Sau 3 năm tích cực chuẩn bị dự án và 2 năm triển khai tiếp nhận đào tạo chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (từ tháng 6-2016 đến tháng 7-2019), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã chính thức được xướng tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên vào ngày 29-6-2018.
Từ đó đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 18 ca ghép và đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận, trong đó có nhiều ca ghép khó như ghép thận từ người cho chết não, người cho và người nhận khác huyết thống, có nhóm máu hiếm, có hiệu giá kháng thể cao… Các bệnh nhân sau ghép đều ổn định sức khỏe, trở lại cuộc sống bình thường và đang được theo dõi và điều trị sau ghép tại Bệnh viện.
Ê kíp y bác sĩ thực hiện lấy thận từ người hiến
Mới đây, tập thể ê-kíp ghép thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện thành công ca ghép thận thứ 18 giữa người cho và người nhận không cùng huyết thống.
Người bệnh được ghép thận là anh L.Đ. H. (33 tuổi, cư trú tại xã Triệu thành, huyện Triệu Sơn), có nhóm máu B. Bệnh nhân phát hiện suy thận từ tháng 6 năm 2021, đến năm 2022 phải chạy thận nhân tạo 3lần/tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.
Người tình nguyện hiến thận là bạn thân từ thuở nhỏ và cư trú cùng xã với anh H, có nhóm máu O. Sau khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cần thiết và chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật, ngày 20/3/2023 ê kíp ghép thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành ghép thận cho cặp ghép trên.
Sau hơn 2 tuần được các y bác sỹ điều trị và chăm sóc tích cực sau ghép thận, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, chức năng thận ghép hoạt động tốt, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép trong giới hạn bình thường, bệnh nhân đã được xuất viện vào ngày 03/4/2023.
Bác sĩ Trần Đình Thủy – Khoa Nội thận – Tiết niệu thăm khám cho bệnh nhân trước khi ra viện
Các y bác sỹ trao giấy ra viện cho bệnh nhân L.Đ.H.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, mỗi năm trung bình có 420 trường hợp mới mắc suy thận mãn tính điều trị nội trú. Hiện tại có gần 450 trường hợp suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi và tốn kém tiền bạc. Vì vậy, việc duy trì triển khai và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại tuyến tỉnh sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn trở về với cuộc sống bình thường và lợi ích kinh tế hơn so với chạy thận nhân tạo.
Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, nguồn tạng hiến luôn hạn chế so với nhu cầu ghép.Trên thế giới, 80% bệnh nhân không có khả năng chờ đến lúc có nguồn tạng hiến, trong khi đó nguồn tạng từ người cho chết/chết não là nguồn vô cùng lớn. Từ nguồn tạng hiến của người cho chết/chết não có thể cứu sống 5 bệnh nhân, cùng hàng chục trường hợp khác từ các mô, gân, xương của người hiến.Theo thống kê, mỗi năm chỉ cần 1% số lượng người chết/chết não đồng ý hiến tạng thì sẽ giải quyết được cơ bản nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam.
Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục. Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá. Bởi đây không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng sống.
Quý bạn đọc và nhân dân muốn được tư vấn và tìm hiểu kỹ hơn về hiến, ghép tạng, xin vui lòng liên hệ Phòng tư vấn và điều trị ghép thận, tầng 2 nhà A11, Khoa Nội thận – Tiết niệu hoặc gọi điện đến số điện thoại PGS.TS Trương Thanh Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp- Phó trưởng khoa Ngoại Tiết niệu (096.898.6898), số điện thoại BSCKII Hán Thị Bích Hằng – Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu (0912.395.798).
Bài và ảnh: phòng CTXH