Những người mang mùa xuân đến cho nhiều gia đình người bệnh

Khi sắc xuân đã tràn ngập khắp mọi nẻo đường ngõ phố, mọi người quây quần bên gia đình thì tại các cơ sở khám chữa bệnh, các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn sát cánh, đồng hành cùng bệnh nhân. Tạm gác lại hạnh phúc riêng, bằng sự tận tâm và trách nhiệm với người bệnh, đội ngũ các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã không quản ngày đêm, khó khăn, vất vả, họ vẫn đang vật lộn với tử thần giành giật lại sự sống cho người bệnh. Họ chính là những người đã mang niềm vui, hạnh phúc và mùa xuân mới tới nhiều gia

Ths.Bs Đỗ Minh Thái – Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân Lê Văn Thiều 

“Cảm ơn các bác sĩ đã cho tôi được sống tiếp cuộc đời tươi đẹp này…”

Hồi phục thần kỳ sau 20 ngày chiến đấu với tử thần, bệnh nhân Lê Văn Thiều (28 tuổi, Thiệu Phú, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đồng thời cũng là Kỹ thuật viên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa không khỏi xúc động nhớ lại những tháng ngày không thể quên khi được các y bác sĩ cũng là những đồng nghiệp thân yêu của mình chăm sóc, điều trị tích cực để giành giật lại sự sống trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.

04h30 sáng ngày 31/01/2024 (tức ngày 21 Tháng Chạp năm Quý Mão), người thân phát hiện anh Thiều đột ngột mất ý thức, toàn thân tím tái nên đã đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Anh Thiều nhập viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tím tái toàn thân, tiên lượng hết sức nặng nề. Anh Lê Văn Thiều được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc

Sau gần 1 tiếng nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn của đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu, anh Thiều có nhịp tim trở lại. Tuy nhiên, ngay sau khi được chuyển về khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, bệnh nhân lại tiếp tục xuất hiện ngừng tim lần 2. Mặc dù đã được các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, khôi phục nhịp tim nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hoá nặng và phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao để duy trì nhịp tim – huyết áp.

Nhớ lại thời khắc khó khăn nhất, khi mà các bác sĩ Cấp cứu, Tim mạch, Hồi sức tích cực và chống độc… dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Bệnh viện nỗ lực giành giật lại sự sống cho người bệnh, ThS. BS. Đỗ Minh Thái, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 và chống độc chia sẻ: Cuộc hội chẩn khẩn trương giữa Lãnh đạo Bệnh viện và các bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, Nội Tim mạch  đã đưa ra phương án vừa phải áp dụng các biện pháp hồi sức cứu sống, vừa phải giảm tối đa việc để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề cho người bệnh. Bệnh nhân được đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, đặt huyết áp động mạch xâm lấn, hạ thân nhiệt chỉ huy đưa nhiệt độ cơ thể về 33 độ C để bảo tồn các chức năng não bộ và lọc máu liên tục. Sau khi áp dụng các kỹ thuật cao trong hồi sức tích cực, hi vọng sống của người bệnh được “thắp lên” nhưng các bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải theo dõi, ghi chép, điều chỉnh phác đồ liên tục từng giờ và luôn phải túc trực 24 giờ/ngày và tiến hành hội chẩn liên tục để tìm phương án điều chỉnh tối ưu nhất cho người bệnh.

Anh Lê Văn Thiều tỉnh táo và hồi phục hoàn toàn sau 20 ngày điều trị

Cuối cùng, sau 20 ngày điều trị tích cực, nhờ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ, anh Thiều tỉnh táo hoàn toàn, có thể trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường mà không để lại di chứng. Chia sẻ cảm xúc sau khi được hồi sinh diệu kỳ bằng sự nỗ lực, tập trung trí tuệ của đội ngũ các y bác sĩ cũng là những đồng nghiệp của mình, anh Thiều cho biết: “Khi mở mắt tỉnh dậy, thấy xung quanh là những đồng nghiệp thân yêu đang vui mừng ôm lấy mình, tôi xúc động lắm. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là ngôi nhà thứ 2 của tôi và cũng là nơi đã sinh ra tôi thêm lần nữa. Xin được cảm ơn các y, bác sĩ, cảm ơn những đồng nghiệp thân yêu đã cho tôi được sống tiếp cuộc đời tươi đẹp này…”.

Chia sẻ thêm thông tin về bệnh lý của anh Thiều, bác sĩ Thái cho biết qua kết quả khảo sát và làm các xét nghiệm cần thiết, anh Thiều được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada (là một bệnh lý rối loạn nhịp tim hiếm gặp và vô cùng nguy hiểm, có thể gây đột tử). Ngay sau khi sức khoẻ ổn định, anh Thiều sẽ tiếp tục được chỉ định cấy máy tạo nhịp phá rung tim tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.

Một trường hợp may mắn khác được cứu sống kịp thời trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 là chị Cầm Thị Hiền (25 tuổi, quê quán ở Vạn Xuân, Thường Xuân). Chị Hiền là nhân viên nấu ăn tại một trường Mầm non. Ngày 10/01/2024, cũng như mọi ngày, chị đi làm như bình thường và không có dấu hiệu ốm đau hay bệnh tật gì. Đến giờ đón trẻ, chị đột ngột ngừng tim, ngừng thở ngay tại trường. Ngay sau đó chị được đồng nghiệp chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đại An cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu.

Các Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đại An đã liên hệ với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để xin hỗ trợ về chuyên môn trực tuyến. Nhờ nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đại An và sự hỗ trợ chuyên môn trực tuyến tích cực của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, bệnh nhân có mạch trở lại, tuy nhiên tình trạng vẫn rất nguy kịch, hôn mê sâu. Sau đó, chị Hiền được chuyển đến viện Đa khoa Thanh Hóa để tiếp tục điều trị.

Chị Hiền nhập viện vào khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc với chẩn đoán hôn mê sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, toan chuyển hóa nặng, hạ Kali máu. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nặng, có thể để lại di chứng tổn thương não nếu không được điều trị tích cực, đúng phác đồ. Bằng sự tận tâm, trách nhiệm và kinh nghiệm xử trí nhiều ca bệnh khó, đội ngũ các y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc đã không quản ngày đêm tận tuỵ chăm sóc, theo dõi và điều trị cho chị Hiền. Sau hơn 10 ngày điều trị, ê kip các y bác sĩ cũng như gia đình chị Hiền vỡ òa trong niềm vui sướng, chị Hiền đã hồi phục một cách thần kỳ và có thể trở lại cuộc sống thường ngày như chưa hề phải trải qua những giờ phút đứng giữa lằn ranh sinh tử.

Chị Hiền hoàn toàn tỉnh táo sau những ngày hôn mê sâu

Chị Hiền được xuất viện trở về với cuộc sống thường ngày (Ảnh do gia đình cc)

Chị Hiền chia sẻ: Khi đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, chị thấy yêu và trân trọng từng hơi thở, nhịp đập trái tim mà các y bác sĩ đã mang lại cho mình. Các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là những người đã tái sinh chị thêm lần nữa, cho chị được tiếp tục cuộc sống khỏe mạnh và đón thêm nhiều mùa xuân mới bên gia đình.Với chị và gia đình, Tết năm nay là một trong những cái Tết hạnh phúc nhất và không thể nào quên trong cuộc đời .

Trường hợp nguy kịch thứ 3 được cứu sống kịp thời trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 là anh Trương Văn Hải (20 tuổi, cư trú tại Điền Trung, Bá Thước). Ngày 08/02/2024 (tức 29 Tết), anh Hải được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá trong tình trạng hết sức nguy kịch: Hôn mê sâu, biến dạng lồng ngực, mạch và huyết áp không bắt được do tai nạn giao thông.

Nhận định đây là trường hợp có tổn thương bên trong khá phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp để cầm máu cho bệnh nhân, các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lập tức khởi động hệ thống báo động đỏ, xử lý cấp cứu hồi sức và chuyển khẩn cấp bệnh nhân về phòng mổ.

Ê kíp các bác sĩ khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực và Gây mê hồi sức đã nhanh chóng mở ngực, phát hiện khoang màng tim có vết rách nhỉ phải phức tạp chảy nhiều máu, tim đập rời rạc, khoang màng phổi phải có khoảng 500ml máu không đông, phổi đụng dập nhiều. Bệnh nhân được khâu vết thương tim, xử trí giải phóng chèn ép tim, cầm máu và xử lý phổi dập. Do vết thương khá phức tạp, tổn thương tim, phổi lớn nên bệnh nhân mất nhiều máu, trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã phải truyền 10 đơn vị máu cho bệnh nhân.

Một ca phẫu thuật cấp cứu chấn thương tim tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa

Sau khoảng gần 2 giờ phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân đã cầm được máu ở vết thương, huyết động ổn định, sức khỏe bệnh nhân tiến triển khá tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường. Sau hơn 10 ngày được theo dõi và điều trị tích cực, sức khỏe anh Hải đã tiến triển khá tốt và và có thể được ra viện trong một vài ngày tới.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Hải

Chia sẻ về ca phẫu thuật này, bác sĩ Dương Văn Minh (khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực) cho biết: “23h đêm 29 Tết hôm đó tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện thoại của Lãnh đạo khoa yêu cầu đến Bệnh viện để xử trí khẩn cấp cho 1 ca chấn thương tim nghiêm trọng. Không chần chừ, tôi di chuyển rất nhanh đến Bệnh viện vì biết rằng mỗi giây phút lúc này với bệnh nhân chấn thương tim được đo bằng cả sinh mệnh. Khi bước chân vào phòng mổ, trước mắt tôi là một nam thanh niên còn rất trẻ với rất nhiều thương tích trên người đang hôn mê nằm trên bàn mổ, tôi hơi khựng người lại vì thấy quá xót xa. Lấy lại bình tĩnh, tôi cùng đồng nghiệp khẩn trương tiến hành ca phẫu thuật. Đến gần 2h sáng ngày hôm sau, chúng tôi hoàn thành ca phẫu thuật, bệnh nhân có dấu hiệu của sự sống. Lúc này tôi và các đồng nghiệp mới thở phào nhẹ nhõm”.

Mỗi ngày trôi qua, mỗi một người bệnh được cứu sống, được tiếp tục thực hiện ước mơ tương lai dang dở của mình và được đón những mùa xuân mới đoàn viên  bên gia đình như kỹ thuật viên Lê Văn Thiều, chị Cầm Thị Hiền hay chàng trai trẻ Trương Văn Hải… là niềm vui, điều kỳ diệu của cuộc sống. Nhưng để làm nên những điều kỳ diệu đó, đội ngũ y bác sĩ đã phải hy sinh hạnh phúc riêng, tận tụy,  trăn trở ngày đêm để cống hiến và cháy hết mình bởi lời thề Y đức, làm tròn nghĩa vụ chữa bệnh cứu người của những người thầy thuốc.

“Một cuộc đời có thể sống cho người khác mới là cuộc đời đáng giá”

Có lẽ đó là tâm niệm của biết bao người khi chọn nghề Y, một nghề cao đẹp nhưng vô cùng gian truân, vất vả, cần nhiều công sức, trí tuệ, cả đời học tập và tôi luyện bản lĩnh vững vàng. 18 năm công tác trong chuyên ngành Hồi sức cấp cứu Ths.Bs Đỗ Minh Thái – Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vẫn luôn tâm niệm lựa chọn con đường làm bác sĩ Hồi sức cấp cứu và điều trị tích cực với mong muốn sẽ nỗ lực cả cuộc đời mình để mang lại sự sống cho người bệnh. Với bác sĩ Thái cũng như các bác sĩ cấp cứu và hồi sức tích cực khác: “Một cuộc đời có thể sống cho người khác mới là cuộc đời đáng giá”!

Ths.Bs Đỗ Minh Thái – Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị cho bệnh nhân nặng

Cũng như đơn vị Hồi sức tích cực, Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là nơi “đầu sóng ngọn gió” của Bệnh viện. Nơi mà cường độ làm việc luôn gấp gáp, khẩn trương, nơi thường phải đối mặt với những ca bệnh nặng “thập tử nhất sinh”. Nơi đây, không có khái niệm ngày và đêm, không có khái niệm về lễ, tết… Áp lực, vất vả là vậy nhưng những y, bác sỹ vẫn luôn tận tâm, tận lực, nỗ lực hết mình để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.

Một ca cấp cứu bệnh nhân Tai nạn gia thông tại Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Thạc sĩ, bác sĩ Lâm Tiến Tùng – Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng gần 200 ca cấp cứu, trong đó có nhiều trường hợp rất nặng như đột quỵ, chấn thương sọ não, nhồi máu cơ tim… Có những lúc vào thời điểm bùng phát các bệnh như: Sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, tiêu chảy hay thay đổi thời tiết đột ngột chuyển lạnh, gia tăng nhiều người bị đột quỵ… thì từ sáng đến đêm, các bác sĩ liên tục khám cấp cứu cho người bệnh, có lúc hai bàn chân tê cứng, bụng đói cồn cào nhưng không thể nghỉ ngơi vì người bệnh quá đông, nhiều trường hợp nguy kịch phải xử trí can thiệp tích cực ngay.

Hiếm hoi lắm ở nơi này mới có được đôi chút yên ả, bởi dường như không gian ngột ngạt, căng thẳng của Phòng Cấp cứu liên tục như bị xé toang bởi tiếng còi xe cấp cứu, tiếng chân bước dồn dập, những tiếng gọi bác sĩ ơi và rồi những bóng áo trắng lại thoăn thoắt, vội vã. Ngày trôi qua, đêm đến, cho đến khi vừng Đông hé rạng, một ngày mới tất bật lại bắt đầu…

Rời Phòng Cấp cứu cuối giờ tan tầm, khi ánh đèn khắp các nẻo đường đã bật sáng, những người trong ca trực đêm trước trở về nhà. Họ có thể nghỉ ngơi với gia đình sau một ngày đêm căng thẳng, vất vả nhưng cũng có thể phải quay lại bệnh viện ngay sau tiếng chuông điện thoại. Nơi ấy – bệnh viện – là nơi họ cần đến để chữa bệnh cho mọi người. Họ – những thiên thần áo trắng với trái tim yêu thương, với trách nhiệm cao cả vẫn đang từng ngày, từng giờ góp phần đem lại mùa xuân ấm áp cho mọi người, mọi gia đình!

                                                                            Bài và ảnh: Phòng CTXH

 

 

Liên hệ nhanh