Hội thảo trực tuyến chuyên đề: Tiếp cận, chẩn đoán và xử trí bệnh nhân hôn mê

Hội thảo trực tuyến chuyên đề “Tiếp cận, chẩn đoán và xử trí bệnh nhân hôn mê”

Hôn mê báo hiệu tình trạng nguy kịch xảy ra do các thay đổi bất thường trong khả năng đáp ứng của não bộ với các hoạt động tại các cơ quan trong cơ thể mà nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương và các bệnh chuyển hóa. Việc chẩn đoán và xử trí hôn mê cần được thực hiện kịp thời, đúng quy trình để tránh tổn thương và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bệnh nhân.


Với mục đích nâng cao kỹ năng về nhận biết và xử trí bệnh nhân hôn mê cho các Bác sĩ, chiều ngày 16/4/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo trực tuyến về “Tiếp cận, chẩn đoán và xử trí bệnh nhân hôn mê”. Hội thảo được tổ chức trực tuyến giữa các điểm cầu: Hội trường giao ban Bệnh viện, phòng Hội thảo Trung tâm Cấp cứu, phòng Hội thảo khoa Hồi sức tích cực 1 và tại các phòng giao ban của các Khoa, Trung tâm trong Bệnh viện với đông đảo các Bác sĩ tham dự.

 

Tại đầu cầu phòng Hội thảo Trung tâm Cấp cứu


Tại Hội thảo, các thành viên tham dự được nghe các bài báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán và xử trí bệnh nhân hôn mê của các Bác sĩ: Tiến sĩ Lê Văn Cường – Phó Giám đốc Bệnh viện, Tiến sĩ Phạm Phước Sung – Trưởng phòng ĐT-CĐT, Ths.Bs Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa HSTC 1, BsCKII Nguyễn Hoành Sâm – Trưởng khoa Thần kinh Đột quỵ, BsCKII Lưu Ngọc Hùng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực 2.


Trong phần trình bày của mình, Ths.Bs Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 nhấn mạnh. Hôn mê có thể xảy ra do nguyên nhân bệnh lý hoặc chấn thương và có thể kéo dài từ nhiều ngày đến nhiều tuần, trong trường hợp nặng có thể kéo dài hơn 5 tuần, cũng có trường hợp kéo dài nhiều năm. Người bệnh có thể dần dần tỉnh dậy sau hôn mê hoặc tiến triển sang có biểu hiện người sống thực vật, thậm chí có thể tử vong. Tiến triển của hôn mê hoặc đời sống thực vật phụ thuộc vào nguyên nhân, vị trí, độ nặng và độ lớn của tổn thương thần kinh. Các biến chứng có thể phát triển trong thời gian hôn mê bao gồm đau áp lực, nhiễm trùng tiết niệu và viêm phổi. Hôn mê là một tình trạng cấp cứu, vì vậy cần phải được chăm sóc y tế kịp thời để bảo vệ sự sống và chức năng não. Vì vậy, để phòng ngừa hôn mê do bệnh lý mạn tính bằng cách có chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý để tăng cường sức khỏe, tuân thủ điều trị, tái khám thường xuyên đúng theo lịch hẹn để giảm thiểu biến chứng như hôn mê do đái tháo đường. Để phòng ngừa hôn mê do chấn thương bằng cách tránh các hành vi nguy cơ cao như không tuân thủ luật lệ giao thông khi tham gia lưu thông trên đường.

 

Tại đầu cầu phòng giao ban Bệnh viện


Phát biểu kết luận tại Hội thảo, BsCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện yêu cầu các Bác sĩ thông qua những nội dung được chia sẻ và tiếp thu tại Hội thảo để nâng cao năng lực cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, nhất là đối với những trường hợp bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân hôn mê. Bên cạnh đó, đồng chí cũng yêu cầu phòng ĐT-CĐT tiếp tục tổ chức các chương trình Hội thảo chuyên đề thông qua hình thức trực tuyến trong thời gian dịch bệnh Covid-19 để kịp thời cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc được giao cho các Bác sĩ đặc biệt là đối tượng Bác sĩ trẻ tại các Khoa, Phòng, Trung tâm.

Được biết, việc tổ chức các Hội thảo chuyên môn là hoạt động thường xuyên, liên tục tại Bệnh viện. Từ khi có dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện đã chuyển đổi sang hình thức Hội thảo trực tuyến nhằm hạn chế tụ tập đông người. Đây cũng là một trong số các module thuộc Dự án “Đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa” dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2020 nhằm hướng tới xây dựng “Bệnh viện thông minh, Bệnh viện không giấy tờ”.


Bài và ảnh: Phòng KHTH

 

 

 

Liên hệ nhanh