Các xét nghiệm Elisa chẩn đoán giun sán đang được thực hiện tại khoa Vi Sinh – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

 

 

ELISA chẩn đoán giun đầu gai (Gnathostoma Spinigerum):

–            Ý nghĩa xét nghiệm: phát hiện kháng thể IgG kháng Gnathostoma spinigerum. 

–            Dấu hiệu lâm sàng gợi ý:

Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, nổi mề đay, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau vùng thượng vị khi ấu trùng di chuyển qua thành dạ dày và/ hoặc thành ruột, có thể đau hạ sườn phải trong giai đoạn ấu trùng di chuyển qua gan. Các triệu chứng tiếp theo phụ thuộc vào sự di chuyển ấu trùng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể:

  • Da và mô mềm: Một hoặc nhiều khu vực đau hoặc phù (ấn không lõm), nổi ban đỏ, ban sần, ngứa.
  • Mắt: Giảm thị lực, mất thị lực, đau và/ hoặc chứng sợ ánh sáng. Khám có thể thấy viêm mạch màng nho, viêm mống mắt, xuất huyết nội nhãn, tăng nhãn áp, sẹo hoặc bóc tách võng mạc.
  • Tai: Giảm thính lực và/ hoặc ù tai.
  • Hô hấp: Ho, đau ngực, khó thở và/ hoặc ho ra máu; ho ra các đoạn giun. Có thể có viêm màng phổi.
  • Tiêu hóa: Có thể gây triệu chứng giống viêm ruột thừa , viêm túi mật hoặc tổn thương ruột.
  • Tiết niệu: Tiểu ra máu
  • Thần kinh: nhức đầu, các triệu chứng thần kinh không khu trú. Viêm tủy rễ thần kinh hay gặp nhất. Có thể có viêm não, viêm màng não tăng bạch cầu ái toan, xuất huyết dưới màng nhện. Có thể có các dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt dây thần kinh sọ não, liệt một chi, bí tiểu…

Các triệu chứng này thường đi kèm với tăng bạch cầu ái toan, có thể lên đến 50%. 

ELISA chẩn đoán giun lươn ruột (Strongyloides stercoralis)

–            Ý nghĩa xét nghiệm: phát hiện kháng thể IgG kháng Strongyloides stercoralis. 

–            Dấu hiệu lâm sàng gợi ý:

  Hầu hết bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng điển hình. Nếu có, chủ yếu triệu chứng biểu hiện ở da, đường tiêu hóa và hô hấp:

  • Da: ngứa, nổi ban đỏ mề đay, đặc biệt ở vị trí giun xâm nhập. Ban đỏ tái phát thường xuyên ở dọc đùi, mông.
  • Tiêu hóa: đau bụng và tiêu chảy không liên tục hoặc liên tục.
  • Hô hấp: ho, thở khò khè, viêm phế quản mãn tính.

Một số trường hợp nặng, thường gặp ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid, bệnh nhân nhiễm HIV,…có thể có biểu hiện toàn thân (hội chứng tăng nhiễm): xuất huyết tiêu hóa nặng, tắc ruột, suy hô hấp, ho ra máu, viêm não, viêm màng não, áp xe não,…đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng này thường đi kèm với tăng bạch cầu ái toan, thường tăng trong khoảng 10-25%.

Xét nghiệm soi tìm ấu trùng giun lươn trong phân giúp chẩn đoán xác định.

ELISA chẩn đoán giun lươn não (Angiostrongylus cantonensis)

–         Ý nghĩa xét nghiệm: phát hiện kháng thể IgG kháng Angiostrongylus cantonensis.

–         Dấu hiệu lâm sàng gợi ý: Angiostrongylus cantonensis là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm màng não tăng bạch cầu ái toan ở người. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dị cảm ở tay và chân, một số có biểu hiện ở mắt.

Các triệu chứng này thường đi kèm với tăng bạch cầu ái toan, đặc biệt là trong dịch não tủy.

ELISA chẩn đoán sán lá phổi (Paragonimus)

–         Ý nghĩa xét nghiệm: phát hiện kháng thể IgG kháng Paragonimus.

–         Dấu hiệu lâm sàng gợi ý: Sán lá phổi là loài ký sinh trùng có thể gây bệnh ở bất cứ bộ phận nào trong cơ thể như: phổi, não, tủy sống, cơ ngực, tổ chức dưới da, lách, mạc nối lớn, ổ bụng, màng ngoài tim, cơ tim, trung thất, tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, tinh hoàn, niệu quản,… nơi ký sinh chủ yếu là phổi.

  • Tại phổi: gây bệnh giống viêm phổi hoặc lao phổi:
    + Ho đờm, có thể lẫn máu hoặc ho ra máu, ho mãn tính, ho nhiều vào buổi sáng.
    + Có thể sốt hoặc không.
    + X quang phổi: tổn thương nhu mô phổi nốt mờ, hạch trung thất sưng to,…
  • Tại não: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, có thể nôn vọt và xuất hiện cơn động kinh…
  • Tại gan: đau hạ sườn phải, áp xe gan…
    Tùy từng phủ tạng sán ký sinh gây những triệu chứng, diễn biến phức tạp.

      Các triệu chứng này thường đi kèm với tăng bạch cầu ái toan. Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm tìm thấy trứng sán tại nơi tổn thương (đờm, phân, mô,…).

ELISA chẩn đoán giun đũa chó mèo (Toxocara)

–         Ý nghĩa xét nghiệm: phát hiện kháng thể IgG kháng Toxocara.

–         Dấu hiệu lâm sàng gợi ý:

Người ăn phải trứng giun. Trứng giun vào ruột phát triển thành ấu trùng, ấu trùng đi qua thành ruột đến các cơ quan khác (gan, tim, phổi, não, cơ, mắt) và gây tổn thương tại đó. Ấu trùng chỉ sống được vài tháng trong cơ thể người, không có khả năng phát triển tiếp thành giun trưởng thành, không thể sinh sản trong cơ thể người. Ở người có 2 thể bệnh chính:

  • Thể ấu trùng di chuyển nội tạng (visceral larva migrans – VLM), chủ yếu gặp ở trẻ < 5 tuổi với các triệu chứng: sốt, gan to và hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, bạch cầu ái toan tăng (tỷ lệ có thể đến 70%), kháng thể kháng Toxocara trong máu tăng. Ngoài ra có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn với các triệu chứng co giật, viêm não-màng não, viêm tuỷ, viêm rễ thần kinh, tổn thương các dây thần kinh sọ hay thần kinh cơ-xương.
  • Thể ấu trùng di chuyển ở mắt (ocular larva migrans – OLM), gặp chủ yếu ở trẻ từ 5 đến 10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực (thường chỉ một bên mắt) với đôi khi bị lé mắt. Mức độ suy giảm thị lực tuỳ thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù loà.
  • Ngoài ra, một số bệnh nhân chỉ có triệu chứng mệt mỏi, ngứa, nổi ban, thở khó và đau bụng, bạch cầu ái toan tăng nhẹ, kháng thể trong máu tăng nhẹ.

ELISA chẩn đoán sán lá gan lớn (Fasciola)

–         Ý nghĩa xét nghiệm: phát hiện kháng thể IgG kháng Fasciola. Kháng thể có thể mất sau điều trị 6 – 12 tháng.

–         Dấu hiệu lâm sàng gợi ý: tổn thương chủ yếu ở gan và mật:

  • Nhiễm trùng cấp tính gây đau bụng, gan to, buồn nôn, nôn mửa, sốt thất thường, nổi mày đay, tăng bạch cầu ái toan, mệt mỏi, và sụt cân do tổn thương gan.
  • Nhiễm trùng mãn tính có thể không có triệu chứng hoặc gây đau bụng không liên tục, sỏi mật, viêm mật, vàng da tắc nghẽn, hoặc viêm tụy.
  • Nhiễm trùng nặng có thể gây xơ đường mật và xơ gan.

Các tổn thương vị trí khác có thể xảy ra khi sán di chuyển lạc chỗ ở thành ruột, thành bụng, phổi, đôi khi có trong bao khớp. Bệnh sán lá gan ở hầu họng đã được báo cáo ở Trung Đông sau khi bệnh nhân ăn gan sống.

    Có thể soi tìm trứng sán lá gan lớn trong phân, dịch tá tràng, dịch đường mật.

ELISA chẩn đoán sán lá gan nhỏ (Clonorchis/ Opisthorchis)

–         Ý nghĩa xét nghiệm: phát hiện kháng thể IgG kháng Clonorchis/ Opisthorchis.

–         Dấu hiệu lâm sàng gợi ý: gây tổn thương chủ yếu ở gan và mật:

  • Nhiễm trùng nhẹ thường không có triệu chứng.
  • Trong giai đoạn cấp tính, nhiễm trùng nặng hơn có thể gây sốt, ớn lạnh, đau thượng vị, gan to mềm, vàng da nhẹ và tăng bạch cầu ái toan. Sau đó, tiêu chảy có thể xảy ra.
  • Viêm đường mật mạn tính trong nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến teo nhu mô gan, xơ tĩnh mạch cửa và xơ gan. Có thể xuất hiện vàng da nếu một khối do sán gây tắc nghẽn đường mật. Các biến chứng khác bao gồm viêm mủ đường mật, sỏi mật, viêm tuỵ, và muộn hơn là ung thư đường mật.

Có thể soi tìm trứng sán lá gan nhỏ trong phân, dịch tá tràng, dịch đường mật.

ELISA chẩn đoán ấu trùng sán lợn (Cysticerlus cellulosae)

–         Ý nghĩa xét nghiệm: phát hiện kháng thể IgG kháng Cysticerlus cellulosae.

–         Dấu hiệu lâm sàng gợi ý:

Sau khi ăn phải trứng sán, trứng sẽ nở thành ấu trùng trong lòng ruột, theo máu đến các cơ quan khác nhau và có thể gây biểu hiện lâm sàng tại vị trí tổn thương. Vị trí của nang ấu trùng theo thứ tự thường gặp là hệ thần kinh trung ương (~60%), tổ chức dưới da và cơ vân, nhãn cầu, và hiếm hơn các tổ chức khác (tim, phổi, gan, niêm mạc miệng):

  • Tổn thương tại não có thể gây: co giật, rối loạn hành vi, tắc nghẽn dịch não tủy, viêm màng não, động kinh (cục bộ hoặc toàn bộ), các dấu hiệu thần kinh khu trú, tăng áp lực nội sọ (đau đầu dữ dội, nôn, phù gai thị, mất thị giác), rối loạn ý thức, nhồi máu não… Nang ấu trùng sán lợn trong não có xu hướng phát triển kích thước lớn hơn so với ở các mô khác.
  • Nang trong cột sống có thể gây ra: rối loạn dáng đi, đau đớn, viêm ngang tủy.
  • Nang dưới da: xuất hiện các nốt có thể sờ thấy, có thể mất đi sau đó lại xuất hiện ở chỗ khác.
  • Tại mắt có thể gây suy giảm thị lực, xuất huyết và phù đĩa thị giác, bong võng mạc, viêm mông mắt – thể mí và viêm võng mạc- màng mạch.

 

Liên hệ nhanh