8h sáng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tấp nập người vào ra, không khí hối hả bao trùm. Đằng sau cánh cửa sắt ngăn khu vực mổ và các phòng bệnh, đèn điện sáng choang, tiếng thiết bị tít tít liên hồi, tiếng va chạm của băng ca, tiếng bước chân bác sĩ vội vã…
Y tá trưởng Trịnh Quốc Lâm, Khoa Gây mê – Hồi sức, hướng dẫn chúng tôi thay y phục phòng mổ và dặn: “Vào phòng mổ, mọi người tuyệt đối không được đến gần bàn mổ, hạn chế di chuyển để tránh va vào bệnh nhân và các dụng cụ y tế”.
Từng đôi ba lần vào phòng mổ lấy thông tin viết bài, và cũng từng là bệnh nhân ở đây, vậy mà vừa bước vào, tôi đã thấy choáng váng. Mùi của phòng mổ không chỉ có thuốc mê, thuốc sát khuẩn, mà còn vô vàn mùi độc hại khó chịu khác.
Bệnh viện có 9 phòng mổ, trong đó 4 phòng sáng đèn báo hiệu đang có ca mổ.
Phòng mổ thứ 5 bật sáng, giường bệnh được đẩy vào. Bệnh nhân là bà Đặng Thị Đại, 75 tuổi, trú tại phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Bà nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Sau khi chuẩn đoán, các bác sĩ kết luận bà bị tắc mật, viên túi mật độ sỏi. Ánh sáng từ chiếc đèn mổ soi rọi rõ nét từng biểu cảm trên gương mặt bệnh nhân. Mỗi người một việc, người chuẩn bị dụng cụ cho ca mổ, người kiểm tra lại lần nữa thông tin về bệnh nhân, kíp phẫu thuật.
Bác sĩ Hoàng Mạnh Hồng, Trưởng khoa Gây mê – Hồi sức ghé đầu nói chuyện khẽ với bệnh nhân và thực hiện các bước gây mê, lập tức bệnh nhân chìm trong giấc ngủ sâu. Chừng chục phút sau, Bác sĩ Lê Quốc Kỳ, Trưởng Khoa Gan – Mật bước vào, tôi nghe tiếng hỏi đanh gọn: “Bệnh nhân ổn chứ anh, bắt đầu mổ được chưa?”. Tiếng trả lời: “Ổn rồi, có thể mổ”.
Sau câu trả lời nhanh gọn không kém của bác sĩ gây mê, ca phẫu thuật bắt đầu. Dưới ánh đèn, bác sĩ Kỳ và bác sỹ Tạ Quang Chiến, khoa Gan – Mật tiến hành mổ nội soi cắt túi mật và lấy sỏi ống mật chủ cho bệnh nhân.
Sự căng thẳng cùng giàn đèn mổ sáng trưng chiếu rọi khiến thi thoảng điều dưỡng lại dùng gạc thấm những giọt mồ hôi trên trán phẫu thuật viên. Một vài người thường xuyên đứng phía đầu giường mổ, người dán mắt vào màn hình biểu hiện những chỉ số sinh tồn của người bệnh, người chăm chú quan sát gương mặt bệnh nhân. Tất cả phối hợp vô cùng nhịp nhàng. Tuy bịt kín mặt, trang phục giống nhau, nhưng chỉ cần bằng ánh mắt, người phụ trách dụng cụ cũng hiểu được phẫu thuật viên chính cần lấy dụng cụ gì.
Kim đồng hồ chỉ 9h25, bỗng vang lên tiếng hô to: “Xong rồi!” làm phá tan không khí căng thẳng ở khu vực phòng mổ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển qua phòng hồi sức, bác sĩ Kỳ ngồi ghi phiếu tường thuật ca mổ.
Cũng tại phòng mổ số 5, bệnh nhân tiếp theo được đưa vào với tình trạng vỡ ruột già. Các bác sĩ vẫn chăm chú dùng bông gạc, máy hút khẩn trương làm vệ sinh cho bệnh nhân vì chỉ chậm một chút, ổ bụng sẽ bị nhiễm trùng, nguy hiểm khôn lường.
Gần 10h, tiếng còi xe cứu thương lại hú bên ngoài phòng cấp cứu. Một người đàn ông nằm trên cáng với con dao cắm sâu trên ngực, được đẩy nhanh vào trong.
“Vào thẳng phòng mổ”, tiếng bác sĩ trực cất lên dứt khoát. Trong phòng phẫu thuật, Bác sĩ CKII Lưu Ngọc Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 2 đã nhận được thông tin. Máu, dịch truyền, băng gạc, thuốc, dao, kim chỉ… sẵn sàng. “Chúng tôi luôn chuẩn bị tinh thần cho các ca cấp cứu. Mỗi bệnh nhân là một tình huống hoàn toàn khác biệt với tổn thương bên trong chưa thể biết”, bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ gây mê Hoàng Mạnh Hồng bắt tay vào việc. Phẫu thuật viên Lưu Ngọc Hùng mở lồng ngực bệnh nhân, cắt, lọc, khâu, nối… Sau 3 tiếng, người đàn ông qua cơn nguy kịch, các vết cắt vào mạch máu, thương tổn ở ngực được xử lý và chuyển về khu hồi sức để theo dõi.
Phòng hồi sức lúc này chỉ nghe thấy âm thanh rì rầm của những máy móc đang hỗ trợ sự sống cho hàng chục bệnh nhân. Những nhân viên y tế vẫn cần mẫn với công việc. Chợt một điều dưỡng nhận thấy dấu hiệu hô hấp của bệnh nhân có gì đó bất ổn. Quan sát bệnh nhân trong tích tắc, nữ điều dưỡng nhanh chóng lấy dụng cụ và hút dịch cho bệnh nhân. Cơ thể bệnh nhân gồng lên từng đợt theo những thao tác của 2 điều dưỡng. Chừng ba phút trôi qua, đợt hô hấp bất thường của bệnh nhân đã ổn định. Điều dưỡng khẽ kéo tấm ga trắng đắp lên quá ngực cho bệnh nhân. Người đàn ông nằm thiêm thiếp, gương mặt không bộc lộ sự đau đớn nào nữa.
Đèn phòng mổ tắt, bác sĩ Hồng và các cộng sự mới ăn vội nắm xôi mua từ sáng. Nhìn túi xôi nhỏ nằm lăn lóc trên bàn, anh ái ngại phân trần: “Nay có ca mổ sớm nên hơn 6h tôi đã đến bệnh viện và đến là mổ luôn, chưa kịp ăn. Khi bệnh nhân đã đẩy vào phòng mổ thì bác sĩ không thể đi ăn đi uống được”.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, một ngày có 60 – 70 ca phẫu thuật. Ca mổ nhanh khoảng 30 phút, những ca lâu có khi đến 6 – 8 tiếng. Bác sĩ Hồng chia sẻ: “Thời gian không phải là yếu tố quyết định lúc nào bác sĩ được nghỉ ngơi, mà chính là ca mổ và bệnh nhân quyết định. Trong ca mổ, thời gian như không tồn tại, kim đồng hồ và khái niệm thời gian chỉ trở lại với bác sĩ khi mũi khâu cuối cùng kết thúc và vết thương được đắp gạc”.
Trên mạng xã hội có rất nhiều hình ảnh bác sĩ ngủ vạ vật trên ghế, góc phòng… Đó không phải là hình ảnh dàn dựng mà chính là sự thật.
“Công việc căng thẳng, thường xuyên trực đêm, chúng tôi nhiều lúc mệt mỏi đến kiệt sức và thèm ngủ kinh khủng”, bác sĩ Hồng tâm sự.
Khu vực phòng mổ là thế giới thu nhỏ với những gương mặt u buồn đầy lo lắng. Bên kia cánh cửa sắt, một người phụ nữ dáng khắc khổ đang ngồi khóc. Người thân của bà đang nằm trong phòng mổ.
Để ngăn lại những giọt nước mắt như vậy, cần những sự cống hiến đầy tình người đến từng giây của những bác sĩ, nhân viên y tế.
Nội Dung: Tăng Thúy
Thiết Kế & Ảnh: Phạm Nam
(Baothanhhoa.vn)