Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiễm khuẩn do chăm sóc y tế còn gọi là nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) do người bệnh bị phơi nhiễm các nguy cơ nhiễm khuẩn khi đến khám, chữa bệnh (KCB) ở các cơ sở y tế, đặc biệt khi họ trải qua điều trị và thủ thuật xâm lấn. NKBV làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Do vậy, để nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, chiều ngày 04/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo chuyên đề về thực trạng và giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí trong Ban Giám đốc, Ban Lãnh đạo các Khoa, phòng, trung tâm và gần 300 bác sĩ, điều dưỡng trong Bệnh viện.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe 8 bài báo cáo rất có giá trị đến từ các phòng chức năng chuyên môn và các khoa liên quan. Các báo cáo đều xoanh quanh về các nội dung như: Công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế, quản lý chất thải, vệ sinh tay, giám sát sử dụng kháng sinh, phòng ngừa chuẩn và an toàn người bệnh, tiêm an toàn và kiểm soát phơi nhiễm, hướng dẫn khử khuẩn và tiệt khuẩn dụng cụ phẫu thuật, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, xu hướng sử dụng thuốc kháng sinh và tình hình kháng kháng sinh tại bệnh viện…
Đại diện các phòng chức năng, các khoa liên quan trình bày báo cáo tại Hội thảo
Theo đó, những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn chú trọng công tác phòng chống nhiễm khuẩn. Bệnh viện đã củng cố hoàn thiện hệ thống tổ chức KSNK theo quy định Thông tư 20 của Bộ Y tế. Thành lập Hội đồng KSNK và mạng lưới KSNK mà nòng cốt là các trưởng, phó, điều dưỡng trưởng khoa, phòng, trung tâm trong bệnh viện. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng trong bệnh viện như: Vệ sinh tay, tiêm an toàn, xử lý, tiệt khuẩn, bảo quản dụng cụ và vật tư y tế, thu gom xử lý rác thải, vệ sinh môi trường…
Dụng cụ, trang thiết bị nội soi được vệ sinh, tiệt khuẩn sạch sẽ sau mỗi ca bệnh
Trong công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, Bệnh viện sử dụng hệ thống máy móc hiện đại; đảm bảo tiệt khuẩn đầy đủ các bộ phẫu thuật, bộ tiểu phẫu thuật, bộ thay băng, băng gạc vô khuẩn cho các khoa trong viện. Công tác xử lý rác thải y tế nguy hại và vận hành trạm xử lý chất thải lỏng theo đúng quy định. Cùng với đó công tác vệ sinh môi trường trong bệnh viện luôn được quan tâm nhằm đem lại không gian trong sạch, thoải mái nhất cho người bệnh.
Tuy nhiên, công tác KSNK bệnh viện vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức về NKBV của một số Lãnh đạo đơn vị và nhân viên y tế chưa đúng. Hệ thống tổ chức KSNK chưa hoàn thiện đầy đủ; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KSNK chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Cùng với đó, nhiều nhân viên phụ trách công tác giám sát NKBV chưa được đào tạo về chuyên môn, việc kiểm tra, giám sát chuyên trách về KSNK chưa có hệ thống giám sát, chưa xây dựng được công cụ và phần mềm giám sát, những tiêu chí cần giám sát và báo cáo …
BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh: Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Chính vì vậy, đây là một trong những nội dung được Ban Lãnh đạo Bệnh viện đặc biệt quan tâm và ưu tiên trong chiến lược phát triển Bệnh viện. Để nâng cao năng lực công tác KSNK thời gian tới, đồng chí đề nghị tăng cường trách nhiệm, sự tham gia chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và sự phối hợp của các khoa, phòng, trung tâm. Đẩy mạnh công tác giám sát NKBV và giám sát tuân thủ các quy trình KSNK. Tăng cường đào tạo, nghiên cứu khoa học về chuyên ngành KSNK. Đẩy mạnh truyền thông về KSNK. Đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu KSNK trong tình hình mới.
Bài và ảnh: Phòng CTXH