nhất tại Lễ phát động chương trình đăng ký hiến mô, tạng tại Thanh Hoá: