Công đoàn Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa: Sáng tạo trong lao động, tận tụy vì người bệnh

 

Công đoàn Khoa Thần kinh – Đột quỵ được thành lập ngay từ những ngày đầu thành lập khoa Thần kinh – Đột quỵ. Trải qua chiều dài gần 50 năm xây dựng và phát triển, cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội khác, Công đoàn khoa Thần kinh – Đột quỵ đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức, người lao động trong khoa. Bên cạnh đó, chất lượng các phong trào thi đua yêu nước như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ, tận tuỵ vì người bệnh” của tổ chức Công đoàn khoa Thần kinh – Đột quỵ ngày càng đi vào chiều sâu, có sức ảnh hưởng và lan toả sâu rộng, tạo động lực thúc đẩy đoàn viên, cán bộ, viên chức, người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khoa Thần kinh – Đột quỵ, xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là “Điểm đến của niềm tin và chất lượng”.

  

 

Tập thể Công đoàn khoa Thần kinh – Đột quỵ

 

Sáng tạo trong lao động


Công đoàn khoa Thần kinh – Đột quỵ hiện có 42 đoàn viên công đoàn. Hàng năm, BCH Công đoàn Khoa Thần kinh – Đột quỵ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Bệnh viện và Nghị quyết của Công đoàn Bệnh viện, phối hợp với Lãnh đạo khoa xây dựng kế hoạch, quy chế thi đua khen thưởng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó trong chẩn đoán và điều trị mang lại hiệu quả thiết thực. Các phong trào thi đua đã thu hút đông đảo các đoàn viên tích cực hưởng ứng tham gia và trở thành động lực thúc đẩy đoàn viên phát huy tài năng, trí tuệ, tích cực thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Năm 2008, với sự tích cực học tập, nghiên cứu và tham gia của đoàn viên Công đoàn,  đơn vị Đột quỵ não thuộc Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá được thành lập và đã phát huy vai trò trong việc cấp cứu và triển khai các kỹ thuật mới vào điều trị đột quỵ.Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp được cấp cứu kịp thời và điều trị tái thông tăng dần qua các năm. Cho đến nay, rất nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật cao đang được đoàn viên Công đoàn khoa Thần kinh – Đột quỵ triển khai thường quy như: Tiêu sợi huyết điều trị nhồi máu não cấp, Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire, Can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cấp, Đặt coil điều trị phình mạch não, Đặt stent điều trị hẹp động mạch cảnh ngoài sọ, Tiêm Botinium toxin điều trị co cứng sau đột quỵ, co thắt cơ nửa mặt, rối loạn trương lực cơ cổ, Phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân đột quỵ , Tiêm phóng bế rễ thần kinh chọn lọc điều trị đau rễ thần kinh….

 

 

Thăm khám và điều trị cho bệnh nhân Đột quỵ


BSCKI. Nguyễn Thị The, Chủ tịch Công đoàn Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Để các phong trào thi đua đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, Ban chấp hành Công đoàn đã đề xuất với Ban Lãnh đạo khoa tạo mọi điều kiện thuận lợi để đoàn viên được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo khoa học, mời các chuyên gia giảng viên có trình độ về truyền đạt những kinh nghiệm hay, kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh. Qua các phong trào thi đua đã góp phần đổi mới phong cách phục vụ và phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo, vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ của đoàn viên. Kết quả, giai đoạn 2020-2022, Khoa Thần kinh – Đột quỵ đã có 15 đề tài, sáng kiến của đoàn viên được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh.


Việc cứu chữa cho bệnh nhân đột quỵ não được ví như một cuộc “chạy đua” với thời gian vì “thời gian là não”. Vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới và triển khai các đề tài sáng kiến của đoàn viên Công đoàn ngay tại tuyến tỉnh rất có giá trị trong công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân, từ đó giúp người dân trong tỉnh được thụ hưởng kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu mà không phải chuyển tuyến; đồng thời giảm thời gian điều trị, tỷ lệ tử vong, tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

 

 

Bệnh nhân bị Đột quỵ hồi phục sau khi sử dụng kỹ thuật Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitaire


Giai đoạn 2020-2022, Công đoàn khoa Thần kinh – Đột quỵ có 03 đề tài có giá trị thực tiễn cao đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo: Đề tài “Đánh giá kết quả bước đầu can thiệp nong và đặt Stent động mạch cảnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa” ; “ Kết quả điều trị nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong bằng dụng cụ cơ học” của Ths.Bs. Lường Hữu Dương và đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị co cứng cơ ở chi trên sau tai biến mạch máu não bằng Tiêm Botinium toxin” của Ths.Bs. Đoàn Thị Bích.


 

Ths.Bs. Đoàn Thị Bích và Ths.Bs. Lường Hữu Dương đang thảo luận về một ca bệnh để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho bệnh nhân


Với những nổ lực không ngừng trong cải thiện chất lượng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, năm 2022, tập thể đoàn viên Công đoàn khoa Thần kinh – Đột quỵ đã nhận được chứng nhận Bạch kim (Platinum) Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao tặng. Tính đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam, Khoa Thần kinh – Đột quỵ là một trong số ít các đơn vị điều trị đột quỵ tuyến tỉnh đạt được chứng nhận Bạch kim.

 

 

Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá nhận chứng nhận Bạch kim của Hội Đột quỵ thế giới

 

 

Tận tuỵ vì người bệnh

 

Với phương châm phục vụ “Điều trị bằng trí óc, chăm sóc bằng trái tim”,  bên cạnh việc sáng tạo trong hoạt động chuyên môn, cán bộ đoàn viên Công đoàn khoa Thần kinh – Đột quỵ còn luôn luôn gương mẫu thực hiện tốt 12 điều y đức, tận tuỵ, hết lòng vì người bệnh.

 

Mỗi ngày Khoa điều trị trung bình khoảng 130-150 bệnh nhân. Chỉ tính riêng trong năm 2022, khoa tiếp nhận thu dung và điều trị nội trú cho gần 15.000 lượt bênh nhân.


Đa số các bệnh nhân vào đây là những ca bệnh nặng, bệnh nhân mất ý thức, liệt nửa người hoặc cả người do đột quỵ hoặc mắc các bệnh lý về thần kinh.… Bởi vậy, tâm lý, cảm xúc của họ và người thân luôn trạng thái buồn bã, tuyệt vọng…Do vậy, đòi hỏi nhân viên y tế phải nhanh nhẹn, bình tĩnh trong chăm sóc và ân cần trong giao tiếp ứng xử để động viên, hỗ trợ tinh thần cho người bệnh và gia đình họ. Công việc tuy áp lực, vất vả, nhưng cả 42 đoàn viên, cán bộ viên chức khoa Thần kinh – Đột quỵ vẫn hăng say, tận tụy với nghề, niềm vui của họ là thấy sức khỏe người bệnh chuyển biến tốt hàng ngày, là sự thấu hiểu của người nhà cũng như người bệnh về những công việc mà họ đang làm.

 

Đặc biệt, ngay từ những tháng đầu năm 2022, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, toàn bộ đoàn viên Công đoàn Khoa Thần kinh – Đột quỵ đã cùng với Lãnh đạo khoa chủ động triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, áp dụng mô hình “Bệnh viện chia đôi – Khoa phòng tách đôi”. Với mô hình này, khoa đã chia thành 2 khu vực: đón bệnh nhân như bình thường và đón bệnh nhân thuộc chuyên khoa nhưng bị mắc COVID-19. Trong đó, có 35 bác sỹ và điều dưỡng mắc COVID-19 đã tình nguyện ở lại Bệnh viện vừa điều trị cho mình vừa tiếp tục chữa trị, chăm sóc những bệnh nhân đang điều trị tại khoa nhưng mắc COVID-19.

 

 

Các y Bác sỹ khoa Thần kinh – Đột quỵ cấp cứu bệnh nhân vừa mắc Covid vừa mắc bệnh chuyên khoa Thần kinh – Đột quỵ


 

Nhớ lại cảm xúc của những ngày cách ly điều trị cho bệnh nhân tại khoa, Ths.Bs Đoàn Thị Bích – Phó trưởng Khoa Thần kinh – Đột quỵ chia sẻ: “Thời điểm đó dịch bệnh bùng phát dữ dội, ở khoa tôi có người, chồng là bộ đội, vợ là nhân viên y tế, con phải gửi ông bà. Có người, chồng con đều mắc COVID-19… Thế nhưng, họ đều gác lại, tình nguyện làm 1 F0 “có ích với đời” bởi vì trách nhiệm của người thầy thuốc là tận tình chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Ngoài chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi còn hỗ trợ bệnh nhân đặt cơm, nước và vật dụng thiết yếu, có những bệnh nhân không có người thân theo cùng, chúng tôi phải chăm sóc toàn diện, từ tắm rửa đến thay quần áo, vệ sinh cá nhân hàng ngày. Người bệnh cũng được động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực chiến thắng bệnh tật. Với mỗi cán bộ y tế, niềm vui của chúng tôi là sức khoẻ của người bệnh được bình phục, trở về với gia đình.”

Vất vả là vậy, nhưng khi được hỏi “Nếu dịch bệnh tiếp tục xảy ra, chị có tiếp tục xung phong vào tuyến đầu chống dịch như vừa qua không?”  Ths.Bs Đoàn Thị Bích cười và trả lời không cần suy nghĩ: “Có chứ, tôi và các anh chị em trong khoa vẫn luôn sẵn sàng trên tuyến đầu, bởi trên vai những “chiến sĩ áo trắng” luôn gánh vác sứ mệnh thiêng liêng “Lương y phải như từ mẫu”.

 

 

Ngoài khám, chữa bệnh, nhân viên y tế còn kiêm thêm phục vụ nước nóng… “order” đồ ăn… Thay bệnh nhân trả tiền nhu yếu phẩm đặt mua…khi khoa triển khai mô hình “Khoa, phòng tách đôi”


 

Tự hào là một trong những điểm sáng trong phong trào thi đua của Công đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, những năm qua tập thể và cá nhân đoàn viên Công đoàn khoa Thần kinh đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá, Công đoàn ngành Y tế Thanh Hoá. Đây là những mốc son đáng ghi nhớ trong trang sử xây dựng, trưởng thành và phát triển của Công đoàn khoa Thần kinh – Đột quỵ – tiếp nối và phát huy truyền thống của Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

                                                                                  

 

Bài và ảnh: Phòng CTXH


Liên hệ nhanh