Các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân L.T.T 58 tuổi, ở huyện Quảng Xương, bị sa bàng quang độ 3, bằng phương pháp đặt lưới treo bàng quang qua lỗ bịt. Bằng phương pháp này, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi chức năng tiểu tiện và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thạc sĩ, bác sĩ Đậu Trường Toàn – Khoa Ngoại Tiết niệu tham khám cho bệnh nhân trước khi ra viện
Trước đó, bệnh nhân L.T.T thấy xuất hiện có khối phồng tụt ngoài âm hộ, khối phồng này ngày một tiến triển to lên gây vướng víu, khó chịu khi đi lại. Thêm vào đó, bà T. gặp phải tình trạng tiểu khó, tiểu không hết, mỗi lần đi tiểu, bà phải dùng tay ấn đẩy khối sa vào trong mới có thể tiểu hết, việc này gây rất nhiều phiền toái và khó chịu cho bệnh nhân trong sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống cũng như tâm lý của bệnh nhân.
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, Thạc sĩ, bác sĩ Đậu Trường Toàn – Khoa Ngoại Tiết niệu xác định bệnh nhân bị sa bàng quang độ 3 – căn bệnh thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những người đã sinh đẻ nhiều lần. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật đặt lưới điều trị sa bàng quang qua lỗ bịt. Đây là một kỹ thuật hiện đại giúp nâng đỡ bàng quang về đúng vị trí, cải thiện chức năng tiểu tiện và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu do sa bàng quang gây nên.
Sau phẫu thuật , bà L.T.T đã có thể đi lại, đau nhẹ vùng mổ, khối sa vùng âm đạo đã không còn, tự tiểu tiện được. Sau 4 ngày điều trị, người bệnh được xuất viện, chức năng tiểu tiện hoàn toàn bình thường.
Thạc sĩ, bác sĩ Đậu Trường Toàn cho biết: “Sa bàng quang xảy ra khi các cơ và mô liên kết trong vùng chậu suy yếu, khiến bàng quang bị lún xuống và có thể lồi ra ngoài âm đạo, gây tắc nghẽn và làm ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện.
Phương pháp đặt lưới treo bàng quang qua lỗ bịt sử dụng một tấm lưới y tế được đặt vào thành trước của âm đạo để nâng đỡ bàng quang và các cơ trong vùng chậu. Tấm lưới này giúp giữ bàng quang ở vị trí bình thường, ngăn ngừa tình trạng sa xuống, đồng thời khôi phục lại khả năng tiểu tiện bình thường cho bệnh nhân. Đây là một phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, giúp bệnh nhân cải thiện nhanh chóng chức năng tiểu tiện và giảm thiểu triệu chứng sa bàng quang, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân.”
Bài và ảnh: Phòng CTXH