Ứng dụng khoa học công nghệ trong điều trị các bệnh tim mạch

Những năm gần đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã ứng dụng khoa học công nghệ trong điều trị các bệnh tim mạch, góp phần chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đồng thời giảm tải lên tuyến trên.

Bệnh tim mạch là một bệnh lý phổ biến, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 17,9 triệu người tử vong do bệnh tim, trong đó có 85% trường hợp gây ra bởi bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Hàng năm, Việt Nam có gần 200.000 người chết vì bệnh tim, con số này cao hơn so với tỷ lệ tử vong do ung thư.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong điều trị các bệnh tim mạch- Ảnh 1.

Tại Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa, mỗi ngày có 40-50 người đến khám, điều trị các bệnh lý tim mạch như: bệnh lý mạch máu, bệnh về van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim, bệnh lý suy tim, bệnh lý tim bẩm sinh và bệnh lý tim nhiễm khuẩn. Trước thực trạng đó, những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa luôn tiên phong trong việc ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại trong khám, điều trị các bệnh về tim mạch. Theo đó, cùng với việc đầu tư nhiều máy móc, thiết bị, Bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật như: chụp can thiệp động mạch vành, chụp can thiệp mạch máu chủ ngoại biên, đặt máy tạo nhịp tim, điều trị rối loạn nhịp tim bằng tần sóng radio, đặt stent động vạch vành… Nhờ đó, nhiều người bệnh đã được cứu chữa kịp thời, không ít bệnh nhân được rút ngắn thời gian điều trị và giảm chi phí, thời gian đi lại.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thế Anh, Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhiều kỹ thuật hiện đại như: đặt Stent Graft trong điều trị bệnh lý động mạch chủ ngực, điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp và rung nhĩ bằng Phần mềm hệ thống tạo maping 3D, lập bản đồ các buồng tim. Đây là kỹ thuật hiện đại nhất trong điều trị các bệnh lý rối loạn nhịp tim.…Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kỹ thuật cấy máy đồng bộ điều trị suy tim giai đoạn cuối và thay van động mạch chủ qua da giúp cho bệnh nhân không phải chịu những cuộc phẫu thuật”.

Lâu nay, Bệnh nhân Nguyễn Thị Hạnh, 68 tuổi, ở thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy không có biểu hiện của bệnh tim. Thế nhưng, tự nhiên, bệnh nhân thấy đau ngực, cảm giác như bị bóp nghẹt cùng với khó thở nên được người nhà đưa xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bị nhồi máu cơ tim và được đặt stent mạch vành kịp thời. Nhờ đó, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tốt.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong điều trị các bệnh tim mạch- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Tôi không có tiền sử bệnh tim gì cả. Tự nhiên, tôi khó thở, mệt mỏi. Gia đình đưa tôi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy và được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, các bác sĩ rất nhiệt tình, dùng mọi biện pháp khoa học để cứu chữa. Nay, sức khỏe tôi đã tốt”.

Còn bệnh nhân Lương Thị Chủ, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh lại thường xuyên có những cơn tim nhanh, kèm theo đau ngực, khó thở. Bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa khám và được chẩn đoán bị rối loạn nhịp tim. Để đề phòng những cơn loạn nhịp tim nguy hiểm, các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện cấy máy phá rung tự động cho bệnh nhân. Đây là phương pháp tiên tiến của y học hiện đại, giúp dự phòng đột tử do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm gây ra. Nhờ đó, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong điều trị các bệnh tim mạch- Ảnh 4.

Chị Hà Thị Hoa, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Mẹ tôi sức khỏe rất yếu. Gia đình phát hiện và đưa mẹ xuống Bệnh viện. Mẹ tôi được các bác sĩ đặt máy nên sức khỏe nay tốt hơn”.

Đáng chú ý trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa phải kể đến đội ngũ cán bộ, bác sĩ tại Khoa Nội tim mạch nói riêng và Bệnh viện nói chung luôn cập nhật những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật của các nước tiên tiến trên thế giới. Nhằm bắt kịp với sự phát triển của y học hiện đại, Bệnh viện còn cử nhiều bác sĩ ra nước ngoài và các Bệnh viện Trung ương để được đào tạo các kỹ thuật tiên tiến can thiệp tim mạch; tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Nhiều bác sĩ đã tích cực tham gia viết để tài nghiên cứu khoa học và được áp dụng và thực tiễn tại bệnh viện.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong điều trị các bệnh tim mạch- Ảnh 5.

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phó Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ngoài được đi đào tạo ở các Bệnh viện lớn và ở nước ngoài, hiện tại, bản thân tôi đã được cập nhật hàng năm và từng quý học. Chúng tôi được tham gia các kỹ thuật mới ngắn hạn như: siêu âm tim, siêu âm tim qua thực quản, siêu âm mạch máu, chúng tôi ứng dụng thêm kỹ thuật laser tĩnh, điều trị cho bệnh nhân suy tĩnh mạch, giúp bệnh nhân được điều trị tại tỉnh nhà có kết quả tốt”.

Nhìn chung, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào khám và điều trị các bệnh tim mạch đã đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân trong tỉnh. Từ đó, góp phần mang lại cho bệnh nhân chất lượng cuộc sống cao hơn và tuổi thọ dài hơn, góp phần làm thay đổi quan điểm và tiên lượng trong điều trị bệnh tim mạch.

Bác sĩ CK2 Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng phát triển các chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành tim mạch, đầu tư nhiều máy móc hiện đại như: siêu âm, phòng mổ hiện đại, thực hiện các ca mổ tim. Thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục cử các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đi học tại các tuyến Trung ương cũng như Quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn, kết hợp với đầu tư trang thiết bị máy móc để giúp cho nhân dân có thể được hưởng thụ các kỹ thuật mới ngay tại tỉnh nhà”.

Ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các kỹ thuật cao trong điều trị các bệnh về tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chính là yếu tố quan trọng đưa Bệnh viện ngang tầm với các Bệnh viện Trung ương; phấn đầu đến năm 2025, Thanh Hóa trở thành Trung tâm y học công nghệ cao của Khu vực Bắc miền Trung.

Liên hệ nhanh