Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp cộng với số ca bệnh tăng nhanh, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, bệnh nhân nặng cấp cứu và được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Đứng trước “mệnh lệnh” cứu người, khoa Bệnh nhiệt đới được kích hoạt để điều trị cho nhóm bệnh nhân này.
Những bệnh nhân nặng chỉ được phát hiện nhiễm Covid-19 trong quá trình mổ, hậu phẫu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.
Đối với số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đều làm test nhanh kháng nguyên. Mặc dù khi test nhanh cho kết quả âm tính SARS-CoV-2, thế nhưng trong quá trình phẫu thuật cấp cứu, phát hiện nhiều người trong số này dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm PCR. Trong tình hình cấp bách, nguy kịch của bệnh nhân, câu hỏi đặt ra đối với lãnh đạo bệnh viện là chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện điều trị Covid-19 hay tiếp tục tiến hành phẫu thuật?
Đây là trường hợp cháu P T K N ở xã Hoá Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, cháu nhập viện trưa ngày 18/12 trong tình trạng chấn thương sọ não, rất nặng, phải mổ kịp thời. Trường hợp này chỉ phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 khi đội ngũ y, bác sĩ đang tiến hành mổ và hậu phẫu.
Ông Lê Văn Sĩ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho hay: “Trường hợp này, không thể chuyển ngay xuống bệnh viện Covid số 1 được vì cháu trong tình trạng nguy kịch và phải hồi sức tích cực cẩn thận may chăng mới có thể cứu sống. Trong tình huống đó, chúng tôi đã báo cáo với Thường trực Ban chỉ đạo, Giám đốc Sở Y tế, được phép để bệnh nhân này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Cũng trong đêm 18/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tiếp nhận một trường hợp tương tự. Bệnh nhân là nam 77 tuổi, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá nhập viện do viêm ruột thừa, cần mổ ngay. Khi xét nghiệm cả người nhà bệnh nhân đều âm tính với test nhanh nhưng trong quá trình chờ mổ làm PCR dương tính.
Câu hỏi đặt ra là, trong tình huống bất khả kháng, không thể chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện điều trị Covid số 1, nhưng để bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị, thu dung thì biện pháp nào đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh?
Theo dõi điều trị bệnh nhân nặng nhiễm Covid-19 tại Khoa Bệnh nhiệt đới.
Trước thực tế này, lãnh đạo bệnh viện quyết định kích hoạt Khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị các bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu vào khám điều trị phẫu thuật, cùng với đó đơn vị đã chuẩn bị một số lượng khoảng 50 giường ICU khi kích hoạt thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 được phát hiện trong quá trình điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới.
Đối với nhân viên y tế trong tình huống cấp bách điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 như trên sẽ thế nào? Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Thực hiện chuyển bệnh nhân thường đi nơi khác và chỉ điều trị bệnh nhân Covid-19, trong quá trình điều trị phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh”.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng lên phương án trong tình huống trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nếu nhân viên y tế là F1, việc cách ly tại Bệnh viện hoặc tại nhà, sau 7 ngày cách ly, nếu các lần xét nghiệm RT-PCR âm tính thì nhân viên y tế trở lại làm việc và tự theo dõi sức khỏe; trường hợp nhân viên y tế là F2 sẽ tiếp tục công tác để đảm bảo nhân lực phục vụ người bệnh, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc 5K, hạn chế tiếp xúc và giao tiếp xã hội, thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, thực hiện giãn cách trong các kíp làm việc, tự theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR theo quy định.
Từ nay đến Tết Dương lịch, Tết âm lịch, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca tăng cao thì các cơ sở y tế không chỉ bệnh viện đa khoa tỉnh mà nhiều cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá sẽ đối mặt các tình huống cấp bách. Xác định tình hình và định lượng tình huống trong công việc chuyên môn điều trị, cách ly, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch và cứu chữa bệnh nhân là cần thiết hơn lúc nào hết./.
Nguồn tin: Sỹ Đức/VOV1
(https://vov.vn)