Những ngày cận tết, bệnh nhân mắc các bệnh về máu, chạy thận cần truyền máu luôn thấp thỏm nỗi lo thiếu máu. Bởi không có máu để truyền, sức khỏe người bệnh yếu dần, thậm chí có thể ảnh hưởng đến
Bệnh nhân truyền máu tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu.
Trung tâm Huyết học và Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) những ngày cuối năm đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn máu điều trị cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đã phải lùi lại lịch truyền máu 1 – 2 ngày, thậm chí 1 tuần do đang chờ máu. Chị Hà Thị Tâm (28 tuổi, huyện Bá Thước), chia sẻ: “Tôi rất lo lắng khi trung tâm không đủ máu dự trữ để điều trị bệnh. Nhưng thật may mắn, sau 1 ngày kêu gọi, tìm người hiến máu trên mạng xã hội, tôi đã tìm được người hiến máu để điều trị bệnh”. Chị Tâm phát hiện mắc căn bệnh Thalassemia từ năm 17 tuổi. Hơn 10 năm nay, tháng nào chị cũng xuống Trung tâm Huyết học và Truyền máu để điều trị. Có đợt thiếu máu, đặc biệt là vào thời điểm trước, trong, sau tết thời gian chờ máu và lịch truyền máu của chị phải kéo dài hơn vài ngày. Như năm 2020, do lịch điều trị cận tết, máu khan hiếm, sức khỏe yếu nên thời gian điều trị kéo dài hơn 7 ngày. Đến chiều 29 âm lịch chị mới hoàn tất các thủ tục để về quê đón tết cùng gia đình.
Cũng mang trong mình căn bệnh Thalassemia, anh Vũ Trọng Quang (Hoằng Hóa) đều đặn 1 lần/tháng có mặt tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh để truyền máu. Như bao bệnh nhân khác, anh cũng luôn lo lắng không biết lần điều trị tới có đủ máu không? Có phải chờ máu không? Anh Quang chia sẻ: “Vào những ngày cuối năm, có máu để truyền đúng lịch hẹn của bác sĩ cũng là một điều may mắn, bởi tình trạng thiếu máu luôn diễn ra. Trong hai năm điều trị bệnh tôi cũng đã có 3 đợt phải chờ máu. Đặc biệt do sức khỏe yếu nên có những lần tôi phải cần 4 – 6 đơn vị máu (bình thường 2 – 3 đơn vị máu). Mỗi lần như vậy, gia đình tôi đã đăng thông tin cần máu trên mạng xã hội, kêu gọi và kết nối với những tấm lòng hảo tâm tham gia hiến máu để đảm bảo lượng máu truyền cho tôi. Mỗi phút giây chờ đợi tôi luôn lo lắng vì lịch điều trị bị trì hoãn, lo lắng sức khỏe sẽ yếu hơn”.
Tại Bệnh viên Nhi Thanh Hóa, tình trạng thiếu máu điều trị những ngày cận tết cũng diễn ra. Chị Hà Thị Mơ (Bá Thước) đang làm thủ tục nhập viện cho con chia sẻ: “Biết được thông tin kho máu dự trữ đang khan hiếm nên tôi rất lo lắng. Cả hai bé nhà tôi đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh cần truyền khoảng 4 đơn vị máu hàng tháng. Đợt này đến lịch truyền máu hy vọng không phải chờ đợi lâu để ba mẹ con kịp về nghỉ ngơi chuẩn bị đón tết”.
Không chỉ những bệnh nhân điều trị thường xuyên rơi vào tình trạng thấp thỏm lo thiếu máu, những bệnh nhân có bệnh lý, thực hiện các ca mổ, cấp cứu cũng không khỏi lo lắng vì thiếu máu. Chị Nguyễn Thị Hoa, (huyện Quảng Xương) chia sẻ: “Chồng tôi vừa cắt lách tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ đã truyền 5 đơn vị máu rồi nhưng tình trạng sức khỏe vẫn chưa ổn định, cần thêm 2 – 3 đơn vị máu nữa để điều trị. Tôi rất lo lắng, mong bệnh viện điều phối được máu và cộng đồng chung tay hiến máu giúp đỡ gia đình tôi”.
BSCK II Nguyễn Huy Thạch, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu cho biết: Hiện trung tâm chỉ còn máu dự trữ phục vụ cho các trường hợp cấp cứu thiên tai, thảm họa. Đặc biệt, khoảng thời gian từ ngày 28-12-2022 đến 10-1-2023 không có đơn vị hoặc sự kiện hiến máu nào được triển khai, do đó nguồn máu dự trữ phục vụ điều trị cho bệnh nhân càng khan hiếm. Người nhà bệnh nhân phải trực tiếp hiến máu hoặc tìm người tình nguyện hiến máu, đổi máu thì người bệnh mới có máu để điều trị.
Thực tế những ngày cuối năm tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu, lượng bệnh nhân điều trị vẫn rất đông, khoảng 90 bệnh nhân đang điều trị và cần truyền máu mỗi ngày. Trong khi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện khác trong tỉnh cũng đang có nhiều bệnh nhân phẫu thuật, chạy thận nhân tạo,… cần máu điều trị mỗi ngày. Do đó, ước tính trung bình mỗi ngày cần khoảng 120 – 130 đơn vị máu để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.
Để đáp ứng nhu cầu về máu trong cấp cứu, điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng như các bệnh viện trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện tham gia hiến máu. Đồng thời, kêu gọi vận động người dân, người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu tại bệnh viện. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Trung tâm Huyết học và Truyền máu, các đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai chiến dịch, sự kiện hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện trở thành một nghĩa cử cao đẹp của các đơn vị, cá nhân. Ngoài ra, Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Câu lạc bộ tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện tỉnh thường xuyên giữ liên lạc với các tình nguyện viên hiến máu để sẵn sàng hiến máu khi cần. Hội chữ thập đỏ các địa phương luôn sáng tạo, linh hoạt triển khai các sự kiện hiến máu tình nguyện trong năm. Đồng thời, luôn sẵn sàng huy động máu cứu người dù đêm tối hay mưa bão.
Tuy nhiên, lượng máu thu được từ các sự kiện vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị và cấp cứu cho bệnh nhân. Trong khi máu không thể dự trữ nhiều và bảo quản trong thời gian quá lâu vì hạn sử dụng rất ngắn. Do đó, để góp phần bảo đảm lượng máu phân bổ trong năm, các đơn vị, địa phương cần quan tâm thực hiện đúng lịch tổ chức sự kiện hiến máu tình nguyện theo kế hoạch. Đồng thời, mỗi người dân hãy thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện để sẻ chia khó khăn với ngành y tế và người bệnh đang cần máu điều trị.
Bài và ảnh: Thùy Linh
Baothanhhoa.vn