Kết nối nhu cầu của bệnh nhân nghèo tới các nhà hảo tâm, tư vấn tâm lý và giải tỏa những bức xúc hay mâu thuẫn, chia sẻ buồn đau của bệnh nhân, thực hiện hoạt động xã hội trong bệnh viện… Công việc chở “niềm tin” của những y, bác sĩ làm công tác xã hội (CTXH) đã khiến bệnh viện trở thành ngôi nhà ấm áp, nơi gieo “hy vọng” của bệnh nhân và người nhà.
Nhận thông báo có bệnh nhân cần hỗ trợ, Thạc sĩ y tế công cộng Nguyễn Văn Hòa (Trưởng Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vội vã đến trò chuyện, đồng thời tìm hiểu thông tin, hoàn cảnh. Ngay trong buổi trò chuyện ngắn, anh Hòa đã lên phương án hỗ trợ tối ưu nhất cho bệnh nhân, công việc sau đó được anh và đồng nghiệp triển khai nhanh, gọn, hiệu quả. Cứ như vậy, hàng ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được nhân viên CTXH giúp đỡ, hỗ trợ. Tối thiểu nhất bệnh nhân, người nhà sẽ được cung cấp thông tin khoa, phòng và hướng dẫn khám bệnh ngay tại sảnh tiếp đón bệnh nhân.
Các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân được phòng CTXH duy trì đều đặn
Theo anh Hòa thì ngành y mang tính chất đặc thù, nhân viên CTXH cũng cần có những yếu tố riêng. Trong đó, cần phải có kiến thức, nghiệp vụ CTXH và quan trọng nhất là cái “tâm”. Nếu không có cái “tâm”, gặp một trường hợp khó khăn sẽ dễ bỏ qua, không lao tâm khổ tứ, không dành thời gian công sức. Bên cạnh đó, khi làm CTXH có những vấn đề cần hỗ trợ về kinh tế, hỗ trợ về vật chất, nếu như không có cái “tâm”, người ta dễ đặt lợi ích cá nhân hoặc là lợi ích của một nhóm lên trước, lợi ích của người được thụ hưởng xuống sau. Đặc biệt, xã hội hiện đại, người bệnh không chỉ cần hỗ trợ về vật chất mà cả đời sống tinh thần, họ cần được an ủi, chia sẻ, động viên để có niềm tin và một tinh thần lạc quan trong quá trình điều trị bệnh. Điều đó không những giúp cải thiện tình trạng sức khỏe mà cả chất lượng cuộc sống của họ.
Với mong muốn đem lại nhiều lợi ích tốt nhất cho người bệnh, chị Lương Thị Thanh Nhân (Điều dưỡng trưởng, Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) dù không phải là nhân viên CTXH nhưng luôn nỗ lực giúp đỡ người bệnh một cách hiệu quả nhất với trách nhiệm của một “lương y”. Chị bộc bạch: “Khi giúp đỡ người bệnh chúng tôi tự cảm thấy niềm vui. Những người làm việc này đều xuất phát từ cái tâm, vì người bệnh để mỗi bệnh nhân đều cảm thấy tin tưởng ở môi trường của bệnh viện”.
Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chị Nhân làm việc là khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng, thời gian điều trị lâu khiến người bệnh không những mệt mỏi về tinh thần, thể xác mà còn kiệt quệ về kinh tế, trong khi bảo hiểm y tế có mức chi trả giới hạn, phần lớn người bệnh phải gánh vác. Bởi vậy, giúp đỡ bệnh nhân không nhất thiết phải là hỗ trợ tiền mà là những quan tâm nhỏ đến đời sống hàng ngày, khích lệ, động viên và truyền cảm hứng, để họ hiểu rằng luôn luôn có người đồng hành, giúp đỡ khi khó khăn.
Mỗi khi bệnh viện có đoàn cắt tóc miễn phí chị sẽ giục những người đàn ông đi chỉnh trang lại diện mạo. Khi có bữa cơm từ thiện chị sẽ nhắc nhở mọi người nhớ đến lấy để tiết kiệm chi phí. Khi thấy bệnh nhân mệt mỏi chị sẽ khuyến khích họ đến với lớp yoga cười hoặc trò chuyện cho vơi bớt nỗi sầu. Khi có bệnh nhi, chị sẽ giúp các bé thư giãn với những cuốn sách thiếu nhi vui nhộn. Nhiều khi chị còn đi chợ, chọn mua đồ cùng với bệnh nhân tại phiên chợ 0 đồng do bệnh viện tổ chức… Sự chăm lo của chị và các y, bác sĩ bệnh viện đã giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân cảm thấy ấm áp, vui vẻ. Qua đó, giúp họ tin tưởng và đồng hành tích cực cùng bác sĩ trên con đường chiến thắng bệnh tật.
Cũng như chị Nhân, chị Lê Thị Yến, Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống luôn tự hào về nghề mà mình đã chọn. Ngày ngày tiếp xúc với bao mảnh đời bất hạnh, áp lực lớn nhất của nhân viên CTXH trong bệnh viện là làm sao để cân bằng cảm xúc và làm thế nào để hỗ trợ được người bệnh một cách tối đa. Giúp đỡ được các bệnh nhân về mặt tinh thần để giúp họ vơi đi nỗi đau về bệnh tật và có thêm tinh thần lạc quan, một chút đó thôi cũng khiến chị Yến hạnh phúc.
Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, nhân viên CTXH còn giúp họ hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng. Chị Yến chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ. Đó là một người phụ nữ trẻ mắc bệnh suy thận nặng, chồng cũng bị bệnh nặng, gia đình thuộc hộ nghèo. Chị Yến vẫn thường liên lạc để hỗ trợ và tư vấn, qua đó chị biết được những suy nghĩ giấu kín. Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường về tâm lý, chị thường xuyên gọi điện, chia sẻ, trở thành người bạn tâm giao, đồng thời đề xuất bệnh viện dành những hỗ trợ thiết thực cho người bệnh. Sự giúp đỡ tận tâm đã giúp bệnh nhân qua được thời điểm khó khăn nhất, lấy lại niềm tin trong cuộc sống, tiếp tục theo đuổi quá trình điều trị. Chị vui vẻ nói: “Họ tìm đến mình chứng tỏ là mình đã tạo được uy tín, lòng tin. Không chỉ là mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân mà họ đã coi mình như một người bạn, người thân để chia sẻ mọi thứ. Đối với nhân viên CTXH, mỗi trường hợp tư vấn, trợ giúp thành công chính là những phần thưởng vô giá, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để tôi và các đồng nghiệp của mình nỗ lực hơn nữa trong công việc”.
Những người như anh Hòa, chị Nhân, chị Yến… đã làm tốt vai trò tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế… với lương tâm và trách nhiệm của một “lương y”.
CTXH đã có từ lâu, song công tác này đi vào hoạt động chính thức, chuyên nghiệp từ khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH của bệnh viện. Đến nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã thành lập phòng CTXH. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế hoạt động nhiệt tình, tâm huyết, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ yêu cầu trong hoạt động CTXH. Tuy nhiên, hoạt động CTXH còn nhiều khó khăn, trong đó một số bệnh viện do thiếu nhân lực nên hoạt động CTXH đang được lồng ghép, hoặc mới thành lập các tổ CTXH.