[E-Magazine] – Chuyện của những “Chiến binh” trở về từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh

 

 

 

Gác lại tâm tư về người cha già tuổi cao lại có nhiều bệnh nền, con nhỏ đang cần sự quan tâm săn sóc, dạy bảo của người cha, ròng rã gần 2 tháng qua, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, Phó Trưởng đoàn cán bộ y tế đợt 1, cùng các đồng nghiệp mang tâm thế xung kích, tình nguyện, bằng tất cả tâm và sức đã lên đường “Nam tiến” hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ thành phố sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

 

 

 

Bác sĩ Dũng chia sẻ: Đoàn cán bộ y tế tỉnh Thanh Hoá được chi viện tới Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (đặt tại bệnh viên Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2) – là nơi điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường bệnh, trong đó có 100 giường ICU, sau đó nâng lên 200 giường ICU. Lực lượng nòng cốt của bệnh viện là nhân lực từ 3 bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhân dân 115. Mô hình hoạt động của bệnh viện chia 2 bộ phận gồm: Kế hoạch hành chính, hậu cần; Bộ phận chuyên môn có 9 khoa lâm sàng (4 khoa ICU, 5 khoa bệnh nhân nặng) và bộ phận cận lâm sàng.

 


Đoàn Thanh Hóa có 59 người làm việc trong nhóm của Bệnh viện Nhân dân 115 tại 3 khoa lâm sàng (khoa Điều trị tích cực ICU có 16 người gồm 7 bác sĩ và 9 điều dưỡng; 2 khoa bệnh nhân nặng có 41 người gồm 1 bác sĩ và 40 điều dưỡng) và 2 người chỉ huy, hậu cần; là 1 trong những đoàn có mặt sớm nhất tại TP Hồ Chí Minh, tham gia công tác chuẩn bị để triển khai hoạt động của bệnh viện, tham gia vào xây dựng mô hình hoạt động của bệnh viện và các quy trình công tác.

 

 

Công việc hằng ngày của bác sĩ, điều dưỡng trong đoàn là tổ chức cấp cứu cho bệnh nhân nguy kịch, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nặng, thường xuyên phải thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật về hồi sức tim phổi, lọc máu, mở khí quản, đặt nội khí quản, chăm sóc thở máy… cho đến những công việc như cho bệnh nhân ăn uống, cắt tóc, chải đầu, vệ sinh cá nhân; chuyển tuyến, vệ sinh khoa phòng; hồ sơ bệnh án, lĩnh phát thuốc, tiếp nhận tài trợ, báo ăn hàng ngày cho nhân viên và người bệnh… Với lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc lớn, môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng các y bác sĩ chưa bao giờ nản chí và có ý định bỏ cuộc. Chính thời gian tham gia cứu chữa bệnh nhân tại đây đã giúp đội ngũ y bác sĩ có thêm nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

 

 

Bác sĩ Dũng xúc động nhớ lại, vì là ở khoa tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch nên đội ngũ y tế ở đây luôn phải cẩn thận theo dõi từng thông số trên máy thở, chỉnh từng bình truyền, bơm từng lọ thuốc cho bệnh nhân. Trong “trận chiến” này, mọi nỗ lực đều được tính bằng phút, bằng giây, bởi lằn ranh giữa sự sống và cái chết của người bệnh rất mong manh, có những bệnh nhân COVID-19 trở nặng rất nhanh. Và điều khiến bác sĩ Dũng ám ảnh nhất chính là việc bất lực trước “mong muốn được sống” của người bệnh – “em ơi, cứu chị, con của chị còn rất nhỏ cần người chăm sóc!”. Rồi những lần phải gọi điện thông báo cho người nhà bệnh nhân về sự ra đi của của người thân của họ… Chính bản thân anh đã không ít lần phải đè nén cảm xúc, giữ cho mình cái đầu thật lạnh, để tiếp tục công việc và tiếp tục tiến về phía trước, vì ở đó, có rất nhiều bệnh nhân đang chờ…, để tiếp thêm động lực, thêm hy vọng cho những người còn có cơ hội sống.

 

 

Gần 2 tháng là quãng thời gian “trải nghiệm” khó quên trong cuộc đời bác sĩ Đinh Hoàng Anh (Bệnh viện Nhi Thanh Hoá). Dù mới chỉ một lần đặt chân tới thành phố mang tên Bác trong một lần đi hội thảo, nhưng cái tên với câu chuyện của những con người nơi ấy thì luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, những ngày thành phố đang “gồng mình” chống dịch, bác sĩ Hoàng Anh đã xung phong vào tâm dịch với mong muốn được góp sức nhỏ bé hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch.

 


Bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ: Ai vào hoàn cảnh mình cũng thế thôi, các bạn trong khoa mình xung phong đi rất nhiều, rồi với sự chia sẻ, thấu hiểu của vợ và gia đình đã tạo điều kiện cho mình lên đường làm nhiệm vụ. Trước lúc lên đường cũng đã xác định được những khó khăn sẽ gặp, nhưng không ngờ tới nơi mới thấy “cuộc chiến” này quá khốc liệt. Sau khi đến bệnh viện mình được bố trí vào làm việc tại khoa ICU 2B của Bệnh viện Nhân dân 115. Khi đến nơi, tất cả mọi thứ đều ngổn ngang, thiếu thốn, anh em trong khoa phải cùng nhau đi đẩy giường bệnh, máy thở… để chuẩn bị đón những bệnh nhân đầu tiên ngay đầu giờ chiều. Là khoa tiếp nhận điều trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch từ các bệnh viện xung quanh chuyển đến nên công việc chính là đón bệnh mới, hồi sức, điều trị tích cực những bệnh nhân nặng tuyến dưới chuyển lên, hầu hết bệnh nhân phải hỗ trợ hô hấp như thở oxy lưu lượng cao, thở máy… chỉ cần một chút lơ là, bệnh nhân sẽ tử vong.

 

 

Khoa ICU 2B luôn trong tình trạng quá tải, nhiệm vụ được phân công là điều trị 40 bệnh nhân nhưng lúc nào cũng có 50 đến 52 bệnh nhân và chỉ có 6 đến 8 bác sĩ, điều dưỡng cho một kíp phụ trách điều trị. Do thiếu trầm trọng nhân viên y tế nên bác sĩ phải làm luôn công việc của các điều dưỡng, điều dưỡng làm cả việc của hộ lý…, hàng ngày chia 3 ca 4 kíp, 2 ca sáng – chiều 8 tiếng, ca đêm dài hơn chút là 10 tiếng, giờ ăn trưa thường vào lúc 16h, còn ăn tối lúc 23h.

 

 

Cũng trong thời gian làm việc tại đây, bác sĩ Đinh Hoàng Anh đã bị nhiễm COVID-19, sợ gia đình lo lắng nên cũng không dám gọi điện về nhà. Sau 8 ngày điều trị, cho kết quả âm tính, theo dõi sức khoẻ thêm 3 ngày, bác sĩ Đinh Hoàng Anh lại tiếp tục lăn xả vào “cuộc chiến” cùng đồng nghiệp. “Khi biết mình phơi nhiễm, lúc đầu cũng lo nhưng rồi nghĩ bản thân lại là bác sĩ nên cũng yên tâm phần nào. Mình phơi nhiễm khi công việc đang vô cùng quá tải, kíp của mình lúc đó còn có 5 bác sĩ, thương anh em vô cùng, chỉ mong nhanh chóng hồi phục để không làm gánh nặng cho mọi người, để cùng nhau cố gắng giành giật sự sống cho bệnh nhân” – Bác sĩ Đinh Hoàng Anh tâm sự.

 

Hồi ức thanh xuân mà điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Giang, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã trải qua nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh có lẽ sẽ không bao giờ có thể xoá nhoà. Ngày đầu bắt tay vào công việc với biết bao cảm xúc hỗn độn. Hành trăm câu hỏi đặt ra trong đầu – bệnh nhân COVID-19 có những triệu chứng như thế nào? Điều trị hồi sức tích cực ra sao? Thuốc liều dùng có gì đặc biệt không? Việc phòng hộ sẽ ra sao khi tiếp xúc với bệnh nhân quá gần và trong thời gian dài đến vậy? Và rồi khi bắt tay vào làm việc, bản thân bị cuốn theo từng ca cấp cứu, cuốn vào chiếc xe tiêm, hay đơn giản làm các công việc chăm sóc bệnh nhân toàn diện cũng đủ khiến cho Linh Giang cảm thấy thời gian trôi thật nhanh.

 

 

Với đặc thù là bệnh truyền nhiễm nên bệnh nhân không được sự chăm sóc từ người nhà. Tâm lý hoang mang, tủi thân, suy nghĩ tiêu cực cùng với việc mệt mỏi do virus tấn công làm tình trạng bệnh của họ thêm trở nặng. Là bệnh viện tuyến cuối hồi sức cho bệnh nhân COVID-19, hầu hết bệnh nhân ở đây đều phải thở oxy và không thể tự sinh hoạt cá nhân. Ngoài công việc tiêm thuốc, thực hiện y lệnh điều trị cho bệnh nhân, chăm sóc toàn diện người bệnh với những công việc không tên: động viên tinh thần bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn, uống sữa, thay bỉm tã cho bệnh nhân, rồi cắt tóc, lau người, gội đầu…

 

 

Còn nhớ, đợt mới vào, Bệnh viện mới đi vào hoạt động, trang thiết thiếu thốn, nhân lực mỏng. Ngày đầu tiên khoa A6 nhận bệnh nhân, 65 giường được lấp đầy trong vòng 1 đêm. Đó cũng là đêm trực đầu tiên của Linh Giang. Hôm đó là đêm tăng cường do bệnh nhân vào quá nhiều, dù đã làm nguyên 1 ngày trên viện nhưng 12h đêm vẫn tiếp tục lên xe vào viện. Trong bộ đồ bảo hộ cấp 3, cấp 4 không 1 kẽ hở gây cảm giác ngột ngạt, di chuyển khó khăn. Nhưng sau tất cả khi bước vào buồng bệnh, Linh Giang cùng các đồng nghiệp không còn thời giờ để cảm nhận những điều khó chịu đó nữa. Bệnh nhân vào nhiều, hầu hết là người lớn tuổi nhiều bệnh nền, thể trạng yếu cùng với tinh thần không hợp tác do thiếu hiểu biết nên những điều dưỡng thường xuyên phải giải thích, động viên, khích lệ bệnh nhân yên tâm hợp tác điều trị. Một buổi trực mệt nhoài, do tiếp nhận và thực hiện các y lệnh điều trị… Rồi mối nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập, bởi mọi công tác chăm sóc bệnh nhân đều diễn ra với khoảng cách gần, mặt khác bệnh nhân ở đây đều là những bệnh nhân nặng, khó thở nhiều, việc ho, thở hắt vào mặt hay người là chuyện bình thường. Có những ca cần đặt nội khí quản thì nguy cơ lây nhiễm còn cao hơn…

 

 

Khó khăn là vậy. Nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc khi bệnh nhân vượt qua bạo bệnh, có thể hoà nhập với cộng đồng, đoàn tụ với gia đình là nguồn động viên an ủi to lớn nhất đối với mỗi y bác sĩ. Những cái nắm tay, câu cảm ơn hay chỉ là những giọt nước mắt không thể cầm được. Những nụ cười khi được báo tin “Cô A chuẩn bị đồ đạc ngày mai được xuất viện cô nha”… là nguồn động lực to lớn để chúng tôi vững bước tiếp tục trên con đường bảo vệ sức khoẻ cộng đồng – điều dưỡng Linh Giang chia sẻ thêm.

 

 

Còn đối với Điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được phân công chăm sóc bệnh nhân nặng tầng 5, ngay ngày đầu tiên tiếp nhận 20-30 bệnh nhân nặng. Sau 2 ngày đã kín 62 giường với lực lượng mỏng chỉ 4-5 điều dưỡng và 2 bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân trong điều kiện hộ lý không có, nhân viên môi trường không có. Bác sĩ phải làm cả việc của điều dưỡng và điều dưỡng làm cả những công việc của hộ lý, vệ sinh khoa phòng, vệ sinh cho bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống… vì đặc thù của bệnh nhân COVID-19 là không cho người thân vào chăm sóc. Chính họ cũng đã có những phút giây sợ hãi khi cường độ công việc quá lớn, nguy cơ quá cao, có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào, trong khi bệnh nhân nặng cứ ồ ạt được chuyển đến, có những bệnh nhân quá yếu không thể khai thác được thông tin, không có giấy tờ tùy thân…

 

 

Rồi nỗi ám ảnh với bộ quần áo bảo hộ, những chiếc khẩu trang thít chặt vào tai, vào mặt, vào đầu, để lại những vết hằn mỗi ngày một thêm sâu. Những nỗi ám ảnh khi phải tự tay chụp ảnh khuôn mặt của bệnh nhân tử vong gửi cho trưởng, phó khoa để làm giấy báo tử… Sau những ngày đầu bối rối, dần dần mọi thứ đi vào quỹ đạo, đã có thêm nhiều đoàn y, bác sĩ từ các tỉnh thành trong cả nước và hỗ trợ TP Hồ Chí Minh; các sinh viên tình nguyện, các sơ… đã cùng chung tay tình nguyện tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân.

 

 

Điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân Quý đã không quên được trường hợp một bệnh nhân sau những ngày chiến đấu với COVID-19 đã khỏi bệnh, được cho xuất viện về nhà nhưng thay vì vui mừng, thì chính bệnh nhân này đã xin được ở lại bệnh viện vì những người thân trong gia đình anh đã mất vì COVID-19, nhà anh ở chung cư cao tầng đang bị phong tỏa, bản thân anh không biết đi đâu, về đâu. Quý cũng nhận ra sâu sắc một điều – sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình – đại dịch đã làm thay đổi và cướp đi quá nhiều thứ, để lại không ít đau thương và mất mát. Nhưng bên cạnh những mất mát, đau thương, những nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ, đã có những niềm vui không nhỏ khi hàng ngày có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện, về nhà… Đây là động lực để chị Quý cùng đồng nghiệp tiếp tục nỗ lực để góp một phần nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

 

 

Nhận xét về họ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Sỹ khẳng định: Thực hiện lời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh Thanh Hoá, nhiều “chiến binh áo trắng” đã xung phong lên đường vào tâm dịch. Họ đều là những cán bộ y tế có kinh nghiệm, có bản lĩnh vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn tốt, có tình thương và lòng nhân ái với bệnh nhân. Họ đã hy sinh những quyền lợi cá nhân để xung phong lên đường vào tâm dịch mà không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm.

 

 

Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hoá, Trưởng đoàn công tác, cho biết: Đoàn cán bộ y tế Thanh Hóa đã làm việc theo tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp phần cứu sống và điều trị khỏi bệnh cho rất nhiều bệnh nhân, được ngành Y tế và người dân TP Hồ Chí Minh đánh giá cao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, được trở về, vẫn có 1 số anh chị em trong đoàn xung phong ở lại để tiếp tục cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch COVID-19. Những “chiến binh ” trở về mang theo rất nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây sẽ là những nguồn nhân lực quý giá cho các cơ sở y tế trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.


 

 

Tôi còn nhớ rõ ngày tiễn họ lên đường. Sự vô tư đọng lại trong ánh mắt, nụ cười của những thầy thuốc phải xa gia đình, người thân, đồng nghiệp…, bỏ lại đằng sau những lo toan bộn bề của cuộc sống đời thường, xung phong lên đường vào hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh. Để rồi, gần 2 tháng “chiến đấu” kiên cường giữa tâm dịch, ngày đón họ trở về, trong ánh mắt, nụ cười ngày gặp mặt dường như có thêm sự từng trải và kiên định. 2 tháng có thể chỉ là quãng thời gian không dài, nhưng những gì họ đã trải qua và đọng lại – với mồ hôi, nước mắt, sức khỏe, tinh thần, cảm xúc và trí tuệ trong một hoàn cảnh đặc biệt, làm nhiệm vụ đặc biệt – sẽ mãi là một đoạn hồi ức không bao giờ quên trên hành trình cuộc đời và hành trình hành nghề của mỗi người thầy thuốc.

 

Nội Dung: Tô Hà

Ảnh: Tô Hà Và Nhân Vật Cung Cấp

Đồ Họa: Mai Huyền

Xuất Bản: 4:23 Chiều Thứ Năm (22/9/2021)


Liên hệ nhanh