Năm 1899, bệnh viện được thành lập theo quyết định của toàn quyền Đông Dương, với chức năng phục vụ khám chữa bệnh (KCB) cho các quan chức người Pháp và tầng lớp cai trị địa phương. Từ khi thành lập đến năm 1945, dù có những hạn chế và non kém về nhiều mặt, song bệnh viện vẫn là một trung tâm y tế đầu tiên và lớn nhất các tỉnh miền Trung thời bấy giờ. Sự ra đời và tồn tại ấy đã tạo tiền đề quan trọng, đặt nền móng cho việc xác lập một nền y học tây phương trên mảnh đất Thanh Hóa anh hùng.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tuy còn nhiều hạn chế về chuyên môn, song bệnh viện đã thực sự là một hậu phương lớn của cả nước, từ một bệnh viện của chế độ thực dân phong kiến (1899-1945), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã có một quá trình chuyển đổi về chất theo con đường cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, là một địa chỉ tin cậy của cách mạng, của kháng chiến và của nhân dân. Đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện vượt qua mọi khó khăn trong điều kiện bom đạn chiến tranh, thiếu thốn trang thiết bị y tế để hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ, đó là vừa KCB cho nhân dân trong vùng, vừa tham gia chăm sóc cứu chữa thương, bệnh binh trên các chiến trường. Trong những năm tháng ác liệt và gian khổ của cuộc kháng chiến, đội ngũ thầy thuốc và nhân viên của bệnh viện đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp ở nơi sơ tán đến chỗ đạn bom bắn phá hay nẻo đường tiếp vận của dân công về tinh thần phục vụ quên mình vì người bệnh.
Sau toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ (7-5-1954), bệnh viện bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển trong điều kiện miền Bắc được hòa bình. Từ năm 1960 bệnh viện được Bộ Y tế và các chuyên gia nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc đến giúp đỡ và chỉ đạo về chuyên môn… do đó trình độ chuyên môn được nâng cao, bệnh viện đã dần dần hạ thấp tỷ lệ tử vong của người bệnh và rút ngắn ngày điều trị trên cơ sở chẩn đoán và điều trị chính xác toàn diện. Cũng trong thời gian này, có hai cơ sở y tế được sáp nhập với Bệnh viện Đa khoa tỉnh đó là “Bệnh viện miền Nam D” (năm 1956) và “Trường trung cấp y sĩ” (năm 1962). Sự hợp nhất này là một bước phát triển mới toàn diện đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong số những trung tâm y tế lớn nhất của tỉnh và là một trong số những bệnh viện tiêu biểu có quy mô lớn của toàn miền Bắc thời bấy giờ.
Thời kỳ 1955-1965 tuy không dài, song bệnh viện đã khẳng định được vị trí của mình trong nền y học Việt Nam, nâng cao uy tín chuyên môn trong giới khoa học, thực sự trở thành một trung tâm y tế lớn nhất tỉnh Thanh. Sự khẳng định đó được thể hiện không chỉ ở con số đội ngũ cán bộ lên đến hơn 600 người với 600 giường bệnh mà điều quan trọng là công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu KCB cho hàng chục vạn lượt người trên địa bàn toàn tỉnh mỗi năm, hạ tỷ lệ tử vong từ 8%-9% (năm 1959) xuống còn 3-4% (năm 1965).
Chặng đường 10 năm tiếp theo (1965-1975) là thời kỳ mà cán bộ, công nhân viên bệnh viện đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của cuộc sống chiến tranh. Có thể nói đây là chặng đường “lửa thử vàng” đối với cán bộ, công nhân viên của bệnh viện. Trong chặng đường ấy, bệnh viện đã ba lần sơ tán đến nhiều địa điểm khác nhau nhưng vẫn đảm bảo duy trì được 350 giường bệnh theo quy định. Dù ở nơi sơ tán hay về thị xã, trong công tác KCB, nghiên cứu khoa học, học tập hay lúc lao động thực tế, trên giường bệnh hay nơi hỏa tuyến, cán bộ, công nhân viên của bệnh viện luôn tỏ rõ bản lĩnh cách mạng, hăng hái, tiên phong, dũng cảm đi đầu trong các phong trào cách mạng và công tác KCB, góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Trong suốt 10 năm ấy, hàng trăm thanh niên của bệnh viện đã lên đường tòng quân tham gia trên chiến đấu trên khắp mọi mặt trận và trong bảng vàng danh dự Tổ quốc ghi công đã ghi đậm tên của rất nhiều người con bệnh viện.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến trước thời kỳ đổi mới (1975-1985), bệnh viện bước vào thời kỳ mới đầy những biến cố và sôi động. Bệnh viện, đảng bộ bệnh viện không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Trong 10 năm ấy bệnh viện vẫn thường xuyên duy trì và giữ vững từ 16 đến 20 tổ đội lao động XHCN. Hàng năm, số chiến sĩ thi đua đạt từ 22 đến 25 đồng chí.
Hơn ba mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986 – 2019) là quãng thời gian bệnh viện có nhiều thay đổi tích cực, bằng sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng đổi mới, xây dựng và phát triển bền vững.
Những năm đầu của công cuộc đổi mới, bệnh viện gặp muôn vàn khó khăn, thử thách gay gắt, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, kinh phí thường xuyên thấp, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển kỹ thuật và trang bị thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng yêu cầu KCB của nhân dân ngày càng trở nên bức xúc. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường và xã hội hóa y tế đã có những tác động bất lợi đến đời sống xã hội nói chung và bệnh viện nói riêng.
Những năm gần đây, bệnh viện đã được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, từng bước hiện đại hóa; hệ thống chính sách pháp luật về y tế ngày càng hoàn thiện, hướng tới công bằng, minh bạch và tiến bộ, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho cán bộ y tế, cho người bệnh. Thời kỳ này bệnh viện cũng có những thay đổi về tổ chức bộ máy, ngày 1-4-2007 Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở tách từ khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh và ngày 1-10-2017 Bệnh viện Ung bướu chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở tách từ Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bệnh viện tiếp tục có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tiến bộ vượt bậc về đổi mới tư duy, nhận thức, cách tiếp cận, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thực hiện triệt để phong cách phục vụ “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, thực sự lấy người bệnh làm trung tâm. Các biểu hiện tiêu cực, đơn thư khiếu nại, tố cáo về tinh thần thái độ phục vụ ít thấy, nhiều thư khen, thư và điện thoại nóng cảm ơn các cá nhân và tập thể khoa phòng, nhiều gương người tốt tận tụy phục vụ người bệnh là những phần thưởng quý giá động viên thầy thuốc phục vụ ngày càng tốt hơn.
Đến nay, bệnh viện có quy mô 1.200 giường bệnh, với gần 1.200 cán bộ, viên chức và người lao động đang làm việc; trong số đó có hơn 500 cán bộ, viên chức có trình độ đại học trở lên; có 4 tiến sĩ, 30 BsCKII, 48 BsCKI, 53 thạc sĩ y học, thạc sĩ dược, 113 bác sĩ, 52 dược sĩ, gần 10 thạc sĩ, chuyên khoa I điều dưỡng, hơn 130 cử nhân điều dưỡng trong số 704 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 181 nhân viên y tế các chuyên ngành khác được phân bố ở 42 khoa, phòng, bộ phận và 2 trung tâm. Điều quan trọng khẳng định sự phát triển bền vững và niềm tự hào của bệnh viện trong hơn 30 năm đổi mới là có một cơ sở hạ tầng khá khang trang, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại và một khối lượng lớn các dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng cao; nhiều thế hệ các thầy thuốc, cán bộ khoa học có uy tín trải qua hoạt động thực tiễn, không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học, đã từng bước trưởng thành, đạt được trình độ học vấn cao và đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú (có 1 Thầy thuốc Nhân dân, 23 Thầy thuốc Ưu tú), bệnh viện cũng vinh dự có những cá nhân được tặng danh hiệu công dân kiểu mẫu của tỉnh (1 năm 2016 và đề cử 1 năm 2019), có nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương, đảm nhận các cương vị quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn.
Trải qua hơn một thế kỷ, với sự nỗ lực cố gắng của cả tập thể cán bộ, viên chức, người lao động, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, với nhiều thành công trong công tác ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật y học trong khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, từng bước khẳng định chất lượng, uy tín, thương hiệu và vị thế của bệnh viện hạng I. Với một tập thể lớn, luôn đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, phát triển; đề cao kỷ cương, thượng tôn pháp luật và những quy định có tính nguyên tắc, cùng với phương châm phục vụ “Nhanh chóng – chính xác – thuận tiện – tiết kiệm” và tinh thần làm việc “hết việc – hết giờ”, lấy người bệnh là trung tâm, là mục tiêu phấn đấu của bệnh viện. Chính vì lẽ ấy, những năm qua bệnh viện đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong sự nghiệp “bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”; góp phần nâng cao tuổi thọ và số năm sống khỏe cho nhân dân; đã có nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được triển khai ứng dụng thành công với chất lượng, hiệu quả cao cả về chuyên môn, về kinh tế và xã hội; đưa dịch vụ kỹ thuật cao, hiện đại đến gần người dân, giúp cho người dân có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng.
Cùng với nâng cao chất lượng KCB, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được chú trọng đẩy mạnh. Những năm gần đây đã có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị thực tiễn được cán bộ, viên chức, người lao động bệnh viện thực hiện. Trong số đó, có 3 đề tài nghiên cứu khoa học đa quốc gia, 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được cán bộ, viên chức bệnh viện làm chủ đề tài hoặc cùng tham gia nghiên cứu với kết quả đánh giá, xếp loại xuất sắc và khá.
Đi cùng với quá trình xây dựng và phát triển bệnh viện, đảng bộ bệnh viện không ngừng lớn mạnh, đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện đối với đơn vị; đến nay đảng bộ đã có 521 đảng viên, được sinh hoạt tại 40 chi bộ; trong đó, đảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị 23 đồng chí, trung cấp lý luận 85 đồng chí; số đảng viên có trình độ đại học và trên đại học 342 đồng chí. Đảng bộ bệnh viện đã phát huy vai trò lãnh đạo, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn hoạt động của bệnh viện; lãnh đạo cán bộ, đảng viên hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đảng bộ bệnh viện nhiều năm liền đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, đặc biệt trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc và toàn diện, có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và xây dựng quê hương Thanh Hóa giàu mạnh. Nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trao tặng cho bệnh viện, cho các tập thể, cá nhân, đó là: Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba; Cờ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động bệnh viện hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của bệnh viện, luôn ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, thầy thuốc bệnh viện qua các thời kỳ; ghi nhớ, tri ân các bậc cha anh, đồng chí, đồng nghiệp đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; ghi lòng, tạc dạ công lao trời bể của lớp lớp cha anh đã dành trọn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho chặng đường xây dựng và mỗi bước phát triển của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, của Sở Y tế, của các bộ, ban, ngành, các cơ quan, các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương để Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao phó.
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một nhiệm vụ đặc biệt, liên quan đến tài sản vô giá của mỗi con người đó là sinh mạng và sức khỏe, phát huy những thành tích đã đạt được trong 120 năm qua, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y như từ mẫu”, đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hôm nay và mãi mai sau nguyện đem hết sức mình thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là “bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe” cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, các tỉnh lân cận và khách quốc tế, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh.
Thầy Thuốc Ưu Tú Ths, BsCKII, Lê Văn Sỹ
Giám đốc Bệnh vện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
(Theo http://baothanhhoa.vn)