Chủ động phòng, chống bệnh chân tay miệng

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến tháng 5-2017, toàn tỉnh có 141 ca mắc tay chân miệng, giảm 173 ca so với cùng kỳ năm 2016. Một số địa phương có số bệnh nhân mắc tay chân miệng cao, như: TP Thanh Hóa, Tĩnh Gia, Hậu Lộc.


Bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thăm khám cho bệnh nhân.

Để công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng đạt hiệu quả cao, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, đồng thời phối hợp với trung tâm y tế các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng bằng nhiều hình thức như: Tư vấn, truyền thông, áp phích, tờ rơi nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt là tại các huyện miền núi, vùng giáp ranh, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đáng chú ý, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo trung tâm y tế các huyện theo dõi sát diễn biến dịch bệnh tại địa phương, báo cáo kịp thời khi có ca bệnh mắc mới, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, trung tâm còn chủ động cung ứng kịp thời các loại vắc-xin, vật tư trang thiết bị, hóa chất cho các đơn vị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; giám sát véc tơ truyền bệnh; kiểm dịch tại khu vực, đặc biệt tại cửa khẩu, cảng biển.

Tại TP Thanh Hóa, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, thành phố đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng; tổ chức các buổi tập huấn về xử lý ổ dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ y tế xã, phường; phối hợp với các trường học, đặc biệt là trường mầm non hướng dẫn các em rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh và vệ sinh cá nhân sạch sẽ… Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra, thành phố huy động nhân dân và các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia công tác chống dịch, làm tổng vệ sinh, khử trùng tẩy uế, thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn… không để lây lan thành dịch lớn,  ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.


Tìm hiểu thực tế tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, chúng tôi được biết, từ đầu năm đến hết tháng 5, bệnh viện đã khám và điều trị cho 53 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh viện cũng luôn sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bác sĩ Trịnh Văn Lực, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Da liễu Bệnh viện Nhi cho biết: Thông thường, dịch tay chân miệng rộ lên vào 2 đợt, khoảng tháng 3, tháng 4 và tháng 10 hằng năm, khi thời tiết có nhiều thay đổi bệnh nhân nhi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có tay chân miệng. Để chủ động công tác khám chữa bệnh, bệnh viện đã chủ động bố trí nhân lực chuyên môn để tiếp nhận  bệnh nhân cấp cứu khi có dịch bệnh xảy ra… Đồng thời, tổ chức tập huấn cho y bác sĩ, nhân viên về phát hiện sớm và chẩn đoán, điều trị các bệnh dịch nguy hiểm (trong đó có dịch bệnh tay chân miệng) theo đúng phác đồ của Bộ Y tế; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, thảo luận chuyên đề về các bệnh truyền nhiễm cho các y bác sĩ, nhân viên đảm bảo cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị điều trị… sẵn sàng đáp ứng kịp thời công tác cấp cứu tại bệnh viện cũng như hỗ trợ tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra.


Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, người dân cần chú trọng các biện pháp vệ sinh, như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn,  sau khi đi vệ sinh… Ngoài ra, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn đồ chơi và các vật dụng, hạn chế cho trẻ ngậm mút đồ chơi, các vật dụng. Khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần hạn chế tiếp xúc, đồng thời đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế gần nhất.

Liên hệ nhanh