Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thoát vị bẹn người lớn

Thoát vị bẹn là tình trạng tăng áp lực ổ bụng, ruột hoặc buồng trứng do dịch ổ bụng hoặc ruột chạy xuống, tạo thành khối phồng to ở bẹn gây nên nhiều triệu chứng khó chịu.

1. Đông y chữa bệnh thoát vị bẹn người lớn?

Bệnh thoát vị bẹn được coi là một trong những biểu hiện của chứng cô sán trong y học cổ truyền Đông y. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ can uất khí trệ hoặc tình chí thương tổn, đồng thời cũng có thể do trung khí vốn bẩm sinh của người bệnh không cân đối, gây ra sự không ổn định trong kinh mạch và sự không hành của khí trệ, từ đó dẫn đến triệu chứng thoát vị bẹn.

Trong điều trị chia thành 2 thể: Khí trệ và hư hàn.

Để điều trị chứng bệnh thoát vị bẹn, có thể dùng phối hợp các bài thuốc nam chữa thoát vị bẹn như Kim lệnh tử tán, Mộc thông, Thăng ma, Cam thảo, Lệ hạch, Quất hạch, Ô dược, Sơn chi, Bạch tiền, Ba đậu, Quế chi, Bạch thược…

Tuy nhiên, bài thuốc đông y này chỉ hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh, không thể điều trị dứt điểm bệnh và nguy cơ biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh.

2. Cách sơ cứu người bệnh thoát vị bẹn

  • Thoát vị bẹn là bệnh lý lành tính, chỉ gây khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường phát triển theo thời gian và nếu không được điều trị sớm có thể gây biến chứng như nghẹt khối thoát vị làm tắc lưu thông máu dẫn đến hoại tử ruột, viêm phúc mạc… Đây là tình trạng khẩn cấp cần phẫu thuật ngay vì có nguy cơ gây tử vong cao.
  • Các triệu chứng của tình trạng thoát vị bẹn: đau nhói đau dữ dội, đột ngột vùng thoát vị, đau lan dần xuống vùng bụng, vùng bìu, khối thoát vị không tự mất đi ngoài ra còn có các triệu chứng như: nôn, bí trung đại tiện …
    Thoát vị bẹn khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như trên bệnh nhân cần:

  • Nghỉ ngơi.
  • Không được dùng tay cố gắng đẩy khối thoát vị vào trong ổ bụng.
  • Bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời và đúng phương pháp nhằm hạn chế thấp nhất các trình trạng xấu.

3. Cách chăm sóc bệnh thoát vị bẹn người lớn

  • Sau mổ thoát vị bẹn, người bệnh cần lưu viện để được theo dõi và chăm sóc y tế tốt nhất. Trong thời gian nằm viện, người bệnh và người nhà cần tuân thủ đúng theo chỉ định chăm sóc y tế của bác sĩ, đồng thời cần lưu ý những điều dưới đây:

Chế độ ăn uống

  • Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hồi phục của bệnh nhân phẫu thuật thoát vị bẹn. Dinh dưỡng cung cấp nguyên liệu cho cơ thể sản xuất kháng thể và bạch cầu chống lại vi trùng. Bệnh nhân sau mổ thoát vị bẹn không cần phải ăn kiêng mà nên có chế độ ăn uống đa dạng, khoa học, lành mạnh nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Tuy nhiên, không nên ăn quá no trong một bữa, nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa/ngày, ăn nhiều thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây tươi… Người bệnh nên uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể, có thể uống nước lọc, sữa ấm, nước ép trái cây, sinh tố, nước cam…
  • Sau mổ, người bệnh nên kiêng đồ nếp, cay, bia rượu, cà phê, thuốc lá… Nên ăn nhiều cua, tôm để vết thương mau hồi phục.
  • Chế độ ăn uống nhiều chất xơ giúp người bệnh ít bị táo bón và hạn chế nguy cơ bị thoát vị bẹn.
    Chế độ sinh hoạt
  • Sau mổ, người bệnh được khuyến khích vận động để nhanh hồi phục và tránh các biến chứng xấu. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên đi lại và vận động nhẹ nhàng, không nên làm việc nặng, chơi những môn thể thao không đòi hỏi nhiều sức lực, hạn chế đi xe đạp vì có thể khiến tình trạng thoát vị bẹn tái phát nặng hơn.
  • Nếu gặp vấn đề về đại tiện như táo bón cần dùng thuốc thụt chứ không nên cố rặn vì có thể khiến thoát vị bẹn trở lại.
  • Không nên quan hệ tình dục sau khi vừa mới mổ mà nên kiêng 1-2 tuần và chỉ nên quan hệ nhẹ nhàng.
  • Nếu phát hiện có nguy cơ bị thoát vị bẹn trở lại cần đi lại nhẹ nhàng, không nên đi lên xuống cầu thang nhiều và nên tới bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt nhằm xử trí kịp thời bệnh.

Biến chứng sau mổ thoát vị bẹn

  • Người bệnh sau mổ thoát vị bẹn có thể gặp một số biến chứng như: máu hoặc chất dịch tích tụ trong không gian còn lại của thoát vị, sưng đau và bầm tím tinh hoàn (ở nam giới), đau và tê ở vùng bẹn do một dây thần kinh bị hư hỏng hoặc bị mắc kẹt trong khi phẫu thuật, ảnh hưởng tới việc cung cấp máu đến tinh hoàn, thiệt hại cho các ống dẫn tinh – ống mang tinh trùng đến tinh hoàn.
  • Để hạn chế tối đa các biến chứng sau phẫu thuật và sự tái phát lại của bệnh, người bệnh cần tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

4. Bệnh thoát vị bẹn người lớn có chữa khỏi không?

Thoát vị bẹn là một tình trạng bệnh lý không thể tự phục hồi mà yêu cầu phẫu thuật sớm để đạt được hồi phục. Việc phẫu thuật nên được thực hiện ngay lập tức, không phụ thuộc vào lứa tuổi, nhằm ngăn chặn biến chứng có thể xảy ra.

Người bệnh phẫu thuật thoát vị bẹn bao lâu thì khỏi?

  • Sau phẫu thuật mổ thoát vị bẹn bằng phương pháp mổ nội soi, thường chỉ sau 1 – 2 tháng, người bệnh đã có thể trở lại hoạt động bình thường. Phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn có tỷ lệ tái phát thấp.
  • Tuy nhiên, trong trường hợp phẫu thuật mổ thoát vị bẹn bằng phương pháp mổ mở thì thời gian phục hồi dài hơn so với phẫu thuật nội soi.

Mổ thoát vị bẹn có ảnh hưởng đến sinh sản hay không?

  • Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể hoàn toàn chữa khỏi và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Trong trường hợp bệnh nhân là phụ nữ, việc thụ tinh vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, mang thai có thể tạo áp lực lên ổ bụng và làm cho bệnh trở nên nặng hơn. Do đó, khi có các dấu hiệu bệnh, nên được chẩn đoán và phẫu thuật sớm.
  • Tỷ lệ tái phát thoát vị bẹn chiếm khoảng 2% tổng số ca thực hiện, thông thường sau 3 năm tính từ ngày phẫu thuật. Vậy nên, cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn, kịp thời phát hiện bất thường và xử lý trước khi diễn tiến nặng.
    Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thoát vị bẹn người lớn- Ảnh 4.Thừa cân và có khối mỡ lớn vùng bụng là một trong các yếu tố nguy cơ dẫn tới thoát vị bẹn ở người lớn.

5. Lưu ý với người béo phì, tiểu đường, mang bầu… khi mắc bệnh thoát vị bẹn người lớn

  • Người béo phì, thừa cân hoặc phụ nữ mang bầu … làm tăng áp lực lên ổ bụng nên có thể khiến bệnh dễ trở nên nặng hơn vì vậy ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt thì việc phát hiện sớm triệu chứng của thoát vị bẹn nghẹt cũng như biến chứng là rất cần thiết như: tại vùng thoát vị người bệnh đau nhói, đau dữ dội đột ngột, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện… Khi có các triệu chứng này người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất thăm khám.
  • Với những phụ nữ mang bầu cũng không nên quá lo lắng khi mắc thoát vị bẹn mà ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi vì nếu tình trạng thoát vị không gây ra bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, mẹ bầu hoàn toàn có thể đợi đến khi đã sinh con xong rồi mới bắt đầu điều trị, nếu tình trạng khiến mẹ bầu gặp khó khăn trong những sinh hoạt hằng ngày hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, thì lời khuyên được đưa ra là nên phẫu thuật và theo một số nghiên cứu phẫu thuật thoát vị trong khi mang thai được đánh giá là khá an toàn. Theo một nghiên cứu, trong vòng 30 ngày kể từ khi phẫu thuật, sự xuất hiện của tác dụng phụ hoặc sẩy thai là rất ít, thậm chí không có.
  • Đối với người tiểu đường khi mắc bệnh thoát vị bẹn cần tuân thủ điều trị bệnh lý tiểu đường và duy trì đường máu ở mức ổn định, để tránh những nguy cơ của bệnh tiểu đường sau khi phẫu thuật như: vết mổ chậm liền, nhiễm trùng vết mổ …

6. Chi phí khám chữa bệnh thoát vị bẹn?

Chi phí phẫu thuật thoát vị bẹn tại mỗi cơ sở y tế là khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng bệnh, phương pháp thực hiện, dịch vụ đi kèm, cơ sở hạ tầng và trình độ đội ngũ y tế. Vậy nên, để nhận mức giá cụ thể người bệnh nên liên hệ đến bệnh viện để được cung cấp thông tin.

BSCKII Lê Thanh Hoài
Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

 

Liên hệ nhanh