Hội nghị Huyết học – Truyền máu nhằm cập nhật kiến thức khoa học, trao đổi kinh nghiệm, góp phần đảm bảo an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đưa chuyên ngành Huyết học – Truyền máu Thanh Hoá ngày càng phát triển toàn diện.
Toàn cảnh hội nghị
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Hội nghị Huyết học – Truyền máu tỉnh Thanh Hóa với sự tham gia của hơn 150 đại biểu đại diện cho các phòng, ban chuyên môn của Sở Y tế; đại diện lãnh đạo, Trưởng khoa Xét nghiệm và nhân viên phụ trách an toàn truyền máu của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, các đại biểu được cập nhật kiến thức mới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn thông qua 04 bài báo cáo chất lượng, có giá trị thực tiễn cao về các lĩnh vực: An toàn truyền máu và Quản lý chất lượng xét nghiệm do các Báo cáo viên là các chuyên gia trong lĩnh vực Huyết học và Truyền máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Bạch Mai trình bày.
Với chuyên đề “Cấp phát, sử dụng chế phẩm máu an toàn”, BSCKII. Nguyễn Huy Thạch – Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đánh giá thực trạng hoạt động truyền máu tại Thanh Hóa trong giai đoạn 2019-2021 và cập nhật một số hướng dẫn mới trong quy trình lưu trữ, cấp phát và sử dụng máu, đảm bảo an toàn truyền máu.
BSCKII Nguyễn Huy Thạch – Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu BVĐK tỉnh Thanh Hóa trình bày báo cáo tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, TS.BS. Nguyễn Tuấn Tùng – Giám đốc Trung tâm Huyết học – Bệnh viện Bạch Mai trình bày báo cáo về “Quản lý chất lượng xét nghiệm hướng tới tự động hóa phòng xét nghiệm Huyết học” nhằm cập nhật xu hướng mới nhất của y học trong nước, quốc tế về ứng dụng mô hình phòng xét nghiệm thông minh trong quản lý, vận hành các Labo xét chuyên ngành Huyết học nói riêng và các chuyên ngành xét nghiệm nói chung.
Theo TS.BS. Nguyễn Tuấn Tùng, đối với một Bệnh viện tuyến tỉnh đã tổ chức được Trung tâm Huyết học và Truyền máu hoạt động bài bản với đầy đủ trang thiết bị triển khai các xét nghiệm chuyên ngành huyết học từ cơ bản đến chuyên sâu, đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Quốc tế ISO15189 về quản lý chất lượng xét nghiệm và đặc biệt là đã tự động hóa hoàn toàn Labo xét nghiệm bằng Hệ thống xét nghiệm thông minh như Trung tâm Huyết học và Truyền máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là rất hiếm. Mô hình hoạt động này nên được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh học tập và xây dựng lộ trình thực hiện, tiến tới tự động hóa hoàn toàn các labo xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, hướng đến mục tiêu liên thông dữ liệu xét nghiệm trên toàn quốc.
Các chuyên gia trong lĩnh vực Huyết học và Truyền máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Bạch Mai trả lời các câu hỏi của đại biểu tham dự
Phát biểu kết luận Hội nghị, BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa phối hợp Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức gần 150 đợt hiến máu tình nguyện, tiếp nhận khoảng 40.000 đơn vị máu, cấp phát gần 20.000 đơn vị máu và chế phẩm máu cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Con số này cho thấy dấu hiệu đáng mừng vì ngày càng có nhiều người tham gia công tác hiến máu tình nguyện, đáp ứng cơ bản cho nhu cầu ngày càng tăng cho cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong tỉnh…nhưng cũng đặt ra những thách thức cho người làm công tác chuyên môn làm sao đảm bảo chất lượng và chính xác tuyệt đối trong công tác sàng lọc máu, đảm bảo an toàn truyền máu. Hiện nay, thuật ngữ “an toàn truyền máu” được hiểu theo nghĩa rộng là an toàn cho người cho máu, an toàn cho nhân viên làm công tác truyền máu và an toàn cho người nhận máu. Vì vậy, với vai trò là Bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo, cập nhật kiến thức nhằm nâng cao chất lượng an toàn truyền máu cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.”
BSCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa phát biểu kết luận
Cũng theo BSCKII Lê Văn Sỹ, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 3.000 người mắc các bệnh lý về máu và cơ quan tạo máu. Đa số các bệnh nhân mắc các bệnh về máu, nhất là bệnh tan máu bẩm sinh đều mắc bệnh từ lúc mới sinh ra và phải chung sống với bệnh đến hết cuộc đời. Chi phí điều trị tốn kém nên hầu hết những bệnh nhân này đều thuộc diện hộ nghèo, việc điều trị hết sức khó khăn, đặc biệt là khi phải chuyển tuyến.
Từ tháng 5/2019, Trung tâm Huyết học và Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chuyển sang địa điểm hoạt động tại cơ sở mới xây dựng, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai đồng bộ 03 bộ phận: Huyết học Labo, Huyết học truyền máu và Huyết học lâm sàng. Trong đó, Đơn nguyên Huyết học lâm sàng có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán các bệnh về máu và cơ quan tạo máu với quy mô 150 giường bệnh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thu dung, điều trị cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là cơ sở y tế duy nhất của Ngành Y tế Thanh Hóa có Đơn nguyên Huyết học lâm sàng, có đủ điều kiện thu dung điều trị bệnh nhân mắc các bệnh về máu, cơ quan tạo máu và cũng là đơn vị duy nhất trong tỉnh đủ điều kiện sàng lọc, cung cấp máu, chế phẩm máu an toàn cho toàn tỉnh.
Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 150 giường bệnh, điều trị thường xuyên cho 200 bệnh nhân, không chỉ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí cho bệnh nhân mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế của Thanh Hóa.