Từng mổ mở lấy sỏi ống mật cách đây 13 năm nhưng tình trạng sỏi đường mật của bệnh nhân Lê Bật Q. (64 tuổi, Thị trấn Nưa, Triệu Sơn) vẫn liên tục tái phát và ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và nguy hiểm cho sức khỏe. Nhờ việc áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi trong điều trị các bệnh lý về sỏi mật, bệnh nhân Q. nhanh chóng hồi phục sức khỏe và được điều trị dứt điểm bệnh sỏi túi mật sau lần phẫu thuật thứ 2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Ê kip các bác sĩ đang thực hiện 1 ca phẫu thuật nội soi túi mật cho bệnh nhân
Nỗi ám ảnh kinh hoàng 13 năm mang tên sỏi mật
Sống chung với căn bệnh sỏi đường mật hơn 13 năm, đã từng trải qua 1 lần mổ mở và nhiều lần nhập viện điều trị nhưng tình trạng của bệnh nhân Lê Bật Q. ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bệnh nhân thường xuyên bị những cơn đau dày vò, mệt mỏi, sốt rét run, ăn uống kém, vàng da, vàng mắt, liên tục buồn nôn và ói mửa kèm thêm đã trải qua 1 lần phẫu thuật trước đó nên sức khỏe ngày càng yếu đi.
“Sau phẫu thuật lần 1 và 3 lần nhập viện thì tôi đỡ một chút nhưng sau đó lại vẫn tái phát. Đau bụng liên tục nên tôi thường xuyên mệt mỏi, không ăn uống được, cũng không thể lao động được. 13 năm rồi mà vẫn sống dở chết dở với bệnh mà không điều trị hết được” – bệnh nhân Q. chia sẻ.
Gần đây, tình trạng của bệnh nhân trở nên nguy kịch khi đau hạ sườn phải liên tục khoảng hơn 48 giờ, đau quặn từng cơn và cơn đau tăng nhiều, kèm theo sốt nên gia đình đưa bệnh nhân tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Bệnh nhân tiền sử mổ mở lấy sỏi ống mật chủ 1 lần, nhập viện lần 3 trong tình trạng viêm nhiễm khuẫn đường mật rất nặng.
Ngay tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân Q. nhanh chóng được đội ngũ bác sĩ thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Kết quả xét nghiệm cho thấy ống mật chủ của bệnh nhân đã giãn lớn tới 25mm, túi mật căng to. Đường dẫn mật trong gan trái chứa viên sỏi kích thước lớn tạo thành ổ dịch bên trong, kích thước 13x10mm.
Theo các bác sĩ, tình trạng này nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như nhiễm trùng đường mật; thấm mật phúc mạc nặng, viêm phúc mạc mật có thể gây nhiễm khuẩn toàn ổ bụng, gây đe dọa đến tính mạng người bệnh thậm chí tử vong.
Ê kíp các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân Lê Bật Q.
Vì vậy, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi kết hợp tán sỏi đường mật trong và ngoài gan có sử dụng ống nội soi mềm và ống nối mật – da với tiên lượng đây là một ca phức tạp bởi tiền sử đã mổ mở lấy sỏi ống mật chủ 1 lần.
Ca phẫu thuật phức tạp điều trị dứt điểm bệnh, giúp bệnh nhân quay trở về với cuộc sống bình thường, hết bị những cơn đau hành hạ.
Bệnh nhân đã mổ mở 1 lần nên ca mổ lần 2 này khá phức tạp và gặp nhiều khó khăn do nguy cơ dính ổ bụng rất cao, dễ làm thay đổi vị trí giải phẫu, nếu không chính xác trong việc bóc tách để tìm đúng vị trí ống mật chủ sẽ có thể bị rách tá tràng, rách tĩnh mạch gan.
Sau khoảng 3 giờ, với ê kip các bác sĩ giàu kinh nghiệm xử lý các ca mổ phức tạp, ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt.
BSCKII. Lê Quốc Kỳ – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Gan mật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Bệnh nhân Lê Bật Q. là một trường hợp nặng, nhập viện trong tình trạng đã biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, so với các trường hợp phẫu thuật thông thường thì bệnh nhân đã mổ mở 1 lần nên rất khó khăn trong việc xác định vị trí ống mật chủ, khả năng dính ổ bụng cao. Do túi mật bị nhiễm trùng nên chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt túi mật, lấy sỏi đường mật trong và ngoài gan có sử dụng ống soi mềm và ống nối mật – da. Ca mổ được đánh giá là kịp thời và diễn ra thành công”.
Hồi phục nhanh sau lần mổ thứ 2, bệnh nhân Q. chia sẻ: “Đã từng mổ mở 1 lần, nên tôi rất sợ cảm giác đau đớn sau mổ và cũng có tuổi rồi nên sức khỏe kém dần đi nên tôi và gia đình rất lo lắng cho lần mổ thứ 2 này. Nhưng lần này chỉ sau 4 ngày phẫu thuật tôi thấy sức khỏe gần như hồi phục hoàn toàn, có thể đi lại được, không đau vết mổ, không còn cảm thấy đau bụng và khó chịu nữa. Đặc biệt, các bác sĩ rất tận tình động viên thăm khám nên tôi rất yên tâm, cảm ơn các bác sĩ”.
Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng
Sỏi mật – bệnh đơn giản nhưng không chủ quan
Theo Bác sĩ CKII. Lê Quốc Kỳ: “Sỏi mật nói chung, sỏi đường mật nói riêng sẽ gây nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu xuất hiện sỏi ở ống mật chủ sẽ làm giảm dịch mật xuống ruột non, gây đầy trướng, chậm tiêu. Kích thước sỏi lớn sẽ gây tắc nghẽn đường mật, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh như viêm túi mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp…
Vì vậy, để kịp thời phát hiện các bệnh lý, người dân nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ có sỏi mật, cần phải đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị ngay. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tự phòng tránh sỏi đường mật bằng cách ăn chín uống sôi, hạn chế ăn đồ tái, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt”
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ các bác sĩ phẫu thuật đầu ngành được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm sẽ giúp người bệnh chẩn đoán và điều trị đúng bệnh, nhanh hồi phục.
Bài và ảnh: Phòng CTXH