Sử dụng gân tự thân tái tạo đứt dây chằng quạ đòn cho nam bệnh nhân bị tai nạn giao thông

 

Mới đây, các Bác sỹ khoa Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật tái tạo đứt dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân thành công cho một nam bệnh nhân bị trật khớp cùng đòn và đứt dây chằng quạ đòn vai trái.

 

BsCKI Đào Văn Quang – Phó Trưởng khoa Chỉnh hình – Bỏng thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

 

 

Bệnh nhân là anh N.H.C (47 tuổi, Nông Cống) nhập viện trong tình trạng đau nhức vai trái, hạn chế vận động do bị tai nạn giao thông. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, anh N.H.C được chẩn đoán bị trật khớp cùng đòn vai trái và đứt dây chằng quạ đòn vai trái có chỉ định phẫu thuật.

 

 

Sau khi cân nhắc ưu nhược điểm của các phương pháp phẫu thuật, các bác sĩ khoa Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân cho bệnh nhân. Theo đó, các bác sỹ tiến hành lấy gân gan tay dài ở cổ tay để tái tạo lại dây chằng bị đứt, nắn khớp cùng đòn vào lại vị trí giải phẫu.

 

Kết quả kiểm tra phim chụp X-quang khớp vai trái sau phẫu thuật cho thấy xương nắn vào khớp tốt. Sau phẫu thuật 4 ngày, tình hình sức khỏe của bệnh nhân ổn định và đã được ra viện vào ngày 24/3/2023.

 

Hình ảnh phim chụp X-quang của bệnh nhân trước và sau khi thực hiện phẫu thuật

 

BS.CKI. Đào Văn Quang, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đối với các chấn thương như bệnh nhân N.H.C, hiện tại có nhiều phương pháp phẫu thuật như: Cố định khớp bằng phương pháp xuyên đinh và chỉ thép; bắt vít cố định từ xương đòn xuống mỏm quạ, nẹp khóa móc…nhưng những phương pháp này nhiều nhược điểm: vết mổ dài mất thẩm mỹ, chức năng khớp cùng đòn và vận động khớp vai bị hạn chế và đặc biệt là bệnh nhân phải mổ lần 2 để tháo dụng cụ kết hợp xương.

 

Việc sử dụng phương pháp phẫu thuật tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân là phương pháp tối ưu giúp hạn chế những nhược điểm của các phương pháp nêu trên. Với phương pháp này, các bác sỹ có thể sử dụng gân gan tay dài ở cổ tay hoặc gân Hamtrint ở gối của bệnh nhân để tái tạo dây chằng bị đứt. Đây là phương pháp phẫu thuật tiên tiến điều trị cho những trường hợp trật khớp cùng đòn (độ IV đến độ V) ít xâm lấn với các ưu điểm: Đường mổ nhỏ (5-6cm), chức năng giải phẫu phần tổn thương được khôi phục, thời gian phục hồi nhanh, số ngày nằm viện ngắn, chi phí điều trị thấp, tỉ lệ bệnh nhân phục hồi chức năng tốt trên 90%, và đặc biệt bệnh nhân không phải trải qua cuộc phẫu thuật tháo dụng cụ giống như phẫu thuật mổ hở trước đây.


Tuy nhiên, phẫu thuật tái tạo dây chằng quạ đòn bằng gân tự thân là kỹ thuật tương đối khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm. Vì vậy, phẫu thuật này phần lớn mới chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến Trung ương và một số ít các bệnh viện tuyến tỉnh.

 

 


BS.CKI. Đào Văn Quang, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình – Bỏng chụp ảnh cùng bệnh nhân N.H.C trước khi ra viện

 

Để tránh xảy ra tình trạng trật khớp cùng đòn trong sinh hoạt hàng ngày Bs.CKI. Đào Văn Quang khuyến cáo người dân nên trang bị các phương tiện bảo hộ đầy đủ khi lao động, tập thể dục hoặc chơi thể thao đúng cách, khi tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định và có ý thức để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình….Trường hợp bị tai nạn phát hiện có chấn thương vùng khớp, người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh việc tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tự nắn chỉnh khớp gây ra các biến chứng không mong muốn.

 

                                                              Bài và ảnh: Phòng CTXH

 

 

Để lại một bình luận

Liên hệ nhanh