Những tín hiệu đáng mừng của ngành Y tế Thanh Hoá

Thanh Hóa là địa phương có dân số đông đứng thứ 3 sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số lượng lao động tại các tỉnh phía Nam cũng như phía Bắc thuộc tốp đầu của cả nước. Cho nên, sự tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid- 19 tại Thanh Hoá là rất cao, nhưng trong hai năm qua, ngành Y tế tỉnh Thanh Hoá đã có những thành tích đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống Covid-19.

 

 

Thầy thuốc Nhân dân, Bác sỹ Lê Văn Sỹ- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

 

Những dấu ấn đáng tự hào

Ngược dòng thời gian, những ngày đầu năm 2020, Thanh Hoá không phải là địa phương đầu tiên có ca nhiễm Covid-19, nhưng là địa phương đầu tiên có Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh chữa trị thành công cho bệnh nhân dương tính với Covid-19.


Ông Lê Văn Sỹ- Thầy thuốc Nhân dân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: “Ngay sau khi có ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại TP HCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã lên kế hoạch, chủ động ứng phó với dịch bệnh nếu có. Khi có bệnh nhân Covid- 19 đầu tiên của tỉnh nhập viện cũng là lúc đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện phải căng mình trên hai mặt trận, khám chữa bệnh cho người dân và  mặt trận chống Covid- 19. Những cuộc họp, giao ban không kể ngày đêm được chúng tôi thực hiện, từ đó cùng với phác đồ điều trị số 1 của Bộ Y tế (hiện nay là số 8) để tìm ra biện pháp tối ưu, hiệu quả nhất. Và điều tuyệt vời đã đến, sau 10 ngày chữa trị bệnh nhân dương tính với Covid- 19 đã khỏi bệnh, đặc biệt hơn ngày bệnh nhân ra viện (3/2/2020) cũng là ngày kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Đó như một lời khẳng định, chúng tôi luôn sẵn sàng hoạn thành sứ mệnh mà Đảng và Nhân dân giao phó”.


Bên cạnh đó, phác đồ điều trị Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã được đăng trên Tạp chí “The Lancet” của nước Pháp, đây là một trong năm Tạp chí y khoa nổi tiếng nhất thế giới. Ông Lê Văn Sỹ cũng không giấu được niềm hạnh phúc cho biết: “Để được lọt vào Tạp chí y học nổi tiếng trên thế giới là không hề dễ, các phác đồ điều trị Covid- 19 của bệnh viện đã được đăng trên Tạp chí The Lancet, đó mới là điều ấn tượng”.


Đó là sự cổ vũ tinh thần cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế của toàn tỉnh Thanh Hoá, để họ tiếp tục cố gắng, nổ lực hết mình cho cuộc chiến chống Covid- 19 được đánh giá là trường kỳ kháng chiến. Đến thời điểm hiện nay, Thanh Hoá được xếp trong những địa phương có tỷ lệ tử vong do Covid- 19 thấp nhất cả nước với 32 ca. Đó là thành quả đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị tại tỉnh này.


Bên cạng đó, mức độ bao phủ tiêm Vacxin của tỉnh Thanh Hoá đang nằm trong top đầu của cả nước, dù cách đây hơn 4 tháng, tỷ lệ này là rất thấp. Theo thống kê, hiện nay toàn toàn tỉnh đã tiếp nhận 5.539.148 liều vắc xin phòng Covid-19, đã và đang triển khai 22 đợt tiêm với kết quả cụ thể như sau: 2.382.905/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,56%; 2.342.534/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 97,9%; 282.429/285.226 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,0%; 278.007/285.226 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 97,5%; 266.173 người tiêm mũi bổ sung và 93.530 người tiêm mũi nhắc lại. Có nhiều huyện tỷ lệ vượt 100% như Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hoá, Hoằng Hoá…

 

 

Phác đồ điều trị Covid- 19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được đăng trên Tạp chí The Lancet năm 2020.

 

 

Thành quả của cả hệ thống chính trị


Có thể nói, để đạt được những thành tích trên là sự vào cuộc nhanh chóng của cả hệ thống chính trị xứ Thanh. Trong hai năm qua, đã có hàng nghìn văn bản của Tỉnh uỷ, Ủy ban Nhân dân và Sở y tế Thanh Hoá được ban hành để phục vụ công tác phòng chống dịch.


Đặc biệt, mỗi khi địa phương nào xuất hiện ca nhiễm cộng đồng, ông Đỗ Trọng Hưng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá đều có mặt và trực tiếp chỉ đạo, xây dựng phương án phòng chống dịch. Chính sự trách nhiệm và gương mẫu của Bí thư tỉnh này đã làm gương cho những người đứng đầu tất cả các cấp ngành trong tỉnh.


Ông Bùi Văn Đạt- Phó chủ tịch UBND TP Sầm Sơn (trưởng ban chỉ đạo phòng chống Covid- 19 TP Sầm Sơn) cho biết: “Với vai trò là người chịu trách nhiệm chính, đối với tôi không có ngày lễ Tết, bất kể khi nào có điểm dịch ngoài cộng đồng phát sinh trên địa bàn TP Sầm Sơn là tôi có mặt ngay. Điển hình như chiều tối mùng 4 tết vừa qua, tại Phường Quảng Tiến có ca nhiễm phức tạp là tôi đến ngay, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan”.


Đối với những huyện có số lượng người lao động tại các tỉnh có dịch bệnh phức tạp hồi hương, cuộc chiến còn gian nan gấp bội. “Ngay thời điểm cận ngày bầu cử tháng 5/2021 vừa qua, huyện Ngọc Lặc có gần 20.000 lao động phía Nam muồn về quê trốn dịch, chúng tôi phải huy động tối đa nguồn lực, không kể ngày đêm xuống Thị xã Nghi Sơn để đón bà con, đưa về trung tâm cách ly của huyện để theo dõi và điều trị. Đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền động viên bà con chủ động khai báo y tế nếu có người thân ở tỉnh có dịch bệnh phức tạp về quê. Có thể nói đó là thời điểm khó khăn nhất khi nguồn Vắc xin còn hạn chế, nên nguy cơ bùng dịch là rất cao”, ông Phạm Văn Đạt- Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc tâm sự.


Đóng góp vào thành công chung của ngành y tế Thanh Hoá có vai trò không nhỏ của hệ thống loa phát thanh, khi người dân không phải lúc nào cũng có thể xem thời sự hay báo đài, những bản tin trên hệ thống loa phát thanh của xã, phường, không kể ngày đêm liên tục đem đến những thông tin cần thiết. Đề người dân kịp thời nắm bắt tình hình, diễn biến của dịch bệnh cũng như vai trò của việc tiêm Vacxin.


Bà Dư Thị Thuý (xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn) chia sẻ:” Chúng tôi là người lao động, không dùng mạng xã hội nên chủ yếu nghe loa phát thanh của thôn, xã và TP Sầm Sơn mới biết thông tin cụ thể các ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, nên không còn tâm lý hoang mang và lo lắng mỗi khi địa phương bị phong toả”.


Năm 2021, Thanh Hoá vẫn giữ mức tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8.85%, đứng thứ 5 cả nước. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 137.630 nghìn tỉ đồng, thu hút được 89 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đầu tư đăng kí đạt 24.015 tỷ đồng và 112.7 triệu USD. Thành lập 3.500 doanh nghiệp, đứng thứ 4 cả nước về thành lập doanh nghiệp mới. Đây là thành quả có sự đóng góp không nhỏ từ công tác phòng chống dịch Covid- 19, góp phần đưa Thanh Hoá thành cực tăng trưởng mới của cả nước.

 

Lê Nam- Gia Hân

thuonghieucongluan.com.vn

 

Liên hệ nhanh