Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần RFA

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Từ đó, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng ở vùng chân, gây đau nhức nặng tức chân, biến đổi về huyết động gây loạn dưỡng sắc tố da vùng chân.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới diễn tiến âm thầm. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây vỡ mạch chảy máu, loét chân không lành, phù nề hai chi dưới…, ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh. Đặc biệt có thể gây các biến chứng nguy hiểm như huyết khối tĩnh mạch nông, có khả năng tạo cục thuyên tắc gây tắc mạch phổi có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều năm qua khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã triển khai thường quy kỹ thuật đốt sóng cao tần RFA, Laser điều trị suy giãn tĩnh mạch cho rất nhiều bệnh nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đây là những phương pháp điều trị rất hiệu quả với nhiều ưu điểm như: Thời gian thực hiện ngắn, an toàn, ít biến chứng, ít đau, tỷ lệ điều trị thành công cao, không để lại sẹo và hồi phục nhanh.

Hơn một năm nay, bác Vũ Thị Vui (63 tuổi, Thanh Miện, Hải Dương) luôn phải chịu đựng các triệu chứng nhức mỏi, tê bì, chuột rút chân phải, đặc biệt về đêm làm bác mất ngủ, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt do căn bệnh suy giãn tĩnh mạch gây ra. Khoảng 1 tuần nay, các triệu chứng này càng tăng nặng và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của bác Vui. Sau khi tìm hiểu thông tin về các cơ sở y tế điều trị bệnh lý này và được người thân đã từng điều trị tại Chẩn đoán hình ảnh BV tỉnh Thanh Hoá giới thiệu, bác Vui đã quyết định vượt gần 200 cây số để đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.

Các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh đang can thiệp đốt sóng cao tần RFA cho bệnh nhân Vũ Thị Vui 

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá kết luận bác Vui bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cấp độ C4 có chỉ định đốt sóng cao tần RFA.

Nhờ kinh nghiệm, sự chuẩn bị chu đáo và phối hợp chặt chẽ của ê kíp các bác sĩ can thiệp tĩnh mạch khoa Chẩn đoán hình ảnh, ca thủ thuật diễn ra suôn sẻ và kết thúc trong vòng một giờ với kết quả rất thành công. Ngay sau can thiệp bác Vui đã đi lại bình thường, ăn uống tốt và được xuất viện ngay sau 1 ngày.

Bệnh nhân Vũ Thị Vui được bác sĩ thăm khám sau can thiệp 1 ngày

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, giãn tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở khoảng 35% người đang làm việc, khoảng 50% người đã nghỉ hưu, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới cần được tầm soát, phát hiện và điều trị sớm để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, đảm bảo tính thẩm mỹ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tầm soát chuyên sâu về mạch máu là yếu tố tiên quyết ngăn ngừa nguy cơ bệnh lý.

Tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, việc thăm khám, chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới được thực hiện với trang thiết bị hiện đại, kết hợp phác đồ điều trị “cá thể hóa”, áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị như: Điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc laser hay sóng cao tần nội mạch nhằm loại bỏ tĩnh mạch bị bệnh… giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, các kỹ thuật hiện đại này được BHYT thanh toán chi phí điều trị.

Bài và ảnh: Phòng CTXH

Liên hệ nhanh