Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo là phương pháp điều trị tiên tiến, tối ưu dành cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối không còn khả năng điều trị bảo tồn, hiện đang triển khai thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với kết quả tốt, giúp nhiều bệnh nhân phục hồi vận động gần như bình thường, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Các bác sĩ khoa Chỉnh hình – Bỏng đang thực hiện một ca phẫu thuật thay khớp gối cho bệnh nhân
Khớp gối là khớp chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất so với các khớp khác nên rất dễ bị thoái hóa theo thời gian. Thoái hóa khớp gối là hiện tượng mòn lớp sụn bọc hai đầu xương của khớp gối, dẫn đến lệch trục, vẹo khớp, làm biến dạng khớp gối, gây đau đớn kéo dài, suy giảm khả năng vận động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân cao tuổi hoặc cũng có thể gặp ở những người trẻ tuổi (sau chấn thương hay các bệnh lý sụn, ở bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn đông máu…).
Ở Việt Nam, thoái hóa khớp gối có tỉ lệ mắc cao, nguyên nhân chủ yếu do lão hóa bởi tuổi tác, nhất là những người có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều, đứng lâu, vận động viên thể thao hoặc bị bệnh cơ xương khớp, béo phì. Tùy theo giai đoạn bệnh mà có các phương pháp điều trị phù hợp. Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo là giải pháp tối ưu cuối cùng cho các bệnh nhân thoái hóa khớp gối giai đoạn nặng, điều trị nội khoa không thuyên giảm. Đây là phương pháp được ứng dụng phổ biến tại nhiều bệnh viện, trung tâm chấn thương chỉnh hình lớn trong cả nước và hiện được triển khai thường quy, hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, giúp bệnh nhân không còn đau đớn, phục hồi vận động tốt, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mới đây nhất, các bác sĩ khoa Chỉnh hình – Bỏng vừa thực hiện phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo toàn phần cho bệnh nhân Hoàng Thị T. (61 tuổi, Trung Chính, Nông Cống) bị thoái hóa khớp gối, biến dạng vẹo nặng ra ngoài. Đây là ca mổ phức tạp, gặp nhiều khó khăn do khớp gối thoái hóa lâu năm dẫn đến biến dạng vẹo lệch trục 15-20 độ, duỗi khó, co rút phần mềm nặng nề, gây mất mốc giải phẫu bình thường.
Bác T. cho biết mình bị đau nhức khớp gối 2 bên, hạn chế vận động bên phải nhiều hơn bên trái khoảng 4 năm nay, bác đã điều trị nội khoa tại nhiều Bệnh viện uy tín nhưng kết quả không đỡ. Kết quả thăm khám, siêu âm, chụp X-quang khớp gối cho thấy bệnh nhân có thoái hóa khớp gối mức độ IV, vẹo trục chi, chân phải vẹo ngoài khoảng 15 độ, co duỗi gối không bình thường, biến dạng xương bánh chè, lồi cầu xương đùi và mâm chày
Hình ảnh khớp gối cong vẹo trước phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo
Hình ảnh khớp gối sau khi phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo
Quyết định đặt niềm tin vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bác T. đã được các bác sĩ khoa Chỉnh hình – Bỏng thực hiện phẫu thuật làm sạch sụn hư, tạo hình lại xương bánh chè phải, chỉnh lại trục thẳng và thay toàn bộ khớp gối phải bằng khớp gối nhân tạo, bảo tồn xương tối đa cho bệnh nhân.
BSCKII. Đào Văn Quang, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân trước khi ra viện
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng phù hợp. Ngày thứ 3 sau phẫu thuật, bác T. có thể tập đi lại với khung chữ U có hỗ trợ, bệnh nhân đã giảm đau nhiều, biên độ gập duỗi gối cải thiện rõ rệt,tập đi đứng chịu lực hoàn toàn trên khớp gối nhân tạo, biến dạng đầu gối được khắc phục hoàn toàn.
Nhớ lại khoảng thời gian trước, bác T. cho biết vẫn còn ám ảnh những cơn đau nhức đầu gối triền miên, vận động đi lại, đứng lên ngồi xuống vô cùng khó khăn. “Suốt 4 năm qua tôi bị cơn đau nhức hành hạ, có những lúc đau đến mức đi một bước là buốt chói lên tận não, chảy cả nước mắt. Khi đã ngồi thì rất lâu mới có thể xoay sở đứng dậy, khổ sở vô cùng. Cơn đau hành hạ ngày đêm, phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của con cái. Sau khi được các bác sĩ thay khớp, tôi rất vui mừng vì từ nay mình có thể tự đi trên đôi chân của chính mình.”
Bệnh nhân T tập đi đứng chịu lực hoàn toàn trên khớp gối nhân tạo
BSCKII. Đào Văn Quang, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Kỹ thuật thay khớp gối là một kỹ thuật phức tạp, chuyên sâu trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đòi hỏi phải đảm bảo các yếu tố như: Phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, giảm đau trong mổ, sau mổ tốt và tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
Với sự hỗ trợ của trang thiết bị, máy móc hiện đại cùng kinh nghiệm tay nghề được đào tạo chuyên sâu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thường quy kỹ thuật này, đặc biệt là những ca thoái hóa khớp nặng nề, lệch trục phức tạp hay các trường hợp bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý đi kèm, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh. Các ca thay khớp nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, ít xâm lấn, đặc biệt có thể bảo tồn chức năng cơ (không cắt bỏ cơ) giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng. Bệnh nhân thay khớp gối tại đây đều có kết quả tốt, sau phẫu thuật bệnh nhân được đội ngũ kỹ thuật viên phục hồi chức năng hướng dẫn tập luyện bài bản, bệnh nhân có thể tập di chuyển bằng nạng sau 2 – 3 ngày phẫu thuật, xuất viện sau 6 – 7 ngày, tự đi lại và sinh hoạt bình thường mà không cần dụng cụ hỗ trợ sau 4 – 8 tuần”.
Bài và ảnh: Phòng CTXH