Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật cứu sống bệnh nhân nam bị chấn thương tim, phổi, gãy nát xương vùng ngực trước do trâu húc.
Bác sĩ thăm khám và kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân sau phẫu thuật
Bệnh nhân nam tên là Nguyễn Đình M. sinh năm 1960 (trú tại xã Yên Thái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Theo lời người nhà kể lại, bệnh nhân đang trên đường đi làm về thì bị trâu húc. Ngay sau đó bệnh nhân được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng ý thức lơ mơ, da niêm mạc nhợt, huyết áp tụt, SpO2 chỉ còn 70%, đau ngực, khó thở nhiều. Nhận định bệnh nhân có thể bị chấn thương vùng ngực kín do trâu húc, có dấu hiệu chèn ép tim cấp, nguy cơ tử vong cao, ngay lập tức ê kip các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực và Gây mê hồi sức, sau đó chuyển thẳng bệnh nhân về phòng mổ cấp cứu.
Tại phòng mổ các bác sĩ tiến hành mở ngực, cưa xương ức phát hiện trong màng ngoài tim chứa máu tươi lẫn máu cục, vỡ tim, rách nhĩ phải, rách động mạch chủ trên, tràn máu, tràn khí màng phổi 2 bên và gãy nát vùng xương ức. Kíp mổ nhanh chóng hút sạch máu ngoài màng tim, khâu vết thương tim cầm máu, đặt dẫn lưu màng tim; sau đó mở khoang màng phổi 2 bên phát hiện có 300ml máu mỗi bên, các bác sĩ đã tiến hành hút sạch và đặt dẫn lưu màng phổi, dùng chỉ thép cố định lại xương ức. Trước và sau mổ bệnh nhân được truyền 5 đơn vị máu.
Sau 2 giờ tập trung căng thẳng, ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và được các bác sĩ chuyển về khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2 để chăm sóc và điều trị tích cực.
Bệnh nhân M. sau 2 tuần phẫu thuật
Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục tốt nên đã được chuyển về khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực để tiếp tục theo dõi. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định, có thể tự ăn uống, nói chuyện bình thường và dự kiến sẽ được ra viện trong một vài ngày tới.
Ths.Bs Nguyễn Tô Hoàng – Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: “Phẫu thuật cấp cứu chấn thương tim là một cấp cứu tối khẩn cấp, độ khó cao, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, xử trí nhanh, chính xác. Bên cạnh đó, chấn thương tim thường đi kèm với các tổn thương khác của lồng ngực như gãy xương sườn, xương ức, cột sống hay trong bệnh cảnh đa chấn thương: chấn thương bụng, sọ não… khiến cho tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng hơn. Trường hợp bệnh nhân M. có chấn thương tim, phổi, ngực kín rất nặng, mất nhiều máu, cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp nhanh chóng, liên hoàn và nhịp nhàng của ê kíp các y bác sĩ từ Trung tâm Cấp cứu đến Gây mê hồi sức, Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực nên đã kịp thời cứu sống bệnh nhân.”
Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận rất nhiều ca bệnh có tổn thương tim, mạch máu vô cùng phức tạp, trong đó có nhiều trường hợp đã được cứu sống một cách kỳ tích và ngoạn mục. Việc này không chỉ khẳng định chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ tỉnh nhà, mà còn góp phần giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí điều trị cho nhân dân trong tỉnh.
Bài và ảnh: Phòng CTXH