Không kể ngày đêm, Lễ, Tết, những căn phòng của Khoa Gây mê hồi sức luôn sáng ánh đèn. Nơi đây, đằng sau tấm vải xanh, các bác sĩ, điều dưỡng vẫn thầm lặng và miệt mài làm việc, chấp nhận hy sinh cuộc sống riêng tư, mất ăn mất ngủ để giành giật sự sống cho người bệnh.
Các bác sĩ, điều dưỡng của khoa GMHS trong một ca phẫu thuật
Bước chân vào Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, chúng tôi cảm giác như đang ở một thế giới khác, thế giới của sự mong manh giữa sự sống và cái chết chực chờ. Những khuôn mặt đầy lo âu của người nhà bệnh nhân đang đứng chờ thắc thỏm ám ảnh bất cứ ai nhìn thấy. Họ ở đây chỉ với vài giờ, vài ngày hoặc cũng có thể là vài tuần, thậm chí vài tháng. Có người ngả lưng vào chiếc ghế đá bên cạnh tranh thủ chợp mắt, có người bưng mặt khóc khi mới nghe bác sĩ giải thích về khả năng tiên lượng xấu về sức khỏe của người thân mình. Sau mỗi ca phẫu thuật ấy, các bác sĩ, kỹ thuật viên GMHS liên tục túc trực bên bệnh nhân để theo dõi và hồi sức. Nhờ đó, bệnh nhân đã thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần.
Hệ thống các phòng mổ chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại tại khoa GMHS
Khoa GMHS, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá hiện có 71 nhân lực, trong đó có 12 bác sĩ và 59 điều dưỡng. Từ năm 2021, khoa được đầu tư quan tâm xây dựng trụ sở làm việc mới với toà nhà 5 tầng gồm 21 phòng mổ với đầy đủ các chuyên khoa và hệ thống trang thiết bị hiện đại ngang tầm các bệnh viện tuyến trung ương. Khoa có khu vực hồi sức sau mổ rộng rãi, khang trang và đầy đủ các khu vực phụ trợ phục vụ chuyên môn. Khoa GMHS là nơi thực hiện các ca phẫu thuật cho toàn Bệnh viện với 60-80 ca phẫu thuật/ngày, trong đó có rất nhiều ca phẫu thuật đặc biệt, đại phẫu và ứng dụng nhiều kỹ thuật cao như mổ tim kết hợp chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi lồng ngực, mổ phổi, trung thất, gây mê, hồi sức cho phẫu thuật sọ não, cột sống, chấn thương, bụng, sản, nhi, tạo hình, mổ nội soi, vi phẫu, trồng nối chi thể đứt rời, mổ ghép tạng…
Các bác sĩ khoa GMHS trong một ca phẫu thuật thay van tim
Với hơn 30 năm gắn bó, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá và chuyên ngành GMHS, BSCKII Hoàng Mạnh Hồng – Trưởng khoa GMHS, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Gây mê hồi sức là một chuyên ngành rất khó, yêu cầu bác sĩ phải nắm vững các kiến thức về nội khoa, ngoại khoa, dược lý, kiểm soát nhiễm khuẩn…Nghề này, nếu không yêu thì chẳng thể làm được. Chẳng kể bác sĩ hay điều dưỡng, đã chọn nghề này là chọn sự căng thẳng, áp lực. Bắt buộc thái độ làm việc của mỗi y bác sĩ phải luôn hết sức khẩn trương, nghiêm túc, cẩn trọng, tỉ mỉ và chuyên nghiệp. Người ta thường bảo, đây là một công việc thầm lặng, đi trước về sau, quả không sai. Thông thường, trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê-kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ: Đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ, tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân… sau đó mới đến phiên của bác sĩ phẫu thuật viên.”
Các bác sĩ, điều dưỡng của khoa GMHS trong một ca phẫu thuật thẩm mỹ
Sau ca mổ, ê-kíp phẫu thuật có thể tháo găng, cởi đồ nhưng ê-kíp GMHS vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình, giúp bệnh nhân thoát mê và có thể từ từ thở tự nhiên không phụ thuộc vào máy thở. “Có những ca mổ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ hoặc thậm chí từ sáng đến tối, các bác sĩ, điều dưỡng GMHS chúng tôi cũng phải thay phiên nhau “đánh đu” trong phòng mổ từ sáng đến tối, cơm trưa nhiều lúc không kịp ăn, nước cũng quên không kịp uống…”, BSCKII Hoàng Mạnh Hồng chia sẻ thêm.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân chuyển sang phòng hồi tỉnh để chăm sóc hậu phẫu. Trong giai đoạn này các bác sỹ gây mê tiếp tục hồi sức, thực hiện giảm đau đa mô thức, theo dõi sức khỏe người bệnh, đưa các chức năng sống của bệnh nhân trở về trạng thái cân bằng, thoát khỏi sự thay thế và hỗ trợ của máy móc. Hồi sức sau phẫu thuật còn giảm tỷ lệ đau sau mổ giúp làm giảm stress và tăng cường sự phục hồi của bệnh nhân.
Phòng hồi sức sau mổ của khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá rộng gần 200m2, một loạt bệnh nhân đang nằm thở máy, xung quanh là hệ thống máy móc dây nhợ nhằng nhịt. Không có tiếng của bệnh nhân, chỉ có tiếng tít tít của mấy chục máy monitor và máy thở. Thi thoảng mới có những câu nói ngắn gọn và tiếng bước chân vội vã của bác sĩ, điều dưỡng. Họ thao tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhanh nhẹn, cẩn thận và chạy như con thoi mặc ngoài kia là nắng, là mưa, là ngày hay đêm.
Bệnh nhân sau phẫu thuật được chăm sóc và theo dõi tích cực tại phòng hồi sức của khoa GMHS
“Anh ơi, anh có thở được không? Anh thở khó khăn à? Anh đừng có tháo dây ống trên người là không về được với vợ con đâu”, điều dưỡng Trịnh Thị Vui ân cần, nhẹ nhàng nói với bệnh nhân, dù biết rằng nam bệnh nhân đó không thể trả lời lại được mình và hành động tháo dây ống chỉ là vô thức. Nam bệnh nhân 34 tuổi này bị tai nạn giao thông rất nặng và phải phẫu thuật chấn thương sọ não ngay trong đêm đầu tiên của kỳ nghỉ lễ.
Điều dưỡng Vui cho biết, trước khi thực hiện bất kỳ thao tác, thủ thuật nào trên bệnh nhân, cô đều thông báo cho họ dù tỉnh hay mê. Việc giao tiếp bằng tri giác này nhằm đánh giá tình trạng bệnh nhân có hồi phục hay không để hỗ trợ bác sĩ điều trị bệnh.
“Nhiều khi bệnh nhân hôn mê nhắm mắt nhưng họ vẫn biết, mình phải thông báo sẽ làm gì cho họ để bệnh nhân chuẩn bị tâm lý, không bị giật mình, sợ. Còn bệnh nhân không biết, mình cũng cứ nói chuyện vậy. Vừa nói chị vừa thoăn thoắt lật trở để vệ sinh cho một nam bệnh nhân nặng bị hôn mê sau tai nạn giao thông khác vừa mới phẫu thuật được chuyển về phòng hồi sức.
“Sau khi tốt nghiệp, mình về đây công tác luôn. Những ngày đầu sau giờ làm về ngủ mình toàn mơ thấy tiếng monitor kêu. Và lần đầu chứng kiến bệnh nhân mình chăm bị tử vong, mình bị sốc. Mình khóc. Sau này, khi quen hơn với công việc, mỗi lần chứng kiến những người không may phải lìa sự sống, mình vẫn đau buồn bởi vì đã gắn bó và chăm sóc họ”, chị Vui xúc động kể lại.
Bệnh nhân được chăm sóc toàn diện và theo dõi tích cực sau phẫu thuật tại khoa GMHS
Vừa dứt lời, chị Vui lại đi sang giường khác để hút đờm và tỉ mẩn vệ sinh cho bệnh nhân khác. Chị cho biết, chị phải theo dõi sát sao bệnh nhân, nếu phát hiện họ không thở được, giật tháo dây ống, nghẹt ống nội khí quản phải lập tức báo cho bác sĩ.
Căng thẳng và áp lực là thế nhưng các bác sĩ, điều dưỡng khoa Gây mê hồi sức luôn làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, cẩn trọng, tỉ mỉ và chuyên nghiệp góp phần rất lớn đến thành công của gần 14.000 ca phẫu thủ thuật tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá mỗi năm.
Khi được hỏi: “Có buồn không khi bệnh nhân ít khi biết tới vai trò của bác sĩ gây mê?”, Bác sĩ Nguyễn Văn Quế – Bác sĩ khoa GMHS tươi cười trả lời: “ Chỉ cần ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân hồi phục là niềm vui đối với các bác sĩ rồi”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quế và đồng nghiệp trong một lần làm “bà đỡ” bất đắc dĩ
Cũng theo bác sĩ Quế, không chỉ riêng mình anh mà còn rất nhiều đồng nghiệp của anh đã dành trọn thanh xuân và tuổi trẻ của mình nơi đây đều cảm thấy vui và tự hào vì đã góp một phần nhỏ của mình vào việc cứu chữa cho người bệnh. “Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là chỉ cần mỗi bệnh nhân nặng qua cơn nguy kịch, hồi tỉnh lại”.
Hạnh phúc của bệnh nhân cũng là hạnh phúc của các y bác sĩ khoa GMHS
Cũng như bác sĩ Hồng, bác sĩ Quế, điều dưỡng Vui và nhiều nhân viên y tế khác vẫn tiếp tục gắn bó với nghề mình đã chọn và hết lòng vì bệnh nhân. Mỗi ngày sau ca trực, mắt quầng, chân tay mệt rã rời, họ mới được chợp mắt. Niềm vui và động lực tiếp tục làm việc của họ là những tín hiệu chuyển biến tích cực dù nhỏ từng chút từng chút một của người bệnh, được nhìn thấy thật nhiều nụ cười của bệnh nhân mỗi khi xuất viện…Họ sẽ luôn nổ lực mỗi ngày để ánh đèn nơi đây không bao giờ tắt, để sự sống tiếp tục được ươm mầm và nảy sinh…
Bài và ảnh: Phòng CTXH