Những năm qua, nhiều cán bộ, y, bác sĩ công tác trong ngành y Thanh Hóa đã nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm tăng cường hiệu quả chăm sóc, điều trị, nâng cao vị thế của từng đơn vị trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hơn 20 năm công tác trong ngành y, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Huy Thạch – Giám đốc Trung tâm Huyết học – Truyền máu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa được biết đến là một cây sáng kiến. Tính đến thời điểm này, anh đã có gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần vào việc đảm bảo an toàn truyền máu. Trong đó, sáng kiến “Cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất chế phẩm Tủa lạnh” của bác sĩ Nguyễn Huy Thạch thực hiện trong năm vừa qua đã được xếp loại C tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa năm 2022- 2023. Nhờ có sáng kiến này, mỗi năm, Trung tâm tiết kiệm được trên 100 triệu đồng cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Quan trọng hơn là người bệnh được sử dụng đơn vị huyết tương an toàn và giảm sinh ra các rác thải y tế, góp phần bảo vệ môi trường.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Huy Thạch, Giám đốc Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Huy Thạch, Giám đốc Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sau khi đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của tôi được nghiệm thu, chúng tôi áp dụng luôn tại đơn vị. Đến thời điểm này, chúng tôi thực hiện thường xuyên. Mỗi năm, chúng tôi thực hện khoảng 6 ngàn mối nối, sản xuất khoảng 4 ngàn đơn vị Tủa lạnh. Theo đó, các cơ sở y tế và người dân trong tỉnh Thanh Hóa đã được hưởng thụ những giá trị của kỹ thuật này”.
Sáng kiến “Ứng dụng năng lượng sóng tần số radio trong điều trị suy giãn tĩnh mạch hiển lớn” tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa của Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc – Phó Trưởng Khoa chẩn đoán hình ảnh được đánh giá là mang lại giá trị, tính thực tế cao. Trước đây, khi chưa “Ứng dụng năng lượng sóng tần số radio trong điều trị suy giãn tĩnh mạch hiển lớn”, bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch hầu hết phải chuyển lên tuyến Trung ương hoặc phẫu thuật phải nằm viện lâu dài hoặc chấp nhận sống chung với bệnh. Thế nhưng, từ khi “Ứng dụng năng lượng sóng tần số radio trong điều trị suy giãn tĩnh mạch hiển lớn”, bệnh nhân không cần phải chuyển đi tuyến Trung ương, được điều trị ngay tại Thanh Hóa, bệnh nhân không cần phải gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ, ngay sau thủ thuật bệnh nhân đi lại, sinh hoạt bình thường, không cần nghỉ dưỡng. Không những khỏi bệnh, điều trị bệnh còn mang lại tính thẩm mĩ trả lại đôi chân đẹp cho bệnh nhân. Đặc biệt, giải pháp này được bảo hiểm y tế thanh toán, giúp giảm chi phí điều trị cho người bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Trước đây, bệnh nhân không muốn phẫu thuật thì phải chuyển đi tuyến Trung ương để làm, nhưng bây giờ, bệnh nhân không phải chuyển tuyến. Sau nhiều năm, chúng tôi đã làm được khoảng 1 ngàn ca và đảm bảo được hiệu quả điều trị là bệnh nhân không phải chuyển tuyến ra Trung ương và đảm bảo tính thẩm mỹ. Khi điều trị, bệnh nhân chỉ gây tê, không cần gây mê. Đó là những những ưu điểm của đề tài”.
Tính từ năm 2017- 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa có 1.033 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở; 16 đề tài cấp đa quốc gia, cấp Bộ, cấp tỉnh có tính ứng dụng cao trong công tác khám chữa bệnh, quản lý Bệnh viện; có 3 sáng kiến đạt giải trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ 13; 3 Giải thưởng khoa học và công nghệ Thanh Hóa; 8 đề tài được nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; 2 đoàn viên Công đoàn Bệnh viện được tôn vinh danh hiệu trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa có 3 đề tài khoa học cấp tỉnh đang thực hiện; 06 đề tài cấp cơ sở có sử dụng nguồn Ngân sách sự nghiệp của sở y tế năm 2024 đang thực hiện; đăng ký 209 đề tài cấp cơ sở, 4 đề tài đề nghị tặng bằng lao động sáng tạo của tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Phước Sung, Trưởng phòng đào tạo chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Tiến sĩ Phạm Phước Sung, Trưởng phòng đào tạo chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Hàng năm, Bệnh viện chúng tôi thực hiên từ 2-3 đề tài cầm tỉnh và gần 200 đề tài cấp cơ sở, trong đó có từ 3-5 đề tài có kinh phí của ngân sách khoa học của Sở y tế để thực hiện các nghiên cứu này. Ngoài ra, chúng tôi có nhiều cải tiến kỹ thuật, sáng kiến ứng dụng vào công việc thực tế chăm sóc bệnh nhân hằng ngày”.
Nguồn: Đài phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa