Mới đây, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, dưới sự hỗ trợ chuyên môn từ Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Luân – Chủ tịch Chi hội Điện quang Can thiệp TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Chi hội điện quang can thiệp Việt Nam đã triển khai thành công kỹ thuật tiêm cồn tuyệt đối điều trị dị dạng mạch máu ngoại biên cho ba trường hợp bệnh nhân điển hình. Thành công này không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng về chuyên môn mà còn mở ra hướng điều trị mới, ít xâm lấn nhưng mang lại hiệu quả cao cho những bệnh nhân mắc dị dạng mạch máu ngoại biên – một trong những bệnh lý bẩm sinh phức tạp, từng là thách thức lớn trong y học hiện đại.
Các bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật tiêm cồn tuyệt đối điều trị dị dạng mạch máu ngoại biên cho bệnh nhân dưới hướng dẫn của DSA
Trường hợp thứ nhất là em N.T. T. H (17 tuổi, xã Minh Tâm, huyện Vĩnh Lộc), nhập viện với chẩn đoán dị dạng mạch máu vùng gối trái. Khối u đã tồn tại nhiều năm, gần đây phát triển to nhanh, gây đau âm ỉ và hạn chế vận động.
Trường hợp thứ hai là em L.T.N.Q. (17 tuổi, huyện Triệu Sơn)với chẩn đoán dị dạng mạch máu vùng cánh tay phải, khối u ngày càng lớn và gây đau nhức thường xuyên.
Trường hợp thứ ba là bệnh nhi P.T. D (5 tuổi, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) với chẩn đoán dị dạng mạch máu vùng cổ chân trái, gây sưng đau và ảnh hưởng khả năng đi lại, đã từng phẫu thuật nhưng kết quả chưa khả quan.
Các ca bệnh đều là những trường hợp có khối dị dạng lớn, sâu và phức tạp, gây đau kéo dài, hạn chế vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.
Sau hội chẩn kỹ lưỡng, cả ba bệnh nhân được chỉ định tiêm xơ bằng cồn tuyệt đối dưới máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Sau thủ thuật, tình trạng đau được kiểm soát hoàn toàn, chức năng vận động của bệnh nhân được phục hồi, không ghi nhận biến chứng và bệnh nhân được xuất viện an toàn sau 48 giờ theo dõi.
Các bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật tiêm cồn tuyệt đối điều trị dị dạng mạch máu ngoại biên cho bệnh nhân dưới hướng dẫn của DSA
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Hòa – Phó Trưởng phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến cho biết: “Dị dạng mạch máu ngoại biên là bất thường bẩm sinh, tiến triển âm thầm, thường gây đau, sưng nề và biến dạng chi thể. Trước đây, bệnh chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật, nhưng hiệu quả còn hạn chế và nguy cơ tái phát cao”
“Trong những năm gần đây, can thiệp nội mạch, đặc biệt là tiêm cồn tuyệt đối, đã trở thành hướng đi tối ưu nhờ khả năng gây xơ hóa mạnh, làm teo nhỏ khối dị dạng, ít xâm lấn, nhanh hồi phục và đặc biệt giữ được thẩm mỹ cho người bệnh, điều rất quan trọng với bệnh nhân trẻ tuổi”, bác sĩ Hòa cho biết.
“Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và sự am hiểu sâu sắc về giải phẫu mạch. Nếu thao tác không chuẩn xác, nguy cơ biến chứng có thể rất nghiêm trọng như hoại tử mô, rối loạn thần kinh và nhiều biến chứng nặng nề khác. Chính vì vậy, hiện nay trên thế giới vẫn có rất ít trung tâm đủ năng lực triển khai kỹ thuật này một cách an toàn”, bác sĩ Hòa chia sẻ thêm.
Việc thực hiện thành công kỹ thuật tiêm cồn tuyệt đối không chỉ giúp người bệnh tại Thanh Hóa được tiếp cận phương pháp điều trị hiện đại ngay tại địa phương, mà còn minh chứng cho nỗ lực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong việc không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, đưa các kỹ thuật cao, chuyên sâuđến gần hơn với người dân.
Từ ba ca bệnh đầu tiên được điều trị hiệu quả, Bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai kỹ thuật này một cách bài bản, mở ra cơ hội điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc dị dạng mạch máu ngoại biên phức tạp trong tỉnh và khu vực.
Bài và ảnh: Phòng CTXH