Sau thời gian hơn 1 năm chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như nhân lực, cuối tháng 6 năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên.
Sức khỏe bệnh nhân ghép thận thứ 2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ổn định, các chức năng của thận đã trở về bình thường, phục hồi nhanh chóng.
Và chỉ hơn một tháng sau bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép thận thứ 2 với kỹ thuật nội soi lấy thận để ghép từ người cho sống. Cả người được cho thận và người hiến thận đều hồi phục nhanh chóng, ổn định sau ghép thận và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, “Đổi mới cơ chế phục vụ, phát triển mạnh y tế chuyên sâu” mục tiêu hướng tới phục vụ theo nhu cầu người bệnh, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xác định con người luôn là yếu tố then chốt trong mọi thành công, lãnh đạo bệnh viện đã đưa công tác đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bệnh viện, vì thế những năm qua bệnh viện luôn tạo điều kiện cho các bác sĩ học sau đại học để cập nhật các kiến thức y học mới. Mặt khác chú trọng đến công tác nghiên cứu đề tài khoa học, tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học với các giáo sư đầu ngành và duy trì các buổi sinh hoạt chuyên môn ở các khoa… Để người bệnh và người nhà người bệnh được thụ hưởng những điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất, bệnh viện đã đầu tư, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan môi trường bệnh viện, đầu tư mua sắm thêm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Bên cạnh đó, bệnh viện còn đặc biệt quan tâm bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên phục vụ thông qua các buổi tập huấn về cách giao tiếp, ứng xử với người bệnh; đồng thời không ngừng cải cách, đổi mới khâu tiếp đón, tạo cho người bệnh tâm lý thoải mái khi đến với bệnh viện.
Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được 100% danh mục kỹ thuật loại I và 46% danh mục kỹ thuật loại đặc biệt, trang thiết bị của bệnh viện ngày càng được đầu tư hiện đại và đồng bộ. Cụ thể như bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: Phẫu thuật cắt u thực quản 1/3 dưới; phẫu thuật thay khớp vai; phẫu thuật nội soi cắt đại tràng, cắt thận, tuyến thượng thận; phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp; mở thông dạ dày nội soi; tiêm Botulinum Toxin A điều trị co cứng cơ; đốt sóng cao tần điều trị u gan, nút mạch điều trị u lành tính tuyến tiền liệt, phẫu thuật thay khớp gối, điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới bằng lazer nội mạch…; trong đó nhiều kỹ thuật thường niên tương đương với tuyến Trung ương như: Phẫu thuật nội soi, xạ trị gia tốc, chụp CT 128 lát cắt; sử dụng sóng siêu âm cao tần điều trị khối u (HIFU), phẫu thuật chỉnh hình…
Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai thành công thủ thuật bơm xi măng tạo hình thân đốt sống cho bệnh nhân bị chấn thương cột sống do tai nạn giao thông. Trước đó, tháng 5-2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã triển khai thành công ca phẫu thuật điều trị thông liên nhĩ bằng phương pháp nội soi (kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện hoàn toàn ở một bệnh viện tuyến tỉnh, sau Bệnh viện E). Và gần đây nhất là ca cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ não nhờ lấy huyết khối cơ học/bệnh nhân tắc động mạch thân nền.
Bệnh nhân Hoàng Thị Tâm, 69 tuổi ở xã Vạn Thắng, Nông Cống, bị bệnh lúc 11h ngày 14-8-2018 với biểu hiện đột ngột khụy xuống, tiểu dầm, nói khó, liệt nửa người trái được gia đình đưa vào viện lúc 15h cùng ngày. Lúc vào viện bệnh nhân lơ mơ, NIHSS 21 điểm, liệt nửa người trái hoàn toàn, rối loạn cơ tròn. Bệnh nhân nhanh chóng được làm các xét nghiệm, kết quả CT 32 lớp bình thường, MSCT tắc đỉnh động mạch thân nền. Đến 15h30 ý thức bệnh nhân xấu hơn NIHSS 23 điểm. Bệnh nhân được hội chẩn quyết định lấy huyết khối cơ học bằng Solitaire. Sau 3 lần kéo Solitaire lấy được huyết khối, động mạch thân nền được tái thông, lâm sàng bệnh nhân hồi phục gần hoàn toàn. Trước đây khi chưa có kỹ thuật này, bệnh tắc động mạch thân nền tỷ lệ tử vong cao trên 80%, nếu được cứu sống cũng có di chứng nặng nề: Liệt nửa người, liệt tứ chi, sống thực vật… Đây là bệnh nhân lấy huyết khối thứ 9 được triển khai tại bệnh viện và là bệnh nhân tắc động mạch thân nền đầu tiên.
Thầy thuốc Ưu tú Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Để đạt kết quả KCB làm người bệnh hài lòng, bệnh viện chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc đồng thời tìm kiếm nhiều nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại, triển khai các kỹ thuật mới trong thời đại kỹ thuật số. Điều khích lệ bệnh viện phát triển theo hướng ngày càng chuyên sâu, hiện đại là việc triển khai các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, ứng dụng các kỹ thuật mới trong KCB. Năm 2018, ban giám đốc bệnh viện xác định việc triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu vào chẩn đoán và điều trị cho người bệnh là nhiệm vụ trọng tâm và là yếu tố then chốt, xuyên suốt để nâng cao chất lượng KCB một cách bền vững. Và việc thực hiện thành công các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu là bước đột phá trong công tác khám, điều trị của bệnh viện giúp giảm chi phí điều trị, người bệnh được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, nhất là đối với bệnh nhân nghèo ít có cơ hội được tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế cao.
Trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục chú trọng công tác thu hút cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng trang thiết bị hiện đại, tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng KCB; duy trì bền vững những kỹ thuật mới đã được triển khai, phát triển kỹ thuật mới chuyên sâu, trong lĩnh vực tim mạch, can thiệp, hồi sức cấp cứu, chấn thương… Xây dựng thương hiệu bệnh viện thân thiện, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, thực sự là địa chỉ tin cậy của người bệnh, góp phần vào mục tiêu chung sớm đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm y tế của khu vực Bắc Trung bộ.
Bài và ảnh: Tô Hà
(Theo baothanhhoa.vn)