Phẫu thuật kịp thời tránh khỏi liệt cho bệnh nhân chấn thương cột sống cổ nghiêm trọng

Mới đây, các bác sĩ khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết đã phẫu thuật kịp thời cho một trường hợp tai nạn giao thông gãy cột sống cổ mất vững nghiêm trọng, nguy cơ dẫn đến liệt tứ chi cao. Đây là loại tổn thương khó xử lý, đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao và kỹ thuật gây mê phức tạp.

Bệnh nhân là Hồ Công H. (67 tuổi, Thị trấn Triệu Sơn, Triệu Sơn). Cách đây 1 tuần bệnh nhân bị tai nạn giao thông được điều trị tại Bệnh viện tuyến huyện. Đến ngày 18/01/2024, bệnh nhân xuất hiện tình trạng chóng mặt, đau đầu, đau nhức vùng cổ, không cử động được, choáng ngất nên đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực đã thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết cho bệnh nhân. Kết quả chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ (MRI) đốt sống cổ cho thấy bệnh nhân H. bị chấn thương cột sống cổ mất vững: Chấn thương cột sống cổ C1-C2, vỡ thân đốt sống cổ C2 (gãy mỏm nha C2, mức độ 2). Những tổn thương trên đã dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị đau nhiều vùng cổ, tê buốt hai tay, hai bàn tay bị tăng trương lực cơ, cử động rất khó khăn.

Hình ảnh trước phẫu thuật cho thấy bệnh nhân H.C. H bị chấn thương cột sống cổ C1 – C2 mức độ 2, vỡ thân đốt sống cổ C2.

Hình ảnh sau phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít cột sống cổ lối sau.

Nhận thấy đây là trường hợp gãy cột sống cổ cao và phức tạp, dễ gây biến chứng yếu liệt nếu không phẫu thuật kịp thời, ca phẫu thuật đã nhanh chóng được thực hiện. Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực và Gây mê hồi sức đã tiến hành nắn chỉnh ổ gãy trên bàn mổ chuyên khoa dưới hướng dẫn của C-arm và cố định cột sống cổ bằng phương pháp kết hợp xương nẹp vít cột sống cổ lối sau cho bệnh nhân.

Sau hơn một giờ thực hiện, dưới sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại với hệ thống máy C-arm, Penfield, khoan mài…, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi và thành công. Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân giảm đau vùng cổ, không tai biến tổn thương mạch máu và thần kinh. 3 ngày sau phẫu thuật bệnh nhân được chụp X – quang cột sống cổ cho thấy hình ảnh nắn chỉnh ổ gãy tốt.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Biển – Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật 3 ngày

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Biển – Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực, Trưởng kíp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: “Gãy mỏm nha đốt sống cổ C2 là một trong những loại tổn thương ít gặp và khó chẩn đoán. Nếu không chẩn đoán chính xác và phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ yếu liệt dần hoặc thậm chí có thể tử vong do chèn ép hành tuỷ gây suy hô hấp.

Tuy nhiên, phẫu thuật cố định cột sống cổ bằng phương pháp kết hợp xương nẹp vít cột sống cổ lối sau là kỹ thuật tương đối khó vì đây là một trong những vùng phẫu thuật khó khăn nhất của cột sống do cấu trúc giải phẫu hết sức đặc biệt, đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm chắc các kiến thức giải phẫu, cũng như phải có khả năng định vị tốt trong không gian 3 chiều. Mặc dù vậy, tỷ lệ tai biến cho phẫu thuật ở vùng này vẫn còn khá cao, khiến cho hầu hết các phẫu thuật viên phải e ngại. Lý do không chỉ xuất phát từ cấu trúc giải phẫu vùng này đã khác biệt hoàn toàn so với các vùng khác của cột sống, mà còn bởi mức độ quan trọng của các cơ quan thần kinh tại đây. Vì vậy. để can thiệp được an toàn thì cần phải khảo sát trước phẫu thuật rất tỉ mỉ, cặn kẽ, và phẫu thuật viên phải làm chủ được nhiều phương án để đảm bảo tỷ lệ thành công cao cho ca bệnh. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Biển thông tin thêm.

Hiện tại, bệnh nhân H. đã dần phục hồi sức khỏe và tiếp tục được theo dõi tại khoa Phẫu thuật thần kinh – Lồng ngực, dự kiến sẽ xuất viện sau 7 ngày phẫu thuật.

Bài và ảnh: Phòng CTXH

 

Liên hệ nhanh