Xóm trọ 0 đồng của những bệnh nhân chạy thận

Mỗi người một hoàn cảnh, một quê hương, nhưng căn bệnh suy thận mạn đã kéo họ xích lại gần nhau và cùng quây quần trong một xóm trọ nhỏ thuộc Tổ 3, phố 9, phường Quảng Thắng. Xóm trọ nằm ngay bên hông Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá và được nhiều người biết đến là “xóm chạy thận”. Ở xóm này, người ta chẳng nói chuyện với nhau bằng số tuổi thực, mà áng chừng cánh tay ai chằng chịt u cục thì đích thị “tuổi bệnh” lâu nhất. Bằng tình yêu thương, sẻ chia của các nhà hảo tâm, suốt thời gian qua, xóm trọ 0 đồng này đã trở thành mái ấm thứ hai cho những người đang ở lằn ranh sinh tử, nơi mà sự sống và cái chết như sợi chỉ mong manh khiến tình người thêm bền chặt, ấm nồng…

Xóm chạy thận thuộc Tổ 3, phố 9, phường Quảng Thắng của những bệnh nhân suy thận mạn

Những mảnh đời ở “Xóm chạy thận”

“Xóm chạy thận” đã tồn tại cách đây cả hơn chục năm, sở dĩ xóm có tên đặc biệt như thế, vì chẳng biết từ bao giờ, các bệnh nhân cùng mắc bệnh thận đã rủ nhau chung sống quây quần, đùm bọc nhau như một đại gia đình.

Họ là những người dân ở các huyện trong tỉnh mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối đang điều trị ngoại trú tại Trung tâm Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, do bệnh tật, sức khỏe yếu nên phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện cho việc chạy thận mỗi tuần.Thời gian điều trị của mỗi người khác nhau, ít thì 4-5 năm trong khi người điều trị nhiều nhất thời gian cũng xấp xỉ 15 năm. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là đều đặn một tuần ba lần họ phải đến bệnh viện, nhờ vào sự trợ giúp của máy móc để duy trì sự sống.

Bệnh nhân chạy thận với đôi cánh tay chi chít khối u (cầu chạy thận) và những vết kim tiêm

Xóm trọ hiện tại có 7 phòng, mỗi phòng chỉ khoảng 10m2, tồi tàn, ẩm thấp, là chỗ ở cho 8 bệnh nhân và 2 người nhà chăm nuôi. Từ năm 2021, nhờ sự kết nối và kêu gọi hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chi phí thuê trọ được một nhà hảo tâm hỗ trợ hoàn toàn.

Những căn phòng trọ đơn sơ, ẩm thấp, mùa hè thì nóng như lửa đốt, mùa đông thì gió mùa rít vào tận gầm giường là chỗ ở cho hơn 10 người tại xóm chạy thận

Chúng tôi đến đây vào một ngày cuối tuần chớm đông, những cơn gió lạnh đầu mùa làm cho không khí nơi xóm trọ trở nên vắng lặng và buồn hơn. Đón chúng tôi là những khuôn mặt khô vằn nứt nẻ, những manh áo mỏng manh không đủ để che hết đi đôi cánh tay chi chít khối u (cầu chạy thận) và những vết kim tiêm, nhưng ai nấy đều ánh lên vẻ mặt vui vẻ, chào đón chúng tôi bằng một thái độ thân thiết và cởi mở.

Tiếp chuyện chúng tôi, bác Trần Thị Liên (54 tuổi, Thiệu Tiến, Thiệu Hóa) kê chiếc ghế nhựa ra hành lang vừa nhặt rau, vừa tâm sự: “Tôi bị suy thận giai đoạn cuối, ở xóm trọ này cũng được 7 năm rồi. Chồng mất sớm, hai cô con gái lấy chồng hoàn cảnh cũng khó khăn, nên từ năm 2015 khi phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối, tôi khăn gói một mình xuống Bệnh viện tỉnh điều trị. Không thu nhập, không chỗ ở, không người thân bên cạnh, có những lúc nỗi cô đơn, buồn tủi lắm muốn buông xuôi mặc kệ số phận nhưng nghĩ đến con cái, gia đình nên tôi lại gượng đứng dậy, tiếp tục chống chọi với bệnh tật.”

Bác Trần Thị Liên (54 tuổi, Thiệu Tiến, Thiệu Hóa) và căn phòng trọ của mình

Câu chuyện của chúng tôi chợt ngắt quãng khi anh Hoàng Văn Tươi (34 tuổi, Xuân Lộc, Thường Xuân) từ trong phòng bước ra. Thấy người lạ, anh Tươi khẽ gật đầu chào, với tính cách hòa đồng, thân thiện anh bắt nhịp với câu chuyện của chúng tôi. Anh cho biết phát hiện suy thận năm 2013, lúc đó anh còn là một thanh niên khỏe mạnh, to cao, hoạt bát, ở cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, đáng lẽ được sống hết mình với những ước mơ, hoài bão thì anh Tươi lại từng ngày chống chọi với những cơn đau về thể xác và những mặc cảm về tinh thần.

Anh Hoàng Văn Tươi (34 tuổi, Xuân Lộc, Thường Xuân) buồn rầu ngồi trong căn phòng đơn sơ

Anh tâm sự: “Lúc phát hiện bệnh, tôi đã có gia đình và có 1 đứa con nhỏ. Từ lao động chính trong nhà, tôi trở thành bệnh nhân với những ngày dài triền miên gắn liền với bệnh viện, cuộc sống gia đình cũng đảo lộn từ đó, vì khổ quá vợ tôi đã bỏ bố con tôi đi. Tôi phải gửi con cho ông bà nội chăm sóc để lên trên này chữa bệnh và cũng làm thuê kiếm thêm tiền thuốc men, sinh hoạt. Nhiều lúc nhớ con lắm, nhưng biết làm thế nào, tôi cũng chỉ có thể lấy ảnh con ra xem hoặc chờ đến tối gọi một cuộc điện thoại nghe giọng nó là thấy vui lắm rồi”. Nỗi nhớ thương con nhỏ khiến giọng anh như nghẹn lại. Sự mạnh mẽ của người đàn ông đã giúp anh kìm nén để không bật khóc.

Để làm thay đổi không khí, bác Liên kéo chúng tôi đi tham quan một vòng xóm trọ. Các căn phòng trọ đều rất đơn sơ, trống trải, chẳng có đồ đạc gì ngoài chiếc giường cũ kỹ và một số vật dụng hàng ngày như bếp ga mini, nồi cơm điện…Tất cả mọi người ở xóm trọ đều khó khăn, mọi chi phí sinh hoạt đều dè dặt. Mỗi tháng ngoài các khoản chi phí điều trị tại Bệnh viện do bảo hiểm y tế chi trả, tiền sinh hoạt, ăn uống, mua thêm thuốc men…cũng tiêu tốn từ 3-4 triệu đồng. Thế nên, họ thường đùa với nhau rằng, ngoài cơn đau do bệnh thận hành hạ, thì cơn “viêm màng túi” thường xuyên cũng khiến cả xóm chạy thận lao đao…

Một căn phòng trọ tại xóm trọ

Để có tiền trang trải cho sinh hoạt và thuốc men, ở xóm trọ này, ai còn sức thì còn đi làm, có những người vừa rút kim truyền, lại vào guồng đi kiếm sống. Một tuần 3 lần, họ gắn với bệnh viện, những ngày còn lại họ chọn những công việc khác nhau để mưu sinh. Người khỏe thì đi bán nước, chạy xe ôm…Người yếu hơn thì chọn những công việc nhẹ nhàng hơn như nhặt ve chai….

Thấu hiểu những khó khăn của các bệnh nhân tại xóm trọ, ngoài việc kêu gọi hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ, thời gian qua phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã kết nối các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi và trao tặng quà, hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho bệnh nhân tại xóm trọ.

Nơi ấy là nhà

Trong số những bệnh nhân chạy thận có ít người được người nhà ở bên cạnh chăm sóc, đa số đành phải nương tựa vào nhau để chống chọi với bệnh tật. Người còn khỏe chăm sóc người yếu hơn, cũng có khi phải nhờ đến hàng xóm, láng giềng nơi đây. Chẳng thế mà mỗi khi nấu món gì ngon, mọi người lại mời nhau sang ăn, hoặc những khi trong xóm có người ốm đau, mọi người lại chạy sang đưa đi cấp cứu…

Những bệnh nhân chạy thận ở xóm trọ thường bảo nhau: Mỗi ngày mở mắt ra thấy mình còn sống là may mắn, bởi ai vào đây cũng như ngọn đèn trước gió, chẳng biết phụt tắt lúc nào vì vậy họ càng thương yêu, đùm bọc và coi nhau còn hơn cả người thân trong gia đình

Tương tự hoàn cảnh như bác Liên, anh Nguyễn Văn Hưng (43 tuổi, quê ở Ninh Khang, Vĩnh Lộc) phải chạy thận từ năm 30 tuổi. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ sống chủ yếu nhờ vào vài sào ruộng, nên cái ăn lo còn chưa đủ, nói gì đến có khoản tiền dư gửi cho anh mỗi tháng. Vì thế, ngoài thời gian đến bệnh viện, anh lại dọn hàng để bán nước, khi thì chạy xe ôm kiếm sống. Chỉ hôm nào sức khỏe yếu, anh mới dám nghỉ một ngày.

Anh Nguyễn Văn Hưng (43 tuổi, quê ở Ninh Khang, Vĩnh Lộc) bật khóc khi kể về cuộc đời của mình.

 13 năm chạy thận cũng là ngần ấy thời gian anh thiếu vắng những dịp đoàn viên bên gia đình, đặc biệt vào những ngày tết đến xuân về. Với anh, niềm hạnh phúc thật đơn giản, đó là mỗi ngày trôi qua còn được thấy mình khỏe mạnh để được sống bên những người bệnh cùng cảnh ngộ tại “ngôi nhà thứ 2 này” và với cả công việc chạy xe ôm quen thuộc mỗi ngày…

 Sau khi chạy thận xong anh Hưng lại trở lại với công việc chạy xe ôm của mình để kiếm sống

Trời chạng vạng tối, cả xóm trọ lao xao tiếng trò chuyện chuẩn bị cho bữa cơm chiều, tiếng nước chảy, tiếng người nói chuyện lao xao, tiếng dép loẹt quẹt trên nền xi măng cứng, cả tiếng rên rỉ mệt mỏi của những cụ già vì thời tiết chuyển mùa…tất cả những âm thanh thường nhật, rất đỗi bình dị đó thật đáng quý tại nơi này vì đó là những âm thanh của sự sống, âm thanh của gia đình, của tình thương yêu…

Những bệnh nhân nơi xóm chạy thận đang quây quần chuẩn bị bữa cơm chiều

Trong những căn phòng trọ thiếu thốn đủ thứ ấy, chúng tôi cảm nhận được rất rõ tình người, sự yêu thương san sẻ mà những bệnh nhân trong xóm trọ dành cho nhau. Dù những bệnh nhân suy thận biết họ không có phép màu nào trong cuộc sống, dù vẫn hằng ngày đối diện với đau đớn, mệt mỏi, nhưng tình cảm trân quý, sự đùm bọc và mái ấm mà họ dành cho nhau chính là niềm tin, hy vọng và động lực để vượt qua khó khăn, bệnh tật, trước ngưỡng sinh tử, họ vẫn bên nhau, nương tựa vào nhau để kiếm tìm sự sống, đợi chờ một phép màu…

                                                                               Bài và ảnh: Phòng CTXH

 

 

Liên hệ nhanh