Số phận đã đưa bà Jutka đến với người chồng quê miền Trung, đưa các con bà trở về Việt Nam đầu tư kinh doanh với ước muốn làm đổi thay quê hương mình. Vậy mà, năm 1972, khi phải về lại quê hương Hungari bởi chiến tranh và hai vợ chồng buộc phải chia đôi ngả, bà nghĩ sẽ chẳng bao giờ còn trở lại Việt Nam…
Jutka là cái tên bà con nông dân ngoại thành Hải Phòng yêu mến đặt cho bà Kmetz Julianna. Bởi nhờ có bà đi đầu làm gương, người dân nơi đây đã chăm chỉ nuôi gà, nuôi lợn, trồng cây ăn quả… Đó là vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, khi chiến tranh phá hoại mở rộng ra miền Bắc.
Hơn 10 năm bà theo chồng về xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, theo lời kêu gọi của Bác Hồ đối với các trí thức Việt kiều. Rồi rời xa mảnh đất này bởi số phận, bây giờ ở tuổi 90, bà lại về mổ khớp, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Ở vùng đất này, chồng bà – kỹ sư cơ khí Nguyễn Văn Phúc- đã góp viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp xây dựng đất nước, sau khi chân ướt chân ráo hồi hương từ Hungari. Ông đã làm hồi sinh một lò đúc do Pháp để lại ở gần Cầu Hàm Rồng, và mất đi một con mắt ở đây vì tai nạn lao động. Con trai cả của ông bà, anh Nguyễn Đặng Liên, giờ là Tổng Giám đốc Nhà máy sản xuất gà Viet Avis – đặt tại Thanh Hóa.
Ngồi bóc vải thiều trong căn hộ của anh Liên ở Thanh Hóa sau đợt phẫu thuật nửa tháng ở Bệnh viện tỉnh, bà Jutka kể lại cho tôi (qua lời phiên dịch của con bà, anh Nguyễn Đặng Bê Lô – cũng học theo mẹ và lấy vợ Việt Nam): “Quê bác là một cái làng nhỏ đường sá đơn sơ, mùa đông tuyết phủ, cách Thủ đô Budapest tầm 400km. Người dân ít khi nghĩ xa xôi, theo cách nói của người Việt là nhìn không quá lũy tre làng đấy” – bà cười và nói được vài từ tiếng Việt. Nhưng bác lại luôn mơ ước đi xa. Bác nói với cha mình là sẽ tự tay hái được quả cam trên cây. Mà quê bác làm gì có cam?! Ông cụ đã đi nhiều nơi trên thế giới, ông còn đến tận New York làm công nhân xây dựng. Ông kể mọi chuyện cho con gái cưng – là bác, và ông đã gieo vào đầu con gái nhỏ khát vọng về những điều mới mẻ, xa xôi. Tính bác từ bé đã định làm gì là chấp nhận mọi khó khăn, quyết tâm làm bằng được.
Năm 1952, bác rời làng quê lên Budapest làm công nhân dệt và tình cờ gặp ông Phúc – khi đó đang là chàng sinh viên Bách khoa Budapest. Ông ấy quê gốc ở Nghệ An, nơi có nhiều cam Vinh ấy mà. Cháu có thấy kỳ lạ không?! Thế là bác thực hiện được giấc mơ hái cam khi theo ông Phúc về Việt Nam cuối những năm 1950. Bây giờ nghĩ lại, sao mình lại có thể đủ sức vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách trong những năm tháng ấy?! Bê Lô sinh ra ở Hải Phòng – nơi ông Phúc được đưa về đó để làm việc, rất giống bố. Còn Liên thì sinh ra ở Hung, rất giống mẹ…”
Anh Liên Nguyễn Đặng (thứ hai từ phải sang) phiên dịch cho đoàn cấp cao của Quốc hội Việt Nam sang thăm Hungary năm 2022
Ông Phúc tên thật là Đặng Sung Dinh, sinh ra ở Nam Đàn, Nghệ An. Nguyễn Văn Phúc là bí danh, khi ông theo Cụ Hồ đi hoạt động Việt Minh từ khi còn nhỏ tuổi. Sau này bị mất liên lạc với Việt Minh, ông Phúc phải đi làm thuê cho một cửa hàng của ông chủ Pháp, rồi lưu lạc sang Pháp. Ở Pháp, ông tham gia Phong trào Thanh niên cộng sản và được Hội Việt kiều đề cử tham dự Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới ở Budapest năm 1949. Sau Đại hội, theo lời khuyên của Đoàn Việt Nam (lúc đó đang cần thêm nhiều người có tri thức để xây dựng đất nước) và nhận lời mời của nước bạn Hungary, ông Phúc ở lại học trường bổ túc rồi lên Đại học Bách khoa Budapest.
Gia đình mẹ Jutka trên báo Hungari năm 1968
Anh Bê Lô kể: “Bố Phúc rất yêu quê hương. Nghe theo lời Cụ Hồ kêu gọi các trí thức Việt kiều, cuối những năm 50 của thế kỷ trước, bố đưa cả nhà về Hải Phòng sống và làm việc. Bố tôi cùng thời với những trí thức yêu nước như Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa… Sau khi bố mất, gia đình tìm thấy bức thư của bác Nghĩa gửi cho bố từ Matxcơva, năm 1953. Thư đã mờ, trong đó bác Nghĩa kể chuyện đi chữa bệnh cùng với bác Xuân Thủy và có nhắc tới Anh Cả – hình như là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Chiến tranh và những bất cập thời đó đã chia đôi gia đình mẹ Jutka. Mẹ và hai con về lại Hungary, ông Phúc ở lại Hải Phòng công tác. Số phận đưa đẩy, sau này ông có gia đình khác. Mẹ buồn đau lắm, nhưng vẫn cho các con nói tiếng Việt, vẫn gom quần áo gửi sang giúp gia đình ông Phúc. Khi ông bị bệnh và mất, mẹ Jutka động viên hai con trai đi đi về về, chăm lo cho những người em cùng cha khác mẹ, và mở công ty ở Việt Nam. Cháu gái con anh Bê Lô ở lại ngoại ô Budapest cùng bà. Cô gái nông dân Julianna chăm chỉ năm nào, nay lại cần mẫn tưới hoa, nhặt hạt óc chó rụng trong vườn, nướng bánh, làm mứt mơ Tây gửi cho các con ở Việt Nam. Đôi lúc buồn nhớ các con, bà mắng yêu cháu gái: “Cũng tại bố cháu đầu têu lấy vợ Việt…”.
Anh Bê Lô Nguyễn Đặng và mẹ Jutka ở Thanh Hóa
– “Cháu biết có người còn lấy chồng Việt từ ngày xưa nữa kia!” – hai bà cháu cùng cười.
Nói vậy, chứ mẹ Jutka rất yêu thương con dâu Việt – là Tố Trang bạn tôi – người viết bài này, vì cô cũng đảm đang tần tảo, chịu thương chịu khó như bà. Trở về Việt Nam lần này, mẹ Jutka nhắc con trai đưa bà về quê thắp hương cho bố mẹ chồng… Bà đúng là nàng dâu đậm nét truyền thống Việt!
Chuyện mẹ Jutka về mổ khớp xương đùi và chữa bệnh ở Thanh Hóa hình như cũng được sắp đặt bởi số phận. Hai năm trước, cầu thang inox bị sập, anh Liên bị ngã gẫy cổ xương đùi ở Thanh Hóa. Lúc ấy Nhà máy sản xuất gà đạt tiêu chuẩn châu Âu – Viet Avis – do anh làm Tổng Giám đốc mới đi vào vận hành. Đây là Dự án hơn 10 triệu euro của Bộ Nông nghiệp Hungary, liên doanh với Việt Nam và được thực hiện tại Thanh Hóa. Với Dự án này, công lao đóng góp cho quê hương Việt Nam của anh Liên không nhỏ, vì anh là phiên dịch thường xuyên cho các đoàn cấp cao của cả hai nước Việt Nam và Hungary. Lại nói về việc chữa bệnh, anh Liên đã được mổ thành công bởi các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, mà chẳng phải đưa về bệnh viện Trung ương, như tâm lý chung. Tin tưởng tay nghề của bác sĩ Việt, lần này hai anh em đã quyết định đưa mẹ Jutka về Thanh Hóa mổ. Chính các bác sĩ ở đây đã khuyên gia đình nên mời thêm bác sĩ ở Hà Nội về phối hợp, vì bà đã 90 tuổi rồi, sức khỏe không tốt nữa.
Bay đến Việt Nam và vào thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bà cụ 90 tuổi chân đau vẫn lọ mọ tự xếp đồ đạc vào tủ ở phòng bệnh. Vì bà tuổi cao nên bác sĩ mổ không gây mê. Ở bệnh viện các bác sĩ, điều dưỡng viên đều kính nể sự chịu đựng và hợp tác của bà cụ Tây gầy gò mà kiên cường này. Bà Jutka rất thích sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của các bác sĩ ở đây: “Đây là sự dễ chịu bất ngờ của bác. Nói chung, bác thích bệnh viện Việt Nam. Hồi Bê Lô bé hay ốm lắm, bác thường đèo xe đạp đi khám bệnh ở Bệnh viện Việt Tiệp. Có lần đang khám thì rocket bắn vào bệnh viện, chiến tranh mà, thế là hai mẹ con phải chui xuống hầm tăng xê. Nhưng bây giờ Việt Nam thay đổi nhiều quá, bệnh viện ở Thanh Hóa nhiều máy móc hiện đại. Bê Lô nói là ở đây ít bệnh nhân hơn ở bệnh viện các thành phố lớn, chi phí hợp lý, lại phối hợp được với Hà Nội nên công nghệ mổ cho bác là cao đấy… Ở Việt Nam hiện nay, môi trường và điều kiện sống có thể giản dị hơn so với ở Hung, nhưng lấy ví dụ từ Bệnh viện Thanh Hóa, thiết bị ở đây không thua kém, mà các cán bộ y tế thì trẻ và nhiệt huyết”.
Anh Bê Lô kể: “Đưa mẹ tôi đi đâu, bà cũng trầm trồ, sao Việt Nam thay đổi nhanh đến khó tin?! Ngày trước chiến tranh, mẹ còn bị cấm mặc váy, giờ vào siêu thị, ra đường, thấy mọi người mặc như ở châu Âu. Ở tỉnh thôi mà hàng hóa đầy ắp, người mua không hết. Đám khăn mặt, đồ dùng mẹ gói đem sang thế là ế rồi! Vào quầy bánh ngọt ê hề các loại, mẹ lại nhớ thời trước, mẹ còn phải đạp xe mấy chục cây từ ngoại ô về Hải Phòng lấy bột mì, bột khoai tây viện trợ gần hết hạn: phần nào dùng được thì làm bánh cho con và lũ trẻ thôn quê, phần nào quá hạn thì làm thức ăn nuôi lợn, nuôi gà. Thật khó hình dung một bà Tây mà lam làm chịu khổ chẳng khác gì nông dân Việt?! Vừa tăng gia sản xuất lấy thực phẩm nuôi con, vừa cùng chồng đi làm trong nhà máy. Sau này, trong những giấy tờ của bố tôi để lại, chúng tôi tìm được tấm Bằng khen: Mẹ Jutka là Lao động mẫu mực của phong trào Xtakhanop những năm 1950. Có lẽ, bố tôi giữ lại Bằng khen này vì bố trân trọng mẹ, biết ơn mẹ đã hy sinh, chịu khổ, về Việt Nam theo bố. Bố mẹ tôi đều là những người lao động giỏi và mẹ ủng hộ ước nguyện xây dựng quê hương của bố…”.
Nhân hậu, bao dung, đầy tinh thần trách nhiệm – chính cái nếp nhà ấy, cái truyền thống văn hóa ấy của gia đình đã khiến hai “anh Tây” gốc miền Trung – Nguyễn Đặng Liên và Nguyễn Đặng Bê Lô – đều tha thiết với quê hương Việt Nam. Họ đều mong muốn đem công nghệ mới thân thiện với môi trường và đem lại giá trị cao cho nông dân. Mỗi năm Viet Avis đóng góp không nhỏ cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa, tạo việc làm cho hàng trăm công nhân và rất nhiều hộ gia đình nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn châu Âu. Công ty Mekong Biotech của Bê Lô và Tố Trang thì chuyên tư vấn, chuyển giao kỹ thuật và cung cấp sản phẩm sinh học sạch cho nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Hạnh phúc thay, các con trai, con dâu đều biết ơn mẹ Jutka, và trân trọng sự bao dung, tình cảm của mẹ với đại gia đình mới của chồng. Mẹ yêu Việt Nam, vì mẹ yêu bố Phúc, yêu các con. Mẹ luôn mỉm cười những khi khó khăn nhất, trong những năm tháng chiến tranh ở Việt Nam, và cả sau này, khi làm mẹ đơn thân, rồi sống xa con cái.
Tôi nói với bà: Số phận đã gắn mẹ Jutka với Việt Nam. Chúng con cầu chúc Mẹ luôn Vui Khỏe và được hưởng Phúc Lành bên con cháu, vì mẹ đã gieo quả ngọt suốt cuộc đời!
Phan Quỳnh Anh
https://tienphong.vn/