Bệnh lý gan mật và tụy là bệnh lý khá phổ biến và ngày càng gia tăng ở nước ta. Việc này đang trở thành một vấn đề lớn trong công tác điều trị cũng như dự phòng tại các cơ sở y tế vì nhiều trường hợp, bệnh rất khó được chẩn đoán, nhất là ở giai đoạn sớm. Vì thế, việc chẩn đoán và điều trị có tính chất chuyên khoa sâu là rất cần thiết.
Thời gian qua, dưới sự hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành tuyến Trung ương, khoa Ngoại Tiêu hoá – Gan mật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã triển khai ứng dụng thành công nhiều tiến bộ mới trong phẫu thuật và can thiệp ít xâm lấn, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị đa mô thức các bệnh lý gan mật tuỵ cho nhân dân trong tỉnh.
Mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa, Gan mật – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa thực hiện thành công 3 ca phẫu thuật khó: Phẫu thuật nội soi lấy sỏi đường mật trong và ngoài gan có sử dụng ống soi mềm và ống nối mật – da cho bệnh nhân cao tuổi; Phẫu thuật cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi bằng ống soi mềm và tán sỏi đường mật bằng laser và Phẫu thuật cắt thùy gan trái trên bệnh nhân có sỏi nhiều dẫn đến xơ hóa và áp xe gan, nguy cơ dẫn tới ung thư gan rất cao.
Ê kíp cấc bác sỹ đang thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân Thiều Đình H.
Theo đó, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Phạm Thị L. (85 tuổi, Quảng Trường, Quảng Xương). Trước 5 ngày vào viện, bệnh nhân sốt nhẹ, thấy đau bụng vùng hạ sườn phải âm ỉ, bụng chướng nhẹ có lúc quặn thành cơn, da vàng. Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và được chuyển vào điều trị nội trú tại khoa Ngoại Tiêu hoá – Gan mật.
Qua thăm khám, làm xét nghiệm và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy bệnh nhân có ống mật chủ giãn, trong có sỏi, đường mật gan phải có sỏi, túi mật giãn, thành mỏng trong có sỏi có kích thước 8×4 cm. Các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt túi mật lấy sỏi đường mật trong và ngoài gan có sử dụng ống soi mềm và ống nối mật – da.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Thiều Đình H. (50 tuổi, Thiệu Công, Thiệu Hóa) trước nhập viện 1 tháng, bệnh nhân liên tục có triệu chứng đau bụng vùng hạ sườn phải, sốt nhẹ, bụng chướng nhẹ có lúc quặn thành cơn, da vàng.
Kết quả các xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính cho thấy ống mật chủ của bệnh nhân giãn, trong có sỏi, đường mật gan phải có sỏi, túi mật giãn, thành mỏng trong có sỏi có kích thước 6×3 cm. Bệnh nhân được chẩn đoán sỏi đường mật kèm theo viêm túi mật.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ mở cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi bằng ống soi mềm và tán sỏi đường mật bằng laser.
Cả hai trường hợp bệnh nhân trên, đặc biệt là bệnh nhân Phạm Thị L. dù tuổi cao nhưng sau phẫu thuật sức khoẻ bệnh nhân đều hồi phục rất tốt. Sau 5 ngày phẫu thuật, các chỉ số xét nghiệm đã trở lại bình thường, dẫn lưu Kehr lưu thông tốt. Kết quả chụp đường mật qua Kehr không rò mật, đường mật trong gan không viêm, sạch sỏi. Bệnh nhân Phạm Thị L. đã được ra viện và bệnh nhân Thiều Đình H, dự kiến xuất viện vào ngày 03/7 tới đây.
Ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân Lê Thị Q.
Bệnh nhân thứ 3 là Lê Thị Q. (65 tuổi, Quảng Thọ, Sầm Sơn) nhập viện trong tình trạng đau bụng hạ sườn phải, đau liên tục, mức độ ngày càng tăng, da vàng, bụng chướng nhẹ.
Kết quả xét nghiệm và chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân cho thấy đường mật trong gan giãn, trong có nhiều sỏi, sỏi đường mật và ống mật chủ giãn 15mm và bên trong có nhiều sỏi kích thước 12x15mm. Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan trái, tắc mật, viêm túi mật do nhiều sỏi nguy cơ ung thư gan rất cao.
Ê kíp các bác sỹ đã tiến hành cắt thuỳ gan trái, cắt túi mật lấy sỏi kết hợp nội soi ống mềm tán sỏi trong mổ và dẫn lưu Kehr. Sau 5 ngày phẫu thuật, hiện tại sức khoẻ bệnh nhân hồi phục tốt, các chỉ số xét nghiệm đã trở lại bình thường, dẫn lưu Kehr lưu thông tốt. Bệnh nhân đã ra viện ngày 30/06.
Các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa – Gan mật hướng dẫn chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho bệnh nhân sau xuất viện.
BSCKII. Lê Quốc Kỳ – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá, Gan mật cho biết: Cả ba trường hợp bệnh nhân trên đều có rất nhiều sỏi trong túi mật và ống mật chủ. Nếu bệnh nhân không chữa trị kịp thời, túi mật có thể bị viêm, tắc mật, vàng da. Thậm chí, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng hoại tử túi mật, dịch mật thấm ra ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.
“Để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý về sỏi túi mật và ống mật chủ, khi có dấu hiệu sau, người dân cần đến cơ sở y tế để thăm khám: Đau bụng, sốt không rõ nguyên nhân, vàng da, vàng mắt. Hoặc có các triệu chứng khác của sỏi ống mật chủ như: Phân bạc màu hoặc chuyển màu, nước tiểu sậm màu, ăn mất ngon, buồn nôn và ói mửa kèm theo cảm giác đau sườn bên phải.
Để phòng tránh các bệnh lý về sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, người dân cần có chế độ ăn uống cân đối dinh dưỡng, nhiều rau xanh, hạn chế bia rượu, đồ uống có gas, tập thể dục thường xuyên”. – Bs Kỳ chia sẻ thêm.
Thời gian qua, với việc không ngừng cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn, với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu chuyên ngành Tiêu hoá, Gan mật như: cắt khối tá tụy, cắt gan mở và nội soi, phẫu thuật nối mật ruột, tán sỏi qua Kehr, dẫn lưu đường mật da, tán sỏi đường mật qua da; phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn (TEP) ; phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày, nội soi cắt túi mật …góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện, giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ chuyên sâu ngay tại địa phương.
Bài và ảnh: Phòng CTXH