Mới đây, các bác sĩ khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá vừa nối thành công ngón tay đứt lìa cho bệnh nhân bị tai nạn lao động bằng phương pháp vi phẫu.
Ê kịp các bác sỹ đã sử dụng kính vi phẫu nối lại đốt ngón tay cho bệnh nhân
Bệnh nhân nam tên là N.V.L (29 tuổi, trú tại Thọ Cường, Triệu Sơn, Thanh Hoá) bị tai nạn khi đang làm việc với máy sắt cơ khí, anh bị máy đè dẫn đến đứt gần lìa đốt 1 ngón II bàn tay phải, chỉ còn dính 1 chút da. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn sơ cứu sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá điều trị.
Ngón tay bị đứt gần lìa của bệnh nhân
Các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương đã nhanh chóng hội chẩn đánh giá tình trạng tổn thương và quyết định nối đốt ngón tay đứt rời cho bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu.
Tuy nhiên, do máy sắt cơ khí đè quá mạnh dẫn đến bệnh nhân bị đứt gân gấp, gân duỗi, đứt các mạch máu thần kinh 2 bên ngón II nên ê kíp các bác sĩ đã tiến hành 2 cuộc phẫu thuật. Lần 1 sử dụng kính vi phẫu nối gân duỗi, kết hợp xương đốt 1 ngón 2 bằng đinh Kirchner và lần 2 là phẫu thuật nối gân gấp ngón 2 bàn tay phải cho bệnh nhân.
Ngón tay bệnh nhân sau phẫu thuật nối bằng kính Vi phẫu
Sau hơn 3 giờ với kỹ thuật vi phẫu, các bác sĩ đã nối lại thành công mạch máu, thần kinh, gân cơ, xương đốt ngón tay bị đứt, trả lại bàn tay nguyên vẹn cho người bệnh. Sau mổ khoảng 6 giờ, ngón tay của bệnh nhân hồng ấm trở lại, cấp máu tốt.
Đến nay, sau thời gian điều trị 2 tuần, ngón tay nối đã cử động được nhẹ nhàng, phần nối phản hồi mao mạch tốt, bệnh nhân được các bác sĩ hướng dẫn thực hiện các bài tập phục hồi chức năng để đảm bảo việc vận động của phần ngón tay được nối. Bệnh nhân đã được ra viện trở về với cuộc sống bình thường.
Bệnh nhân hồi phục sau 2 tuần điều trị
BSCKII Hoàng Tuấn Long – Phó Trưởng Khoa Chấn thương – Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân L. cho biết: “Trường hợp bệnh nhân L.vào viện trong tình trạng đốt tay gần như đã đứt lìa, chỉ còn dính chút da, tuy nhiên đánh giá khả năng phục hồi cao nên chúng tôi đã kịp thời phẫu thuật nối lại để đảm bảo chức năng bàn tay cũng như tính thẩm mỹ cho người bệnh.
Cái khó và phức tạp của trường hợp này là mạch máu ở ngón tay nhỏ nên đòi hỏi độ khéo léo, tỉ mỉ cao trong mọi thao tác. Chúng tôi phải sử dụng kính vi phẫu phóng đại phẫu trường, bộ dụng cụ vi phẫu chuyên dụng cùng tay nghề chuyên môn thuần thục mới có thể thực hiện các thao tác khâu nối các động, tĩnh mạch với kích thước nhỏ. Rất vui mừng vì ca phẫu thuật đã thành công giúp bệnh nhân phục hồi bàn tay nguyên vẹn”.
Trước đây khi chưa triển khai kỹ thuật này thì trường hợp của bệnh nhân L. thường sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến trung ương, hoặc sẽ cắt bỏ phần chi bị đứt và tạo mỏm cụt nếu các mô đứt lìa bị hoại tử.
Từ năm 2022, sau khi cử ê kip các bác sĩ đi đào tạo bài bản tại các Bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công 3 ca nối chi thể, trong đó có những ca khó như đứt lìa hoàn toàn cánh tay. Các bệnh nhân sau nối chi thể đều phục hồi rất tốt và quay trở về với cuộc sống lao động, sinh hoạt bình thường. BS Long thông tin thêm.
Việc triển khai và ứng dụng thành công kỹ thuật này đã mang lại kết quả tích cực, trao hy vọng cho nhiều trường hợp không may đứt rời chi trong quá trình lao động, sinh hoạt được phẫu thuật cấp cứu kịp thời ngay tại địa phương, giảm bớt di chứng nặng nề cho người bệnh, giúp họ dễ dàng trở lại cuộc sống bình thường.
Bài và ảnh: Phòng CTXH