Qua 9 năm triển khai thực hiện (từ 1-1-2008) chính sách BHXH tự nguyện đã được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền hưởng an sinh xã hội của người lao động. Cụ thể: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đến mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; không khống chế trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện; thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tính trên mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn… Trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến về những điểm mới của BHXH tự nguyện. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn đối thoại trực tiếp với nhân dân, người lao động và chủ sử dụng lao động trên địa bàn; tổ chức tập huấn về những điểm mới của Luật BHXH, BHYT cho các đơn vị sử dụng lao động, mở rộng hoạt động của các tổ chức đại lý thu bưu điện và UBND xã, phường, thị trấn để đáp ứng kịp thời yêu cầu tham gia BHXH tự nguyện của nhân dân… Chỉ tính riêng năm 2016, BHXH tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp và tư vấn, đối thoại có quy mô cấp tỉnh là 308 hội nghị tuyên truyền trực tiếp Luật BHXH, Luật BHYT, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho các báo cáo viên cấp huyện, nhân viên đại lý thu, cán bộ, nhân dân, người lao động, kế toán trưởng và chủ sử dụng lao động… tại các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới năm 2016. Mỗi cuộc hội nghị tuyên truyền trực tiếp và tư vấn, đối thoại đã thu hút từ 200 đến 250 người dân và các nhóm đối tượng khác tham gia…
Tuy nhiên, dù có nhiều tính ưu việt và thủ tục tham gia khá đơn giản, nhưng trên thực tế, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh vẫn đạt tỷ lệ rất thấp, sau 9 năm mới có 9.666 người tham gia. Bình quân số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ chiếm khoảng 3,3% tổng số người tham gia BHXH, chiếm 0,5% lực lượng lao động. Thực trạng này sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho ngân sách khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai, bởi hàng trăm nghìn người hết tuổi lao động mà không có lương hưu.
Là một trong những đơn vị có số người tham gia BHXH tự nguyện thấp, đến nay trong số 11.116 người trên địa bàn huyện Thạch Thành đang tham gia BHXH thì chỉ có 204 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó chủ yếu là những người đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó do những lý do khác nhau phải dừng đóng BHXH bắt buộc, nay chuyển sang đóng BHXH tự nguyện cho đủ năm tham gia BHXH để nhận lương hưu. Ông Lê Quý Tam, Giám đốc BHXH huyện Thạch Thành cho biết: Sở dĩ kết quả triển khai BHXH tự nguyện còn thấp một phần do người dân chưa hiểu lợi ích của loại hình bảo hiểm này, một phần do điều kiện kinh tế của đa số lao động tự do còn thấp, trong khi BHXH tự nguyện yêu cầu đối tượng phải có mức thu nhập tương đối ổn định và thời gian tham gia dài, sau 20 năm tham gia mới được hưởng chế độ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng còn chung chung, chưa hướng đến đối tượng đích, hơn nữa sự phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục… vì vậy người dân chưa biết nhiều về chính sách này.
Để chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng thật sự đi vào cuộc sống, thu hút nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, tăng tỷ lệ bao phủ BHXH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện đến người lao động và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức để người dân hiểu về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.