Công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng

Trách nhiệm của thầy thuốc trước sinh mạng người bệnh là một khái niệm rộng, được biểu hiện bằng nhiều tiêu chí tùy hoàn cảnh và điều kiện. Nhưng có 2 tiêu chí chung nhất được nói đến trong bất kỳ thời đại nào.

 

Khoa học, công nghệ phát triển ngày càng cao, y đức của người thầy thuốc càng phải sáng.


Một là, thầy thuốc phải kịp thời và tận tâm tận lực cứu sống sinh mạng người bệnh trước nan nguy. Hai là, không được lợi dụng và biến sự đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần của người bệnh thành cơ hội cho mục đích làm giàu cá nhân và hưởng vinh hoa phú quý không chính đáng của bản thân thầy thuốc.


Trên thế giới và tại Việt Nam, trình độ khoa học công nghệ y tế tạo ra những thuận lợi và cả những thách thức trong thực hiện các hành vi liên quan đến đạo đức y tế. Đơn cử, những tiến bộ trong kỹ thuật thông tim và khai thông tắc mạch vành đã cứu sống rất nhiều người bị nhồi máu cơ tim do xơ vữa mạch vành, điều mà cách đây 20 đến 30 năm không thể làm được. Việc áp dụng công nghệ cao vào y tế còn giúp người thầy thuốc có thêm nhiều cơ hội thể hiện sự tận tâm, tận lực để cứu sinh mạng người bệnh.


Tuy vậy, người thầy thuốc cũng cần nhận dạng những thách thức xuất hiện khi áp dụng công nghệ cao với đạo đức y tế.


Thách thức đầu tiên là người thầy thuốc phải hăng say học tập và chịu học tập suốt đời để có kiến thức và tay nghề phù hợp với trình độ khoa học tiên tiến. Công nghệ cao đi cùng tự động hóa và tính chính xác cao, điều đó không nghĩa là thiết bị, máy móc hoàn toàn thay thế con người và hoàn hảo hơn con người. Chính con người phải lập trình (programing) cho hoạt động của thiết bị và điều khiển thiết bị. Vì vậy không thể ỷ lại vào thiết bị mà quên trách nhiệm của con người với trách nhiệm trong việc thiết lập quy trình, vận hành quy trình và cả kiểm tra quy trình.


Nhiều khâu thực hành y học sẽ do máy móc nhân tạo và trong tương lai do trí tuệ nhân tạo thực hiện, nhưng không vì thế mà trốn tránh trách nhiệm của thầy thuốc. Trái lại, trách nhiệm của thầy thuốc lại được nâng lên ở một tầm cao mới. Một trong những vụ việc điển hình nhất là vụ 9 bệnh nhân tử vong do hóa chất tồn dư sau khi rửa máy lọc thận tại Bệnh viện tỉnh Hòa Bình.


Thách thức thứ hai là việc ỷ lại vào công nghệ và coi nhẹ mối quan hệ trực tiếp (mặt đối mặt) giữa người thầy thuốc với người bệnh. Thiết bị, máy móc hiện đại có thể làm thay con người trong thực hành nhiều khâu đoạn, nhưng không thể thay thế những nhận biết mang tính nhạy cảm và tinh tế của thầy thuốc về thay đổi và diễn biến của cá thể người bệnh. Nói cách khác, máy móc và thiết bị không thể thay thế cái mà chúng ta gọi là “nhạy cảm lâm sàng”.


Sự tiếp xúc trực diện còn giúp xây dựng sự ấm cúng, gần gũi và tin tưởng giữa thầy thuốc và người bệnh. Một “thầy thuốc robot” dù thế nào cũng không thể có ánh mắt, nụ cười và cử chỉ thân thiện, tình cảm bằng một thầy thuốc “xương thịt”, trong khi đây là một giải pháp tâm lý điều trị rất quan trọng với người bệnh. Thực tế, do nhiều lý do khác nhau mà các thao tác cơ bản kinh điển của thầy thuốc với người bệnh như “nhìn, sờ, gõ, nghe” đang giảm bớt và thay vào đó là chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Vì vậy, ở nhiều nơi, nhiều lúc, người bệnh thường có cảm giác “khó gặp” thầy thuốc hoặc không biết ai là thầy thuốc chính của mình. Quan hệ của người bệnh với thầy thuốc từ chỗ “như mẹ hiền” trở thành quan hệ xa lạ.


Thách thức thứ ba là lạm dụng kỹ thuật cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Cũng có thể người thầy thuốc không nắm được nguyên tắc và đặc tính của kỹ thuật cao, do đó không biết chỉ định một cách phù hợp và chính xác.


Tuy nhiên, lý do thường thấy là sự lạm dụng vì mục đích làm tăng doanh thu, nhất là trước sức ép của cơ chế “tự chủ” trong bệnh viện. Giá thành các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ cao thường đắt tiền, vì vậy chỉ định nhiều xét nghiệm trong đó có cả các xét nghiệm không cần thiết là cách để tăng doanh thu, trong khi người bệnh thường không hiểu biết về các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh đó.


Điều này ảnh hưởng tới túi tiền và cả sức khỏe người bệnh, chẳng hạn người bệnh phải “ăn” tia xạ không cần thiết. Do đó, hành động này không chỉ vi phạm đạo đức thông thường mà còn mang tính lừa bịp với người bệnh. Ví dụ, về nguyên tắc, hẹp động mạch vành thì phải thông tim và đặt stent để thông chỗ tắc, nhưng cần cân nhắc xem đặt ở chỗ hẹp nào mới là cần thiết chứ không phải cứ “hẹp đâu đặt đó”. Cụ thể hơn một chút, cần xem vùng cơ tim nào không được tưới máu và khơi thông chỗ nào để tạo điều kiện xuất hiễn mạch máu tân tạo nuôi vùng thiếu máu đó, chứ không chỉ xét nghiệm chụp động mạch vành để xác định chỗ tắc.


Thách thức thứ tư là có nhiều cơ hội để dùng cơ thể người bệnh làm thử nghiệm để chứng minh cho tiến bộ của công nghệ mới. Đành rằng ngoài bằng chứng thực nghiệm trên động vật, những thành quả y học hiện nay đều dựa trên kinh nghiệm thu được trong quá trình thực hành y học trên người bệnh. Vì vậy trong lý luận về đạo đức y học, người ta hay nói thầy thuốc phải coi người bệnh là thầy học của mình.


Tuy vậy, khi khoa học công nghệ càng phát triển, nhu cầu chứng minh cái mới hơn, cái tốt hơn ngày càng nhiều. Ngoài mục đích khoa học công nghệ thuần túy, động cơ thương mại hóa cũng xen kẽ rất tinh vi và tế nhị. Điều này dễ đẩy người thầy thuốc vào tình huống “thử nghiệm” ngay trên người bệnh.


Một ví dụ điển hình là gần đây (năm 2018), một thầy thuốc tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) đã âm thầm tiến hành chỉnh sửa gen của phôi người để sinh ra 2 cháu có gen biến đổi và không bị nhiễm HIV. Việc làm này đã bị giới khoa học lên án và Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm được nghiên cứu về chỉnh sửa gen trên phôi người.


Khoa học công nghệ tiến bộ đến mấy thì cũng do con người tạo ra và do con người áp dụng, vì vậy chúng ta cần phân tích mặt được cũng như mặt chưa được cả về kỹ thuật lẫn xã hội. Chỉ có cách nhìn biện chứng như vậy mới giúp ta thành công trong cách mạng 4.0. trong y học và nâng cao đạo đức y học trong thời đại công nghệ mới 4.0.


Dù ở đâu, công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng. Nếu không, sự xuống cấp của đạo đức y tế sẽ bị che lấp và được ngụy biện bằng công nghệ.


GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế
Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam

Liên hệ nhanh